Bà Nễ đam mê công việc chế biến các món ăn chay.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ăn chay trường theo đạo Cao Đài, nên từ khi còn bé, bà Phạm Thị Nể (sinh năm 1964, ngụ phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh) đã biết thưởng thức các món ăn chay. Hằng ngày, bà Nễ thường xuyên vào bếp nấu bữa cơm chay cho gia đình.
Đối với bà, niềm đam mê chế biến các món ăn từ rau, củ, quả trở thành niềm vui trong cuộc sống từ lúc nào không hay. Lớn lên, bà Nể theo học ngành sư phạm và trở thành giáo viên của Trường THCS Lý Tự Trọng, thị xã Hoà Thành.
Tây Ninh là vùng đất có đạo Cao Đài phát triển mạnh nhất cả nước. Đặc biệt, ở thị xã Hoà Thành có đến 90% dân số theo đạo Cao Đài. Các tín đồ đạo Cao Đài có nhiều người ăn chay trường hoặc ăn chay mỗi tháng mười ngày. Vì vậy, việc chế biến món ăn chay trong các họ đạo và trong đời sống người dân phát triển rất mạnh.
Hằng ngày, ngoài việc dạy học ở trường, bà Nễ dành hết thời gian còn lại cho việc nghiên cứu kỹ thuật chế biến các món ăn chay. Để có điều kiện cọ sát, học hỏi thêm về nghệ thuật chế biến món chay, bà Nễ xin vào làm phụ bếp cho các cơ sở chuyên về thức ăn chay.
Sau 33 năm làm nghề dạy học, bà Nễ nghỉ hưu. Hơn 5 năm qua, bà Nễ càng có điều kiện nhiều hơn dành cho sở thích chế biến món ăn chay. Hiện nay, từ những nguyên liệu như tàu hủ ky, rau, củ, quả và các loại nấm, cựu giáo viên này chế biến được nhiều món ăn chay với những hình thức đẹp mắt. Trong đó, có nhiều món được chế biến với màu sắc, kích thước giống gần 100% với những loại thức ăn mặn, như cá lóc, cá kèo, ốc bươu hấp sả, chả đùm, cổ vịt, hột vịt, khổ qua rim v.v…
Lý giải về việc những món ăn chay được chế biến với hình thức và gọi tên giống như những món ăn măn, bà Nễ cho biết: “Theo tôn giáo Cao Đài thì không được gọi như vậy. Món ăn chay này được gọi chung là món bó sổ. Chế biến và gọi theo tên như những món mặn là để người dân thấy thích hơn, gần gũi hơn”.
Món khổ qua rim của bà Nễ được nhiều người ưa thích.
Bà Nễ chia sẻ, để chế biến hoàn chỉnh một món ăn chay, buổi sáng bà phải đi chợ mua nguyên liệu, buổi chiều từ 13 giờ đến chiều tối bà mới làm xong một món. Hiện nay, các sản phẩm thức ăn chay của bà Nễ được bán cho nhiều quán ăn chay và một số cơ sở dịch vụ chuyên phục vụ thực phẩm chay ở các đám tiệc trong tỉnh.
Là người có thâm niên hơn 50 năm gắn bó với nghề chế biến món ăn chay và được đi tham quan, thưởng thức món chay ở nhiều nơi trong nước, bà Nễ nhận xét, có dịp đi khắp nơi mới thấy ẩm thực chay ở Tây Ninh ngon nhất. Đặc biệt có nhiều món chay ở các tỉnh khác, khi đem về Tây Ninh chế biến lại, trở thành một món ăn mới và ngon hơn rất nhiều.
Bà nễ cũng đã học xong chương trình đào tạo kỹ thuật nấu ăn do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TPA tổ chức. Là một cựu giáo chức, bà Nễ dự kiến trong tương lai sẽ mở lớp dạy kỹ thuật chế biến các món ăn chay cho những người yêu thích loại thực phẩm này.
Người phụ nữ này bày tỏ rất vui khi biết được sắp tới tỉnh nhà tổ chức Lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh”. Bà cho rằng đây là dịp quảng bá các món ăn chay rộng rãi hơn. Qua đó, hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều người ăn chay hơn, lòng dân sẽ hướng thiện nhiều hơn.
“Ăn chay sẽ bớt việc sát sanh hại vật và giảm bớt những căn bệnh do dùng quá nhiều thực phẩm có chất đạm động vật. Ăn thực phẩm chay sẽ giúp dễ tiêu hoá thức ăn, không bị nặng bụng, cảm thấy trong người nhẹ nhàng. Ăn chay một thời gian sẽ cảm thấy không còn thèm những món ăn mặn nữa”- bà Nễ chia sẻ.
Đại Dương