Dù vẫn đang trong thời gian cách ly xã hội nhưng những ngày gần đây, cả Hà Nội và TP.HCM đều có hiện tượng người dân nườm nượp kéo ra đường. Ở nhiều ngã tư, hàng trăm người, xe đỗ sát nhau chờ đèn xanh, chữ K – Khoảng cách trong khuyến cáo 5K của Bộ Y tế hoàn hoàn bị hủy bỏ. Khi bị chặn lại ở các chốt kiểm soát, người ta đưa ra đủ lý do: Đi làm, đi mua thực phẩm, có việc gấp, thăm thân nhân ốm nặng, giao hàng gấp…
Ai cũng cho rằng lý do của mình là chính đáng, là rất cần thiết ngay cả khi lý do đó không được lực lượng chức năng chấp nhận. Nhiều người cố gắng trình bày, lý luận, năn nỉ với cán bộ trực chốt để được qua. Và khi bị từ chối, không ít người nổi giận mắng mỏ, mạt sát, thậm chí chống đối, hành hung lực lượng đang làm nhiệm vụ, gây phẫn nộ cho cộng đồng.
Cảnh người xe nườm nượp ở Hà Nội ngày 12/8.
Và rất, rất nhiều người đàng hoàng thông chốt nhờ có giấy đi đường. Theo tôi, đây là một kẽ hở trong việc giám sát, đảm bảo tuân thủ lệnh cách lý xã hội. Bởi giấy đi đường do người sử dụng lao động cấp cho nhân viên. Nếu vị sếp đó không ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế tối đa số nhân viên đến công sở hoặc đi giao dịch, họ hoàn toàn có thể cấp nhiều hơn con số cần thiết. Còn gì dễ hơn việc các đơn vị, cơ quan, công ty… cấp giấy đi đường cho người của mình, như một thứ “của nhà trồng được, muốn bao nhiêu cũng có”?
Trong khi đó, virus SARS-COV-2, đặc biệt là biến thể Delta, không phân biệt ai có giấy đi đường, ai không, không phân biệt lý do ra đường của người nào là chính đáng. Virus tấn công bất cứ ai mà nó có cơ hội tiếp cận. Thêm một người ra đường lúc này là thêm một cơ hội cho lan truyền, bùng phát. Thêm một người nhiễm SARS-CoV-2 là thêm rất nhiều người khác bị liên lụy và có thể trở thành F0, kéo theo hàng trăm, hàng nghìn người khác phải gồng mình, kiệt sức để thực hiện các biện pháp chống dịch.
Vì vậy, xin đừng mang sự ích kỷ cá nhân của mình ra để đấu lý khi bị người nhà phản đối ra đường hay khi bị ngăn lại ở các chốt kiểm soát, đừng dễ dãi cấp giấy đi đường cho nhân viên dưới quyền. Có những công việc, nhu cầu là thiết yếu trong hoàn cảnh bình thường nhưng lại trở thành thứ yếu trong giai đoạn mà chống dịch là điều quan trọng, cấp thiết nhất. Việc chống COVID-19 đang thực sự là cuộc chiến sinh tử, mà trong mọi cuộc chiến, đòi hỏi về tính kỷ luật luôn vô cùng khắt khe.
Về kỷ luật, sinh thời nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu từng nói: "Tôi tin điều cần thiết cho một quốc gia muốn phát triển là kỷ luật. Sự vô kỷ luật và mất trật tự chính là những kẻ thù của sự phát triển". Chuyện chống dịch còn cấp thiết hơn cả sự phát triển vì là chuyện sống còn. "Chống dịch như chống giặc", trong bối cảnh chống giặc, làm sao có thể chấp nhận sự vô kỷ luật, thứ có thể phá hỏng mọi thứ và dẫn đến bại trận?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng nói, kết quả 15 ngày đầu giãn cách có ý nghĩa quan trọng, nhưng 15 ngày tiếp theo có ý nghĩa quan trọng hơn, quyết định hơn. Nếu ra đường khi không thật sự cần thiết trong giai đoạn này, bạn đang biến sự hy sinh của chính mình và cả cộng đồng những ngày trước đó trở thành bọt biển, có thể khiến cho dịch bệnh lây lan không kiểm soát được nữa. Vậy tại sao không cố chịu đựng thêm một thời gian cho dịch lắng hẳn xuống và chính quyền cho phép?
Câu chuyện cuối cùng vẫn chỉ là thế này thôi: Chịu khổ để nhanh sướng, hay không chịu khổ để rồi... khổ dài dài? Hãy nhớ rằng lựa chọn của bạn không chỉ liên quan đến cá nhân bạn.
Nguồn vtc