Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

22.12 - Nhớ về những chiến sĩ áo trắng năm xưa

Thứ năm - 19/12/2024 23:54
80 năm qua, quân đội ta không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, lập nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế.

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 80 năm qua, quân đội ta không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, lập nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đồng thời thực hiện xuất sắc nhiệm vụ quốc tế.

Góp sức trong công cuộc bảo vệ đất nước đó, không thể không kể đến những “người chiến sĩ áo trắng”. Không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng họ luôn sát cánh bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho chiến sĩ, đồng bào.

Ban Chủ nhiệm CLB Ban Dân y miền Nam nhiệm kỳ 2024-2029 chụp ảnh lưu niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lãnh đạo Bộ Y tế.

Nơi đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, dọc biên giới Campuchia - Việt Nam hướng Tây Bắc Tây Ninh, giáp ranh với cửa khẩu Xa Mát, cách nay gần 50 năm có một đơn vị rất đặc biệt: Ban Dân y miền Nam. Không phải ai cũng biết đến đơn vị đặc biệt ấy.

Đơn vị đã tồn tại suốt mười mấy năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ- những chiến sĩ áo trắng với các hoạt động thầm lặng đã cứu chữa các thương binh, bệnh binh, đồng bào vùng giải phóng, giúp bộ đội mau khoẻ mạnh để tiếp tục chiến đấu, góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước.

Ban Dân y miền Nam- hồi ức hào hùng

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, phong trào đấu tranh quân sự và chính trị chống chế độ khủng bố, đàn áp, hành quân chiếm đóng đang lên cao, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương luôn quan tâm và lo lắng cho tình hình y tế miền Nam.

Ngay từ năm 1959, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã ra chỉ thị: “Phải tìm những cán bộ miền Nam tập kết, có nhiệt tình, trung thành, chịu khó, biết ứng phó trong mọi tình huống, không sợ hy sinh, để đào tạo kiến thức chuyên môn đa khoa, về miền Nam làm hạt giống nhân rộng, nhằm phát triển mạng lưới y tế, đáp ứng nhu cầu phục vụ sức khoẻ cho đồng bào vùng giải phóng và phục vụ chiến đấu, kể cả đấu tranh chính trị ở miền Nam…”.

Y, bác sĩ Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam tiêm chủng miễn dịch phòng bệnh cho trẻ em trong vùng giải phóng Tây Ninh. Ảnh: Tư liệu

Khoảng đầu năm 1961, đoàn cán bộ y tế đầu tiên được cử vào Nam gồm 20 người, trong đó có bác sĩ Nguyễn Thành Văn. Ông Võ Chí Công, lúc đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, chỉ đạo: “Cần có tổ chức y tế để triển khai việc chữa bệnh cho cán bộ vùng căn cứ, đồng bào khu giải phóng và phục vụ thương bệnh binh”. Ngay sau đó, Ban Y tế Chính Nam được thành lập, sau đổi tên thành Ban Quân Dân y Trung ương Cục.

Năm 1963, Trung ương chi viện thêm một đoàn cán bộ y tế với số lượng đông hơn, trong đó có bác sĩ Đoàn Thuý Ba- nữ cán bộ y tế đầu tiên vượt Trường Sơn đi “B” về với Nam bộ.

Với số lượng cán bộ dồi dào, tổ chức Ban Quân Dân y bắt đầu phát triển với nhiều cơ quan. Lúc bấy giờ, bác sĩ Nguyễn Thành Văn phụ trách văn phòng Ban Quân Dân y Trung ương Cục miền Nam. Quý II.1964, Trung ương chi viện tiếp một đoàn cán bộ y tế cho chiến trường miền Nam, trong đó có bác sĩ Nguyễn Văn Thủ (Bảy Chi) - nguyên Phó Giám đốc Y tế Nam bộ thời chống Pháp.

Cùng đi với bác sĩ Nguyễn Văn Thủ còn có bác sĩ Hồ Văn Huê- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Xã hội, GS.BS Nguyễn Thiện Thành, GS.BS Trương Công Trung… và rất nhiều dược sĩ, bác sĩ giỏi khác.

Y bác sĩ trong phòng vô trùng chuẩn bị ra vaccine. Ảnh: Tư liệu

Chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - nguỵ ngày càng khốc liệt, việc chăm sóc thương binh, bệnh binh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, năm 1964, Trung ương Cục quyết định thành lập Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam, gọi tắt là Ban Dân y miền Nam “R”, do bác sĩ Nguyễn Văn Thủ làm trưởng ban. Cũng do tính chất bí mật, từng thời kỳ, Ban Dân y miền Nam có nhiều bí số khác nhau, như: C451, D112, D413, BS67…

Kể sao cho hết những chiến công thầm lặng của người chiến sĩ áo trắng đã không tiếc máu xương, chăm sóc và phục vụ thương bệnh binh qua những trận pháo kích, những trận càn, ném bom rải thảm.

Các thầy thuốc sẵn sàng hy sinh thân mình để che chắn, bảo vệ thương binh. Trong cuộc chiến tranh ấy, rất nhiều người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống; có những tên tuổi đã được Tổ quốc ghi công vào trang sử rạng danh của đất nước, như: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Nguyễn Hoàng Linh, bác sĩ Thanh Ba… để hôm nay, lớp người đi sau nghiêng mình kính cẩn vọng nhớ, tri ân công ơn to lớn của họ- những con người vĩ đại.

Thắp sáng ngọn lửa cách mạng truyền thống

“Các y, bác sĩ trẻ từ mọi miền đất nước đã từ bỏ vinh hoa, phú quý để tham gia hoạt động cách mạng… Các anh, chị vừa là thầy thuốc, vừa là nhà khoa học và cũng là những chiến sĩ cầm súng để bảo vệ đồng đội, thương binh, bệnh binh, nhân dân; và nhiều anh chị đã mãi mãi nằm xuống trong lòng đất mẹ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chúng ta không thể nào quên hình ảnh của cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch khi ông vào chiến trường chỉ đạo công tác y tế cho miền Nam, trong đó có đẩy mạnh công tác phòng, chống sốt rét.

Không ngờ ông đã ra đi bởi một cơn sốt rét ác tính, để lại niềm tiếc thương vô hạn…”- PGS.TS Trần Thị Trung Chiến- nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế xúc động khi nói về công tác y tế dự phòng của Ban Dân y miền Nam trong thời kỳ chiến tranh.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng chứng tích chiến tranh vẫn còn đó. Những nhân chứng lịch sử vẫn luôn canh cánh, bứt rứt trong lòng với suy nghĩ cần phải làm một điều gì đó để tri ân lớp người đi trước.

Và năm 2008, Câu lạc bộ (CLB) truyền thống Ban Dân y miền Nam được thành lập, do PGS.TS Trần Thị Trung Chiến giữ cương vị chủ nhiệm CLB cho đến nay. CLB trở thành điểm hẹn để hội viên gặp gỡ, trao đổi, hỏi thăm, động viên, giúp đỡ nhau khi cần lúc khó khăn, đau ốm…

Với biết bao công sức cũng như sự vận động, giúp đỡ nghĩa tình của các cấp, các ngành, CLB Ban Dân y miền Nam đã xây dựng được khu lưu niệm truyền thống Dân Y miền Nam, hội trường CLB truyền thống tại khu rừng Chàng Riệc (xã Tân Lập, huyện Tân Biên) trên nền của Bệnh viện Liên Cơ (C6 cũ) và Nhà bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ Dân Y miền Nam tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (Tân Biên).

Đây là những nỗ lực hết sức ý nghĩa của các thành viên CLB, góp phần làm phong phú thêm giá trị lịch sử của ngành Y tế, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nối tiếp sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân theo lời Bác dạy.

Tháng 12.2022, khu lưu niệm truyền thống Ban Dân y miền Nam được xếp hạng di tích quốc gia, trở thành niềm tự hào của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, ghi nhận sự hy sinh của các chiến sĩ áo trắng một thời.

Đã thành truyền thống, mỗi năm, vào những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, rất đông cán bộ, chiến sĩ từng công tác tại Ban Dân y miền Nam lại quay về khu lưu niệm, gặp nhau với những kỷ niệm bùi ngùi. Không thiếu những giọt nước mắt, nụ cười hạnh phúc và biết bao câu chuyện tưởng như không dứt đã làm sáng bừng một khoảnh rừng vốn yên tĩnh của chiến khu xưa, tô đẹp bức tranh lịch sử ngành Y Việt Nam một thời bom đạn.

Yên Khuê

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp