Nghi thức cúng giỗ tiên hiền Đặng Thế Vừa tại đền thờ (phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng)
Thờ cúng tổ tiên, hay dân gian còn gọi là đạo thờ ông bà giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Nó được biểu hiện với sắc thái đa dạng trên những toạ độ lịch sử - văn hoá khác nhau, nhưng đều có một lực hướng tâm: sự tri ân nguồn cội và cố kết dòng họ.
Gắn liền với thờ cúng tổ tiên là tục cúng việc lề, phong tục này được thực hiện hằng năm trong những dòng họ, đặc biệt là những dòng họ đi khẩn hoang ở Nam bộ. Tín ngưỡng này phổ biến tại miền Nam, không có ở miền Bắc và rất mờ nhạt ở miền Trung. Trong đó, “việc lề” có nghĩa là những việc thành lề thói, thông lệ và còn được hiểu là ngày giỗ chung của tổ tiên, là dạng “giỗ hội”, ngày “hiệp kỵ” tổ tiên của một dòng họ. Trảng Bàng là mảnh đất được khai phá sớm trong tỉnh, nơi lưu dấu các vị thuỷ tổ dòng họ của những lưu dân từ miền Trung đi vào Nam khẩn hoang, lập làng từ vài thế kỷ trước.
Trảng Bàng hiện có khoảng 16 dòng họ còn giữ tục cúng việc lề, như ở phường An Tịnh có họ Đinh cúng ngày 12 tháng giêng, họ Lương cúng ngày 22.2 (âm lịch), họ Nguyễn (khu phố An Phú) cúng ngày 22.2 (âm lịch); phường Gia Lộc có họ Nguyễn cúng ngày 10.3 (âm lịch), họ Tạ cúng ngày 12.3 (âm lịch); phường Gia Bình có họ Nguyễn cúng ngày 7.2 (âm lịch), họ Võ (khu phố Bình Nguyên 2) cúng ngày 22.2 (âm lịch), họ Trương Công cúng ngày 25.2 (âm lịch); phường Lộc Hưng có họ Phạm (khu phố Lộc Thanh) cúng ngày 11 tháng giêng, họ Phạm (khu phố Lộc Chánh) cúng ngày 16 tháng giêng, họ Lê cúng ngày 12.3 (âm lịch); phường An Hoà có họ Huỳnh cúng ngày 25.2 (âm lịch); xã Hưng Thuận có họ Trần cúng ngày 8 tháng giêng;…
Ngoài ra, còn có họ Nguyễn gốc ở xã Hưng Thuận nay cúng ở phường Trảng Bàng vào ngày 11 tháng giêng, hay họ Lê ở khu phố An Lợi, phường An Hoà nay dời về xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An vẫn giữ lệ cúng vào mùng 3 tết. Mỗi dòng họ có ngày cúng việc lề riêng với một số vật phẩm cúng mang tính đặc trưng.
Mâm cúng việc lề được dọn lên bàn thờ tổ tiên, sau đó trải chiếu dưới đất dọn mâm dài cúng ở trước sân nhà. Mâm cúng có nhiều món ăn là đặc sản của địa phương, đặc biệt phải có món cá lóc nướng trui, cháo cá ám, canh bầu, chuối xắt, rau rừng, bánh tráng…
Đặc biệt cá lóc nướng hay nấu cháo đều không đánh vảy, không cắt đuôi, không cắt vây. Kiến họ Lương (phường An Tịnh) còn để thêm trên mâm cúng việc lề cái ky, cuốc, cung, tên… là những món ăn, vật dụng dân dã gắn liền với đời sống gian khổ trong buổi đầu đi khai khẩn đất hoang nơi mảnh đất phương Nam của tổ tiên.
Ở một số gia đình theo đạo, trên bàn thờ tổ tiên trong nhà bày mâm cúng chay. Cúng xong, các lễ vật trên mâm cúng được chiết ra đặt lên chiếc thuyền nhỏ, nhân lúc nước lớn thì thả xuống sông như một cách tưởng nhớ tới tiền nhân khi xưa đi ghe, thuyền theo đường sông, rạch tới vùng đất này sinh sống, lập nghiệp và còn được hiểu là đưa tiễn tổ tiên. Thả thuyền xong, con cháu trong dòng họ cùng nhau dùng bữa cơm thân mật.
Mâm cúng việc lề của dòng họ Tạ (phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng)
Ông Tạ Văn Vinh- người hằng năm tổ chức cúng việc lề kiến họ Tạ (phường Gia Lộc) chia sẻ, việc duy trì cúng việc lề họ Tạ ở Gia Lộc vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hằng năm từ đời ông bà, đến đời cha mẹ, nay do tôi thực hiện và tôi dặn lại với con cháu sau này vẫn phải tiếp nối. Đặc biệt, kiến họ Tạ đến nay vẫn còn duy trì việc viết gia phả dòng họ.
Trước đây, cúng việc lề kiến họ Võ (khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình) do các con, cháu út các chi trong dòng họ luân phiên nhau cúng tại nhà, khi mộ ông Võ Văn Lân (1776-1848) và bà Trịnh Thị Ao (1778-1850)- được xem những người đầu tiên lập ra dòng họ Võ ở Trảng Bàng - được trùng tu vào năm 2018, đến năm 2023 lập thêm bàn thờ “Võ tông đường” tại khu mộ, cúng việc lề được tổ chức tại mộ, các chi về cúng rất đông.
Sau khi cúng, bày ngồi bệt trước mộ ăn, nhâm nhi ly rượu, bàn việc họ, trùng tu các mộ tổ tiên trong dòng họ, hỏi thăm sức khoẻ lẫn nhau, những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người lớn, người nhỏ thật vui, có người nhỏ tuổi mà vai lớn nên được gọi bằng ông, nề nếp, thứ tự luôn được giữ gìn theo gia phả.
Đặc biệt, tại Trảng Bàng có kiến họ Đặng, một dòng họ đã có công khai phá, lập thôn Phước Lộc (Gia Lộc) và gắn liền trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất Trảng Bàng và cả Tây Ninh.
Ngày giỗ tiên hiền Đặng Thế Vừa vào mùng 5-6.3 (âm lịch) hằng năm được chọn là ngày cúng giỗ chính của dòng họ, tổ chức tại đền thờ ông ở khu phố Lộc Thành, phường Trảng Bàng. Trong dân gian Trảng Bàng có câu: “Bà con, đồng tộc gần xa, nhớ ngày mùng sáu tháng ba thì về”. Hình thức cúng của dòng họ Đặng không như cúng việc lề mà được tổ chức tế lễ theo nghi thức đình làng, có chánh tế, bồi tế là những bô lão trong dòng họ và học trò lễ dâng lễ vật rất trang trọng. Vào ngày này, dòng họ Đặng ở khắp nơi và người dân ngoài địa phương về viếng rất đông.
Thờ cúng tổ tiên là một mỹ tục của người Việt Nam; trong đó, tục cúng việc lề ở Trảng Bàng và cả Nam bộ được gìn giữ cho đến ngày nay. Đó là nét truyền thống văn hoá tốt đẹp tưởng nhớ tổ tiên, cố kết dòng họ, thể hiện lòng biết ơn đối với tiền nhân, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
Phí Thành Phát