Ngay trong năm này, bác sĩ “Thuộc địa hạng nhất” J.C Baurac đã cho in cuốn sách “Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông”. Trước đó, ông xuất bản cuốn “Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Tây” vào năm 1894. Cuốn sách này được “sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng” như lời ngỏ đã viết.
Ông Le Myre de Vilers, nghị sĩ Nam kỳ có lời nhận xét: “Đó thực sự là một bách khoa thư về Nam kỳ”. Còn Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Andre LeBon, sau khi xem và phê chuẩn xuất bản cũng có thư gửi tác giả. Trong thư có 2 ý quan trọng.
Một là: “Tác phẩm chứa đựng vô vàn thông tin tham khảo hữu ích và quý giá với những ai ham muốn tìm hiểu về thuộc địa Đông Dương giàu có của ta”. Hai là: “Xin cảm ơn vì đã nỗ lực quảng bá bằng sách và hình ảnh, một trong những thuộc địa hải ngoại đẹp nhất của chúng ta…”.
“Đông Dương giàu có” và “Thuộc địa hải ngoại đẹp nhất” là những lời nhận xét của Bộ trưởng cai quản nhiều thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ. Điều này lý giải vì sao thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ dùng mọi thủ đoạn để xâm lược, chiếm đóng trên đất nước ta.
Phải mất tới 80 năm chống lại ách đô hộ thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mới giành được tự do - độc lập. Và, bác sĩ J.C Baurac cũng không thể ngờ được rằng, những trang viết sắc sảo, chi tiết, khá gần với hiện thực của mình lại có thể góp phần quảng bá cho một đất nước Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, kể cả về du lịch. Có lẽ vì lý do ấy, mà Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã tái xuất bản cả hai cuốn sách Nam kỳ và cư dân, ở miền Tây và miền Đông Nam bộ vào quý I.2022. Bản dịch của Huỳnh Ngọc Linh.
Để viết tác phẩm này, tác giả có 5 năm “thăm thú mọi ngóc ngách từ năm 1894” tại các tỉnh miền Đông. Và lạ thay! Tác giả dành nhiều trang nhất cho miền đất Tây Ninh (88 trang); trong khi chỉ có 68 trang viết về Biên Hoà, 58 trang viết về Thủ Dầu Một, hay về Gia Định, thủ phủ của toàn miền chỉ có 56 trang, Tân An chỉ có 28 trang… Lý do gì để bác sĩ Baurac yêu mến miền đất Tây Ninh đến vậy? Sau đây là một số chuyện, cũng như mô tả về Tây Ninh những năm cuối thế kỷ XIX.
1. Chuyện lạ Tây Ninh: Thiên thạch rơi xuống làng Thạnh Đức (nay thuộc huyện Gò Dầu) vào năm 1887. Đấy là vào ngày 25 tháng 10, khoảng 8 giờ tối, khi mà bác sĩ đang cùng bạn đi săn hổ tại một làng cách tỉnh lỵ Tây Ninh 5km.
Tác giả thấy: “Khoảng 8 giờ tối, một quả cầu lửa rực sáng cả một khoảng không gian và đang chậm rãi hạ xuống đất, chúng tôi tin chắc đang nhìn thấy một khối thiên thạch rơi xuống. Quầng sáng biến mất phía sau những cây đại thụ trong rừng bên và chúng tôi tin chắc rằng khoảng cách đến chỗ đáp rất gần…”.
Sau sự kiện, tác giả được đọc bản báo cáo của ông Delauney, Đại uý pháo binh Hải quân Nam kỳ, đăng trên tạp chí Thiên văn học do Camille Flam marion xuất bản. Nội dung như sau: “Thiên thạch khổng lồ rơi ở Nam Kỳ”.
Ngày 25 tháng 10 năm 1887, quãng 8 giờ tối, một tinh thạch được nhìn thấy từ Tây Ninh; và từ Sài Gòn cũng quan sát thấy. Dường như nó di chuyển từ tây sang đông/ Tinh thạch này có hình cầu, đường kính lớn hơn nửa đường kính của trăng tròn. Màu sắc của nó tươi sáng, trắng, hơi tím. Nó mang theo một vệt dài lấp lánh, kéo dài chừng 30 giây…”.
Bìa sách “Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Đông”.
Còn quan Tham biện Tây Ninh thì nhận được thư báo của Cai tổng Triêm Hoá (tổng có làng Thạnh Đức), tạm dịch như sau: “Thưa ngài Tham Biện/ Tôi hân hạnh báo cho ngài hay trong làng Thạnh Đức, ngày 9 tháng chín âm lịch vừa rồi, xuất hiện một con thú lạ. Hôm đó trời mưa và sấm chớp. Con thú đã bay về trời. Đất sụt lở một hố dài 20 thước tây, rộng 5 mét và sâu 4 mét. Tôi xin báo cho ngài hay như vậy/ Ký tên: Huỳnh Văn Nhu”.
Vào ngày 3.11, tác giả có mặt tại điểm rơi thiên thạch. Đo đạc cho thấy một “cái lỗ (hố) lớn dài 32 mét, rộng 6 mét và sâu nhất là 2 mét… Thiên thạch đã rơi vào một ruộng lúa, gần một con mương nhỏ làm ranh giới các làng Thạnh Đức và Hiệp Hoà (chắc là Hiệp Thạnh hiện nay, gần với rạch Đá Hàng- TV). Điều lạ lùng là ngoài cái hố, thì họ đã không tìm thấy vật gì còn lại cả. Đáy hồ và vách chung quanh chỉ là đất rắn chắc.
Các ông chỉ có thể kết luận là: “Thiên thạch đã bị dội đi”. Giống như vị Cai tổng báo cáo rằng: “Con thú đã bay về trời”. Kết luận này càng được củng cố hơn, khi có một số nhân chứng như: “Lời khai của một người An Nam tên là Lâm, thuộc làng Hiệp Hoà và lý trưởng làng Phước Trạch. Họ nói đã nghe một tiếng động lớn và sau đó là một loạt tiếng âm vang nhỏ dần đến tắt lịm”. Các ông cho rằng “tiếng ầm ầm, vù vù vang lên sau đó là do chuyển động bất thường của vật thể dội lên”.
Thế nhưng, dội lên thì sau đó cũng phải rơi xuống đâu đó! Mà tuyệt nhiên sau này không ai thấy gì lạ trên đồng đất Tây Ninh. Chú ý rằng, thời điểm này ở Nam kỳ xuất hiện nhiều sao băng (thiên thạch). Như ngày 22.9 cùng năm, người ta đã tìm thấy “một thiên thạch dạng cầu, đường kính 0,1 mét đã rơi xuống làng Phú Long, tổng Bình Chánh. Vật thể này chứa sắt; chỗ rạn nứt cho thấy nhiều hạt kim loại nhỏ…”.
Vậy mà thiên thạch rơi xuống làng Thạnh Đức có “kích thước tương đối chính xác này lớn hơn nhiều so với tất cả các thiên thạch từng được biết đến”, lại không để lại một vật thể gì. Điều này có thể khiến người hôm nay liên hệ với những UFO (vật thể chưa xác định), hay đĩa bay của người ngoài hành tinh từng xuất hiện ở nơi này nơi khác trên thế giới.
2. Lịch sử vùng đất, con người. Gọi là cuối thế kỷ XIX, nhưng thực chất bác sĩ J.C Baurac không thể không nhắc lại vài nét về lịch sử của vùng đất và con người Tây Ninh; kể cả lịch sử cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Như dưới thời vua Gia Long, vua từng đặt 3 đội thân binh ở đây để khai khẩn. Đấy là ở các vị trí: xóm Trường (nay là ấp Trường xã Hảo Đước); Khê Tăng (Khe Răng, nay là TP. Tây Ninh) và ở Quang Hoá (nay là xã Cẩm Giang).
Đặc biệt là cuộc chiến đấu của liên quân Trương Quyền và Pu-Kom-Pô được nhắc lại khá chi tiết với các trận tiêu diệt Đại uý Larclause và Trung tá Marchaise. Về cơ bản, thì nội dung và tình tiết của các trận này giống như những gì mà lịch sử Tây Ninh đã viết. Chỉ có một chi tiết có vẻ mới sau đây, khi ông viết về Trương Quyền, sau khi Pu-Kom-Pô rút về nước.
Đấy là đoạn mô tả tình hình Tây Ninh năm 1867: “Yên ổn phần nào được lập lại và hoà bình chỉ bị quấy nhiễu bởi các băng đảng An Nam, dưới sự lãnh đạo của Chị-hai-Quờn, con trai Quản Định, một chiến binh vĩ đại ở Gò Công. Năm 1867 hắn cố thủ tại An Cơ (tổng Hoà Ninh), nơi hắn cho dựng một đồn luỹ.
Thiếu tá de Labroue đã hai lần tới san bằng đồn và truy bắt Chị-hai-Quờn nhưng hắn mau chóng cùng đồ đảng lẩn vào rừng rậm/ Cuối cùng, một cuộc tấn công thứ ba đã đánh bật Chị-hai-Quờn, buộc hắn phải rút vào xứ người Stiêng ở Cao Miên…”.
Đoạn văn trên chứng tỏ Trương Định không chỉ được nhân dân, mà cả phía người Pháp phải kính phục và nể sợ. Và Trương Quyền, con trai ông còn có biệt danh khác là Chị-hai-Quờn (chưa rõ vì sao).
3. Bức tranh tổng quát về Tây Ninh. Mặc dù tác giả không có tham vọng mô tả đầy đủ về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội ở Tây Ninh, nhưng ông đã đề cập đến nhiều mặt về đời sống tỉnh này vào cuối thế kỷ XIX. Điển hình là địa giới, diện tích, núi non, sông rạch…; các tổng, làng, trung tâm như: Tây Ninh, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ… kể cả những huyền thoại ở núi Bà, hay đặc trưng của người Chăm Tây Ninh.
Đáng chú ý là ông còn kể đến các “trung tâm chính có bác sĩ tiêm chủng ghé qua 6 tháng một lần là: Tây Ninh (Châu Thành), Trảng Bàng, Giao Hoà (chắc là An Hoà- TV), Suối Đá, Ké Dol, Cái Nhum, Rừng (Presla-sroc-tranh), bến Lò Gò”.
Điều này cho thấy cư dân Tây Ninh đã ở phân tán khắp trên các vùng sâu, xa nhất từ phía Đông Bắc sang Tây Bắc như Sroc-tranh (nay là xã Tân Hoà, huyện Tân Châu), hoặc Lò Gò (nay là Hoà Hiệp, Tân Bình thuộc huyện Tân Biên).
Người đọc cũng biết được những năm cuối thế kỷ XIX Tây Ninh có 10 tổng, 50 làng, 4 chợ, 1 trường địa hạt (tỉnh), 7 trường tổng, 5 trường tự do và 15 trường Hán học (dân lập). Số dân là 48.864 người, trong đó người Khmer có 5.365 và 166 người Chăm.
Ông cũng mô tả về các loài động, thực vật, trong đó rất nhiều gỗ quý và các loài đến nay không còn như con min (bò rừng), cà tông, voi và hổ… Quang cảnh đẹp nhất ông mô tả là trên đoạn sông Cái Bắc từ Long Phú (nay là Vàm Trảng Trâu) lên bến Lò Gò: “Phải nói rằng đoạn sông nước này là thú vị nhất của cả hành trình, không chỉ vì quang cảnh đẹp mà còn vì có nhiều trò tiêu khiển.
Vô số bồ câu lục chao lượn trên sông, hằng hà đỗ quyên và hồng hoàng lớn nô giỡn hai bên bờ, trên những cành cây khổng lồ cao vút mọc trên những bãi cao của sông Vàm Cỏ, những bầy khỉ chuyền cành ríu rít vì sợ tiếng động của máy móc, những con vẹt sặc sỡ không ngừng bay ngang dọc và kêu những tiếng chói tai… Nhưng nơi mà thiên nhiên phô diễn cho du khách thấy vẻ đẹp rực rỡ nhất lại là ở Long Phú, chỗ con sông Vàm Cỏ rẽ đôi…”.
Nơi ông vừa kể, chính là Vàm Trảng Trâu thuộc 2 xã Biên Giới và Phước Vinh của huyện Châu Thành ngày nay. Vừa có thêm một cây cầu cao bắc qua đoạn sông đẹp nhất này đây, trên đường vành đai biên giới. Cảnh quan vẫn còn gần như vậy, chỉ cần thêm vào vài loại chim muông như đỗ quyên, hồng hoàng là cảnh vật lại như xưa.
Nguyễn Quốc Việt