Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Những “dốc Thượng” núi Bà Đen 

Thứ năm - 13/01/2022 00:12
BTN - Nếu dốc Thượng chùa Bà khiến khách hành hương nặng lòng với các vị tổ sư có công “phá thạch khai sơn” khu Phật tích Bà Đen; thì ở chùa Hang lại khiến người người ta nặng lòng với cán bộ chiến sĩ từng tham gia bảo vệ, gìn giữ núi khỏi rơi vào tay giặc ngoại xâm.

Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ núi Bà đã hy sinh.

Vượt qua dốc Thượng, kiến trúc đầu tiên ta gặp ở sân núi điện Bà là cổng. Không có “tam quan” cao rộng như những cổng chùa thường thấy ở miền đồng bằng; cổng trên sân núi chỉ gồm 2 trụ cổng vuông. Đỉnh cột gờ phào thành mũ cột, trên cùng gắn một bông sen. Giữa 2 trụ là tấm tường ngang, mặt trên lượn cong vài đường nét như một bức bình phong.

Bức bình phong có đắp chữ nổi, ở mặt ngoài là dòng chữ Việt: - Núi Điện Bà; bên dưới là dòng gồm 5 chữ Hán. Trụ cổng còn được đắp nổi 2 liễn đối, ngoài bằng chữ Hán, trong bằng phiên âm tiếng Việt kiểu thư pháp. Khi lên sân, vào cổng, quay lại ta sẽ hiểu ngay nghĩa của 5 chữ Hán ở mặt ngoài. Đấy là: Linh Sơn Tiên Thạch tự. Còn đôi liễn đối, cũng đọc được ngay phiên âm theo tiếng Việt là:

- Sơn xuyên phiêu tịnh cảnh, càn khuyết khôn hạp

- Linh địa quảng huyền khai, cổ vãn kim lai.

Tạm hiểu: Núi sông phảng phất cảnh thanh tịnh, đất đầy trời khuyết/ Đất linh thiêng rộng mở cõi huyền vi, xưa đã có người qua, nay vẫn tới. Ngày nay, ta chỉ có thể hình dung ra phong cảnh thanh tịnh ngày xưa của núi Bà. Khi chưa có nhiều công trình ở núi như hiện nay, người lên cũng còn thưa thớt.

Không khí ấy, cảnh quan ấy mới có thể là nơi cây bạch mai sinh trưởng. Theo Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh, thì đấy là vào “âm lịch năm Tân Sửu (1901) tháng giêng, nhân dịp bạch mai trổ hoa, làng thơ Tây Ninh tổ chức cuộc hành hương lên núi Điện Bà, có rước Nguyệt Anh nữ sĩ tham dự…

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh góp mặt trong cuộc Nguyên tiêu, thăng thưởng, do các thi hữu Tây Ninh có nhã ý mời, lai láng cảm, hứng bút đề thơ Vịnh hoa mai trên núi Điện Bà: “Non linh đất phước trổ hoa thần/ Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân/ Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng/ Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân/ Mây lành gió tạnh nương hơi chánh/ Vóc ngọc mình băng bặt khói trần/ Sắc nước hương trời nên cảm mến/ Non linh đất phước trổ hoa thần”.

Ngoài các bài thơ “hoa” của các “thi hữu” Tây Ninh thì bà Sương Nguyệt Anh cũng tự tay chép lại bài thơ, trao tặng lại. Cụ Đốc phủ sứ Tô Ngọc Đường, là một “thi hữu” Tây Ninh đón nhận và đề vào mấy dòng chữ Pháp ghi nhận, dịch ra như sau: “Những bài thơ này là của bà Sương cùng thầy phó tổng Tính làm ra, bà bút hiệu Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu, thơ này làm trong dịp lên chơi núi Bà (Tây Ninh) tự tay nữ sĩ viết năm 1901”.

Một trăm hai mốt năm đã qua, kể từ ngày ấy, cây bạch mai đã không còn. Nhưng có thể có bạn trẻ hỏi cắc cớ rằng:- Vị trí cây bạch mai kia là ở đâu? Đến đây, đã có thể trả lời:- Nó ở ngay trong cái lũng sâu trước núi Điện Bà, trong khu vườn mộ kề bên dốc Thượng.

Có thể cây bạch mai đã còn sống tới năm 1910, trước khi Hoà thượng Trừng Tùng- Chơn Thoại mất. Bởi có chuyện sau: “Có một hôm kia Đại sư biết tuổi đã già sức yếu nên hội hết trong đại chúng nhóm lại giảng đường mà truyền rằng:- Các đồ đệ có trò nào vì ta đi thầm xuống hố trước Điện lượm cho ta vài cái bông mai? (nguyên khi trước chỗ ấy có hai cây bạch mai rất lớn, hễ đầu mùa xuân thì bông mai trổ, nay đại sư bảo vào khoảng tháng 5, tháng 6, chừng ấy bông mai đâu có, nên hết thảy trong tăng chúng đều lấy mắt nhìn nhau, chớ không ai chịu đi kiếm).

Khi ấy chỉ có một mình Hoà thượng làm thinh cười chúm chím, đi thầm xuống hố một lát trở lên bạch với Đại sư rằng: “Bạch, đệ tử đi kiếm bông mai rồi”/ Đại sư mới hỏi: Người kiếm có rồi hãy đưa cho ta!/ Bạch thầy, “không” tức là chẳng không.

“Có” tức là chẳng có. Vả lại cái “có” và cái “không” ấy đều quán chiếu đặng mới khám phá tới chỗ cực điểm màu nhiệm…”. Đại để, sau đấy cả hai thầy trò đàm luận về sự “không” và sự “có” theo một quan điểm phổ biến của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để cuối cùng tất cả đều thoả mãn, vui lòng. Chỉ có: “Tăng chúng nghe mấy lời của ngài dẫn giải về “có” với “không” thảy đều thất kinh và lòng đặng phơi phới vắng lặng…” (Ngọn đuốc cửa thiền- Phan Thúc Duy, 1957).

Vị hoà thượng đi nhặt bông bạch mai cho thầy vào giữa hè năm ấy chính là sư tổ Tâm Hoà, tự Chánh Khâm. Câu chuyện cho thấy, 2 cây bạch mai đã từng rất lớn và đến năm 1910 chúng vẫn còn. Hai là Phật giáo núi Bà Đen Tây Ninh đã có sự ảnh hưởng nhất định của tư tưởng thiền phái Trúc Lâm do vua Phật Trần Nhân Tông khai sáng vào thế kỷ 13. Ba là chính 2 cây bạch mai đã từng góp vào cảnh quan thiền tịnh đặc sắc ở ngay bên dốc Thượng.

Từ sân núi Điện Bà, vòng qua ngôi điện thờ ở dưới một gầm đá núi nhô ra, là con đường khúc khuỷu đi sang chùa Hang, có tên chữ là Long Châu Tiên Thạch tự. Đường nay đã mở rộng, không chỉ có lối nhỏ duy nhất đi qua “ông Đá nứt” chắn ngang như thuở xa xưa.

Suối Vàng cũng đã mất tăm, chỉ còn dấu vết bùn đỏ tràn qua mỗi mùa mưa lũ. Thêm vào con dốc đá rộng rãi, để đi nữa là ta lên tới dốc Thượng chùa Hang. Cho dù ngày nay đã có cáp treo của Sunworld đưa người lên tận chùa Hang, thì trên thực tế, người đi vẫn phải tự trèo lên 31 bậc đá trước cổng tới sân chùa.

Động Huyền Môn.

Nếu dốc Thượng chùa Bà khiến khách hành hương nặng lòng với các vị tổ sư có công “phá thạch khai sơn” khu Phật tích Bà Đen; thì ở chùa Hang lại khiến người người ta nặng lòng với cán bộ chiến sĩ từng tham gia bảo vệ, gìn giữ núi khỏi rơi vào tay giặc ngoại xâm.

Ở một góc cuối sân chùa, có một nơi đặt nhà bia tưởng niệm các vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến. Mái nhà bia cũng cong cong dáng đầu đao như thể mái chùa. Bia khắc chữ vàng trên đá đen.

Chung quanh là đá đỏ. Bia ghi rõ: “Nơi đây 181 cán bộ, chiến sĩ trung đoàn trinh sát thuộc phòng Quân báo- Bộ Tham mưu Miền (B2)- Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…”.

Đấy là: “Liên đội 7 Trinh sát 13 năm liền (từ tháng 2.1962 đến tháng 1.1975). Liên đội 7 trinh sát thuộc Phòng Quân báo Miền đã kiên cường, dũng cảm, mưu trí bám trụ tổ chức lực lượng, nắm địch và đánh địch. Cung cấp nhiều tin tức quan trọng góp phần bảo vệ an toàn căn cứ Trung ương cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền…”.

Đấy còn là: “Tiểu đoàn Trinh sát 47 với 31 ngày đêm (từ 6.12.1974 đến 6.1.1975) Tiểu đoàn Trinh sát 47 thuộc phòng Quân báo Miền đã cùng liên đội 7 Trinh sát và các đơn vị phối thuộc liên tục tấn công, siết chặt vòng vây quanh căn cứ tiền tiêu và trung tâm truyền tin tiếp sức của Nguỵ Sài Gòn ở núi Bà Tây Ninh; đánh bại các cuộc phản kích và kế hoạch tăng viện, tiếp tế, tải thương của địch dù đường bộ hay đường không…”.

Để tới sáng ngày 6.1.1975, núi Bà Đen được hoàn toàn giải phóng. Từ đây, pháo ta đã ở thế “đứng trên đầu thù” để uy hiếp căn cứ Trảng Lớn của Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn. Cũng từ đây, hệ thống trinh sát thông tin đã tiếp tục hỗ trợ cho các cánh quân tiến đánh Sài Gòn trong chiến dịch mùa Xuân 1975 đại thắng.

Từ nhà bia theo một con dốc nhỏ đi xuống, du khách sẽ gặp động núi Huyền Môn. Động từng là căn cứ của Liên đội 7 và Tiểu đoàn 47 trinh sát; là nơi chăm sóc thương binh và tạm giữ tù binh Mỹ. Bên trong động đá, tương truyền có lối lên trời và đường đi sâu vào “Địa phủ”.

Nhưng giờ đây, chỉ còn lại những ban thờ, thờ những người chiến sĩ đã hy sinh. Ngoài cửa động, đã được xây thành cổng có vòm cong, như cổng một ngôi thờ tự trong lòng đá núi. Trên cổng có đắp nổi một tấm tường ngang sơn vàng, gắn Quốc huy đỏ chói. Chữ đắp nổi ghi rằng: Thạch động Huyền Môn/ Di tích lịch sử và nơi tôn thờ/ Chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc.

Trên khắp núi Bà Đen, có nơi nào linh thiêng như góc núi này không?

Trần Vũ

(còn tiếp)

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp