Trẻ em đùa nghịch dưới mương kiến trước cổng đình Thanh Đông, thuộc ấp Thanh Đông, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. (Ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)
Giờ đang là lúc chống dịch như chống giặc, kể chuyện kênh mương thì có lẽ hơi vô duyên, lạc nhịp. Nhưng rồi người cứ phải ăn để sống, để tiếp tục chiến đấu. Ở đâu có đủ điều kiện thì vẫn làm ăn, sản xuất, kinh doanh. Xe chở hàng hoá vẫn được lưu thông; chợ truyền thống còn nhóm họp để phục vụ bà con mua đủ những món hàng thiết yếu cho cuộc sống…
Vậy nên, Báo Tây Ninh vẫn có các tin bài về sản xuất, kinh doanh, như bài “Mương kiến” tưới tiêu nội đồng…” trên số báo ra ngày 12.7.2021. Đọc rồi tôi mới biết, thì ra ở một số vùng quê Tây Ninh vẫn còn thiếu kênh tưới tiêu nội đồng, còn gọi là “mương kiến”. Một vài địa chỉ được nêu như các xã Thạnh Tây, Tân Phong, Mỏ Công thuộc huyện Tân Biên.
Lâu nay tôi cứ tưởng rằng, về chuyện kênh mương thì ở Tây Ninh ta là nhất! Bởi vì tôi toàn đi theo những dòng kênh quyến rũ. Như kênh Đông, kênh Tây, kênh Tân Hưng hoặc các kênh cấp I: TN 17, TN 21, TN 25… trên vùng đất Châu Thành.
Đến cả những đoạn đang thi công tuyến kênh sẽ vượt sông Vàm Cỏ Đông, sang các huyện nằm bên vùng hữu ngạn. Tôi luôn mến yêu các dòng sông, con suối, con kênh; yêu luôn những bài hát viết về dòng sông, con nước.
Như bài Vàm Cỏ Đông, hay Con kênh xanh xanh. Cũng phải thôi! Bởi con người cũng như cây cỏ, muốn sống được thì đầu tiên, và trước hết là phải có nước. Quan niệm dân gian đấy, không phải của tôi. Là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
Khi viết những dòng này, trí nhớ của tôi vẫn còn đầy ắp hình ảnh các con kênh mình đã đi qua. Những cánh đồng khi xanh óng ả, lúc lại rực vàng thóc lúa. Những ao hồ, đầm nước do bàn tay nông dân Tây Ninh ta cần cù khai phá.
Đâu đâu cũng thấy hoa sen, hoa súng nở. Rồi cá quẫy, vịt bơi trắng xoá trên hồ. Nhớ bên ấp An Điền, xã An Bình cạnh bờ kênh TN 17 có một cái hồ nuôi cá rô. Mà lúc nào cũng có cả một đàn cò đậu ở bờ cây nhào xuống mặt nước tìm bắt cá. Người chủ ao thương cò nên chẳng nỡ đuổi đi. Sau chắc do lỗ lã nên chuyển đổi thành ao cho người đến câu cá. Có người ngồi câu thường xuyên, nên cò đã bay đi…
Lứa tuổi U50, U60 chắc nhiều người đã biết và nhớ bài hát Con kênh xanh xanh của tác giả Ngô Huỳnh. Tôi cũng thường lẩm nhẩm hát vài câu khi trước mặt mình là những con kênh, tuy thường không đúng lời cho lắm. Nay giở lại tìm lời ca, mới giật mình. Nghĩ, sao tác giả Ngô Huỳnh viết bài này từ năm 1949, bên dòng kênh Dương Văn Dương ở miền Tây, mà lại giống những con kênh Tây Ninh ta thế nhỉ?
Đây nhé: “Con kênh xanh xanh những chiều êm ả lướt trôi/ Đêm đêm trăng lên theo dòng buồm căng gió xuôi/ Con kênh xanh xanh những mùa sen nở khắp nơi/ Bao câu tơ duyên dạt dào tim ai thắm tươi/ Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh/ Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha…”. Đối chiếu và so, thì kênh Tây Ninh chỉ còn thiếu những cánh buồm thôi. Thiếu không phải vì không có, mà do thuyền ghe không được lưu thông trên các dòng kênh thuỷ lợi.
Đến đây, xin trở lại với đề tài “Mương kiến”. Cái danh từ trong ngoặc kép này chắc là do không phải tên chính thức, mà do người nông dân gọi cho tiện vậy thôi! Tôi có điện hỏi một cán bộ làm thiết kế thuỷ lợi. Thì anh bảo, chính thức thì đó là loại mương chân rết, nhưng anh cũng khuyên tôi nên dùng từ của nông dân gọi, vì nó chuẩn và hay hơn. Quả nhiên, gọi mương kiến thì bà con ai cũng biết.
Mấy xã của Tân Biên kia ơi! Muốn làm mương kiến thì cứ về ngay huyện Châu Thành. Đâu đâu ta cũng thấy những con mương bê tông rộng chừng 4 tấc len lỏi vào tận sâu xa ngóc ngách của ruộng đồng.
Gần thì ở ngay xã Thanh Điền, nhiều mương kiến chui ngầm qua lộ 786 đi sang các chân ruộng gần rạch Tây Ninh. Là bởi nước rạch có mùa xuống thấp, nên không thể tự chảy vào trong ruộng. Xa hơn một chút là các xã An Bình, Đồng Khởi cũng lan toả khắp đất đai những con mương kiến.
Như trong sâu xa tận xóm Trà Cốt, ấp Bình Lương mới có thêm các con mương đến tận từng thửa ruộng màu trồng bầu trồng bí. Mà nói đâu xa, ngay thành phố Tây Ninh cũng dễ gặp mương kiến. Như con mương trên đường Huỳnh Công Thắng, chạy từ đường Trần Văn Trà vào tận miếu Quan lớn Trà Vong Trạm Bơm, bên bờ rạch Tây Ninh…
Những con mương kiến không chỉ đem lại nguồn nước cho các cánh đồng, nó còn đem tới niềm vui cho trẻ thơ xóm ấp. Như con mương kiến chạy ngang trước cổng đình Thanh Đông, mà có lần tôi bắt gặp.
Trẻ em trong xóm đến chơi đùa nghịch đầm mình trong dòng nước mát chảy trong veo. Thả thuyền chán, chúng lại đem cả xe đạp chạy giữa lòng mương. Trông thấy cảnh này, lòng lại thầm thốt lên câu cảm ơn với những người đầu tiên đã sáng tạo nên, kể cả cái tên gọi là “mương kiến”.
NGUYỄN