Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Bản sắc văn hoá Thái trên đất Tây Ninh - Báo Tây Ninh Online

Thứ bảy - 25/03/2023 13:58
BTN - Vốn là một dân tộc yêu thích ca hát, đồng bào Thái đã sáng tạo và lưu truyền bao đời nay điệu múa xoè, múa sạp độc đáo làm say đắm bất cứ ai một lần được thưởng thức.

Ông Hà Công Khẹt biểu diễn thổi khèn bè

Ở ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu có một xóm nhỏ là nơi sinh sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Thái. Từ một, hai hộ đồng bào Thái ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá vào Tây Ninh lập nghiệp vào năm 1992, đến nay nơi đây đã có gần 30 hộ với khoảng 100 nhân khẩu. Ngoài chăm lo phát triển đời sống kinh tế, đồng bào người Thái ngày ngày vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, góp phần tạo một bản sắc riêng cho vùng đất biên giới Long Phước ngày nay.

Tiếng khèn bè giữa miền biên viễn

Mấy tháng nay, ngày nào cũng vậy, ngôi nhà nhỏ ven rừng ở ấp Phước Trung vang lên tiếng khèn bè trong trẻo, du dương, do ông Hà Công Khẹt thể hiện. Gần 70 tuổi, nhưng ông Khẹt vẫn còn có thể luyến láy điệu khèn theo ý muốn.

Vừa dứt bài “Hoa đẹp Chăm pa”, ông Khẹt nhớ lại ngày xưa, khi chừng 15, 16 tuổi, nhà ông còn ở huyện Bá Thước. Ông cùng trai làng đi học thổi khèn bè. Vừa biết thổi, ông phải lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc.

Hoà bình, điều kiện kinh tế không có, ông vào Nam lập nghiệp trên mảnh đất Tây Ninh này, chuyện cơm áo, gạo tiền choán hết thời gian. Bây giờ, cuộc sống đã tạm ổn, ông mới có dịp ngồi cùng cây khèn, ôn lại khúc nhạc xưa. Chiều chiều, khi cơm nước xong, ông Khẹt lại mang khèn ra thổi vài bản Xuôi dòng sông Mã, Hoa đẹp Chăm pa, Khúc ru em....

Khèn bè là một nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái quê ông, thường được sử dụng trong những ngày lễ truyền thống, trong những ngày vui, hoà nhịp với lời ca, điệu múa của mọi người trong bản làng. Thế nên, dẫu đi xa, trong ông vẫn hoài tưởng về một miền quê, nơi có tiếng khèn bè da diết, sâu lắng lòng người.

“Bỏ lâu rồi, giờ cũng quên đi nhiều lắm. Tôi phải lên mạng, xem cách người ta thổi rồi nhớ lại những bài học ngày xưa. Từ cách lấy hơi đến cách đẩy ngón tay, luyến láy. Thổi khèn rất khó. Vì phần trong của khèn có 1 cái lưỡi đồng rất mỏng, nếu hơi thổi không đều, lưỡi đồng bị cuốn lại kể như hư cây khèn.

Cây khèn này là của UBND xã cho tiền mua. Để mua được nó cũng vất vả lắm, phải gửi ra tận ngoài quê tìm, lựa được cây khèn thổi hay, hơi nhẹ. Do vậy, tôi ráng giữ cây khèn cũng như luyện tập mỗi ngày để lưu giữ nét văn hoá của dân tộc. Sau này, có cháu nào muốn tập, tôi sẽ truyền lại, để ở đâu có người Thái, ở đó có tiếng khèn”- ông Hà Công Khẹt nói.

Ông Khẹt mong mỏi có được bộ cồng chiêng với 4 chiếc lớn nhỏ: “Nếu được có bộ cồng chiêng nữa thì những dịp hội hè của đồng bào sẽ rất tưng bừng, rộn rã”.

Dịu dàng vũ điệu xoè Thái

Vốn là một dân tộc yêu thích ca hát, đồng bào Thái đã sáng tạo và lưu truyền bao đời nay điệu múa xoè, múa sạp độc đáo làm say đắm bất cứ ai một lần được thưởng thức.

Nét đặc trưng trong điệu múa của người Thái là các động tác được mô phỏng theo các hoạt động đời thường, hay trong các nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, cộng đồng. Nó tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, yêu cuộc sống lao động cần cù, nỗi niềm thương nhớ quê hương.

Mỗi dịp lễ, tết hay trong ngày vui của dòng họ, thôn xóm, những điệu múa độc đáo này lại có dịp được đem ra trình diễn. Những động tác múa uyển chuyển hoà với âm nhạc vùng cao cùng bộ trang phục dân tộc đầy màu sắc tạo nên bức tranh đậm đà bản sắc văn hoá của người Thái.

Nét văn hoá này được đồng bào dân tộc Thái ở Long Phước gìn giữ bao năm qua. Cứ mỗi cuối tuần, mọi người quây quần cùng nhau tập luyện những điệu múa Thái. Từ điệu múa xoè Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, cho đến điệu múa sạp được truyền từ đời này sang đời khác. Những điệu múa trở thành sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hoá độc đáo.

Tiếng nhạc, tiếng cười nói hân hoan, làm rộn ràng cả xóm nhỏ. Ngắm nhìn những bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển, chẳng ai có thể tin được có các cô, các bà đã ở cái tuổi ngũ tuần. Còn với những cô gái Thái đang độ xuân thì, sau những ngày làm việc vất vả, mọi người quây quần bên nhau như một cách để gắn kết cộng đồng và lưu giữ những điệu dân vũ của dân tộc mình.

Hà Thị Thuỳ Dung, học sinh lớp 12 cho biết, từ nhỏ, nhìn thấy các cô, các chị trong xóm cùng biểu diễn những điệu múa, Dung rất thích và học theo. Trong các hoạt động văn nghệ của địa phương, Dung luôn cố gắng để có thể tham gia cùng mọi người.

“Em cảm thấy rất là tự hào và hãnh diện khi mình mang dòng máu của dân tộc mình, đặc biệt có những nét văn hoá đặc sắc riêng của dân tộc. Em muốn múa thật nhiều bài hát để giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc”.

Cô gái Hà Ngọc Trang có hơn 5 năm làm quen với các điệu xoè, múa sạp của dân tộc và nhiều lần tham gia cùng bà con Thái biểu diễn điệu múa dân tộc ở các sự kiện của huyện, tỉnh, trong đó có hội trại giao lưu văn hoá giữa lực lượng vũ trang với các dân tộc, tôn giáo do Bộ CHQS tỉnh tổ chức.

“Em thấy các điệu múa không quá khó. Chỉ là mình tập múa sao cho thật dẻo, học thuộc các điệu múa thôi ạ. Khi múa em cảm thấy giảm mệt mỏi, hào hứng hơn. Từ lúc tập tới nay, tụi em biết được nhiều điệu múa hơn, như múa nón, múa quạt, múa xoè tay, múa khăn Piêu, múa sạp”- Ngọc Trang chia sẻ.

Nói về đời sống của bà con nơi đây, ông Hà Duy Khuyền, người uy tín của đồng bào dân tộc Thái cho biết, trước đây cuộc sống bà con khó khăn, mỗi người đi làm mỗi nơi nên chưa có điều kiện tập hợp lại vui chơi, hát múa.

Thời gian gần đây, đời sống đã ổn hơn, ai cũng có ăn có mặc, thêm nữa có sự quan tâm của chính quyền thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu, sinh hoạt nên mọi người cũng có dịp cùng nhau tập luyện, vui chơi.

“Khi ngồi lại, mọi người thường chơi các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Thái như đi cà kheo, đánh mắng, rồi biểu diễn điệu múa sạp, múa nón, hay thổi khèn bè, thổi sáo ôi cho nhau nghe…

Bà con còn tập hát những bài hát của đồng bào Thái. Đặc biệt là năm 2019, địa phương có đưa thầy Nguyễn Bá Thái ở Thành phố Hồ Chí Minh về dạy những bài múa xoè, giúp bà con có thêm kinh nghiệm và có thêm bài múa đẹp.

Rồi Bộ CHQS huyện hỗ trợ trang phục cho nam giới chúng tôi. Năm 2020, UBND xã hỗ trợ cho chúng tôi mua bộ khèn bè, sáo ôi. Những quan tâm này đã tạo điều kiện để chúng tôi gìn giữ và giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc đến với rộng rãi bà con trong tỉnh” - ông Hà Duy Khuyền nói.

Những buổi tập văn nghệ, vui chơi đã trở thành buổi sinh hoạt văn hoá, để bà con đồng bào dân tộc Thái có thể quên đi lo toan của cuộc sống, cùng hoà mình vào không gian của những âm thanh rộn rã. Nhờ vậy, những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Thái tiếp tục được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ trên mảnh đất Tây Ninh.

Dịu dàng điệu múa sạp được đồng bào dân tộc Thái gìn giữ tại Long Phước.

Những cô gái trẻ người Thái đang tiếp bước thế hệ đi trước lưu truyền những điệu múa của dân tộc.

Trò chơi dân gian đánh mắng vẫn được chơi trong những dịp mọi người gặp nhau.

Dịu dàng điệu múa xoè.

Ngọc Diêu - Hoà Khang

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp