Lễ đắp núi cát của đồng bào Khmer. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông
Đại hội lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh: “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, các giá trị văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết và thuần phong mỹ tục của các dân tộc; tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh; khai thác các kho tàng văn hoá cổ truyền. Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hoá nhân loại, đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hoá độc hại”.
BẢN SẮC RIÊNG TRONG KHÔNG GIAN CHUNG
Theo đó, cần nâng cao trình độ dân trí, trình độ khoa học, kỹ thuật, công nghệ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức và những nhà quản lý người dân tộc, khuyến khích họ công tác tại địa phương mình.
Tăng cường công tác điều tra, sưu tầm, tôn tạo, bảo vệ và phát huy các công trình văn hoá mới, xây dựng lối sống, tác phong, phong tục và tập quán mới phục vụ yêu cầu phát triển hiện nay, mở rộng hợp tác giao lưu, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc để cùng tiến bộ.
Ngày 12.3.2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Trong đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu rõ: “Gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2010 được xác định nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào... Phấn đấu 90% đồng bào được xem truyền hình; 100% đưọc nghe đài phát thanh; các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển”.
Một trong những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách đã được xác định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình, tăng cường các hoạt động văn hoá, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở, tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các tiếng dân tộc thiểu số, làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị, truyền thống tốt đẹp trong văn hoá của các dân tộc”.
Tháng 10.2019, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12.3.2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30.10.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Trong đó, nhiệm vụ thứ năm trong 8 nhiệm vụ có nêu: “Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ bảo tồn các công trình di tích lịch sử văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống”.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống... được quan tâm.
Hiện có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày các giá trị di sản văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 2006-2012, tu bổ tôn tạo 1.280 di tích vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Giai đoạn 2016-2018, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích 1ịch sử - văn hoá - danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số đã được xếp hạng di tích quốc gia. Đến nay đã thực hiện được 407 dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Việt Nam.
Có 145 di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Sau hai đợt xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước (năm 2015 và 2019), đã có 559 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được Chủ tịch nước phong tặng/truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Công tác bảo tồn, phát triển một số môn thể thao dân tộc, như võ cổ truyền, Vovinam, đẩy gậy, vật dân tộc... cơ bản đã đạt mục tiêu. Một số vận động viên là người dân tộc thiểu số được tuyển chọn tham gia thi đấu tại các giải thể thao quốc gia, khu vực và thế giới.
Thiếu nữ Khmer. Ảnh: Đinh Thanh
XUẤT BẢN PHẨM VĂN HOÁ DÂN TỘC
Các lễ hội văn hoá dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy, một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được hạn chế, loại bỏ dần trong đời sống. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần xây dựng được môi trường văn hoá lành mạnh, phong phú cho đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được thực hiện thông qua các hình thức như tổ chức các ngày lễ hội, giao lưu văn hoá cấp vùng, miền, khu vực và của từng dân tộc; mở các lớp truyền dạy văn hoá phi vật thể; các thư viện địa phương, bộ tài liệu phù hợp với đặc điểm dân cư phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn; các xuất bản phẩm phục vụ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; tủ sách cho các thư viện công cộng và tủ sách văn hoá dân tộc ở cơ sở được tăng cường, các xuất bản phẩm song ngữ bằng tiếng dân tộc và tiếng phổ thông.
Các ngày lễ hội, giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống đặc sắc, góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của mỗi địa phương, khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng các dân tộc.
Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong cả nước tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá có ý nghĩa thiết thực cùng hàng ngàn hoạt động văn hoá truyền thống như dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống với nội dung phong phú, đặc sắc của 53 dân tộc trên 63 tỉnh/thành, nhằm tái hiện đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của các dân tộc. Các hội nghị - hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người và dưới 10 ngàn người được tổ chức tại Hà Nội.
Từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực để từng bước có cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa bàn dân tộc nhằm gìn giữ và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hoá truyền thống.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến năm 2020, tiếp tục công nhận 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hoá quốc gia; phong tặng, truy tặng 559 nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số. Hằng năm, các địa phương tổ chức tốt lễ hội văn hoá của các dân tộc thiểu số đã, tạo được sức lan toả kết nối tình thân ái giữa các dân tộc với nhau.
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương về chính sách dân tộc của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó đặc biệt có chính sách “cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”.
Gần đây nhất, Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2019-2021 đã huy động sự vào cuộc của 19 đơn vị báo, tạp chí nhằm thông tin, tuyên truyền có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính sách nêu trên đem lại hiệu quả trên các mặt đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền bình đẳng trong tiếp cận, thụ hưởng thông tin, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đạt kết quả tốt, 95% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hoá xã, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, đa dạng của người dân. Đã phát sóng được 22 thứ tiếng dân tộc phù hợp với từng vùng, miền. Hàng triệu tờ báo được cấp miễn phí góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.
Việt Đông