Vũ khí Mỹ bị phá huỷ tại chiến trường Bắc Tây Ninh, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.
Trong các hiện vật được trưng bày “ngoại cảnh” ở Bảo tàng Tây Ninh hiện nay, có tới 4 hiện vật là vũ khí của quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc hành quân Junction City của chiến dịch mùa khô 1966-1967. Đấy là: xác máy bay phản lực F4H bị bắn rơi; một khẩu pháo 105 bị phá hỏng; tháp pháo của xe tăng M41 bị bắn cháy. Đặc biệt nhất là cả hai nòng pháo 175 ly, từng được quân Mỹ gọi khoa trương là “vua chiến trường”.
Trong hàng súng, pháo hiện nay, có lẽ nó vẫn là “vua” thật, bởi đấy là khối thép trụ tròn dài tới 12m, có đường kính từ 30-40cm. 55 năm về trước, chúng đã từng thét, gầm, nhả đạn bom trên chiến trường Bắc Tây Ninh. Bây giờ, tất cả nằm hiền lành dưới hàng cây phượng bung đầy sắc hoa đỏ chói chang mỗi khi đến mùa hè.
Ngày 22.2.1967, cuộc hành quân Junction City bắt đầu. “Sau nhiều đợt ném bom, dọn bãi ác liệt chưa từng có của 200 máy bay chiến đấu, Mỹ mở đầu cuộc càn bằng cuộc đổ quân ngoạn mục của hàng trăm máy bay C130 và các loại máy bay chuyên dụng. Báo chí Mỹ ngay lúc đó khoe rằng: đây là cuộc hành quân “lớn nhất từ trước đến nay”; là “chưa từng có tiền lệ của quân lực Mỹ”.
Chúng đổ cả Sư đoàn Anh Cả Đỏ xuống Sóc Mới, Rùm Đuông. Còn Lữ đoàn 1 Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới thì hành quân cơ giới theo đường 22 thọc nhanh vào hướng Đông-Bắc. Lữ đoàn 2 Sư 25 theo tỉnh lộ 4 thọc nhanh lên Đồng Rùm, Sóc Ky hướng đến Cà Tum ở phía Bắc. Trung đoàn II thiết giáp với hơn 100 xe tăng án ngữ lộ 13 Dương Minh Châu, án ngữ hướng Đông căn cứ…” (sách “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu”).
Sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Biên” mô tả ngày đầu cuộc càn cụ thể hơn: “Khoảng 9 giờ sáng, khung trời phía Nam rung chuyển. Trên không (là) hàng đàn trực thăng nối đuôi nhau đổ quân… Lữ đoàn 173 Mỹ nhảy dù xuống Sê-lô, Kà Tum, bịt kín biên giới phía Bắc căn cứ… Lữ 1, Lữ 2 của Sư đoàn 1 cũng lần lượt đổ xuống Sóc Mới, Rùm Đuông, An Khắc. Lữ 1 của Sư 25 từ đường 22 đánh sang Đông Bắc. Lữ 2 Sư 25 và trung đoàn thiết giáp 11 theo lộ 4, thọc nhanh lên Đồng Pan, Sóc Ky… tạo thành 2 “gọng kềm” đánh thẳng vào căn cứ…
Thế trận hành quân của địch nhanh, kín và hiểm hóc, tưởng chừng không thể nào, không một đơn vị nào, không một người nào có thể lọt qua được vòng phong toả bằng bộ binh, xe tăng, máy bay và hoả lực dày đặc…
Trên diện tích khoảng 1.500km2 Mỹ đã tung ra một lực lượng 45.000 tên Mỹ- chư hầu tinh nhuệ, giàu kinh nghiệm tác chiến nhất. Địa bàn Tân Biên địch đóng chiếm hơn 100 chốt Mỹ lớn nhỏ. Trên lộ ủi 247 (Trần Lệ Xuân, nay là ĐT 795) dài 17km chúng đổ quân dày đặc từ Cần Đăng tới Đồng Pan. Có thể nói nơi này mật độ lính Mỹ như một chiếc hàng rào người với mỗi mét đất là một tên lính Mỹ…”.
Như vậy là bộ máy chiến tranh đồ sộ nhất của Mỹ và chư hầu trong toàn bộ cuộc chiến Việt Nam đã được vận hành. Với tốc độ nhanh và quyết liệt. Nhưng chúng không thể ngờ rằng, yếu tố bất ngờ đã không còn. Cuộc chiến tranh nhân dân cực kỳ linh hoạt đã được chuẩn bị để sẵn sàng đối phó. Xem lại thế trận của ta, thì đấy là một cuộc phân tán lực lượng trên toàn bộ vành đai biên giới và theo sông Vàm Cỏ Đông vòng xuống huyện Châu Thành.
Đây quả thật là một “thiên la địa võng” của chiến tranh nhân dân, được kế thừa chiến thuật “Nắm thắt lưng địch mà đánh” từ những ngày đầu của chiến tranh Cục bộ. Sách “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Dương Minh Châu” mô tả: “Quân Mỹ trong vùng căn cứ phía Bắc tỉnh- huyện Tân Biên và phía Đông tỉnh- huyện Dương Minh Châu tiếp tục bị du kích khắp nơi vây đánh- một vòng vây “ma trận” không chiến tuyến, khi nơi này lúc nơi khác, khi một người khi một tổ du kích đeo bám tiến công bên sườn, phía sau bắn tỉa, đánh mìn định hướng tiêu hao quân Mỹ tại các cụm của chúng ở Bảy Bàu, trảng An Khắc, bàu Lùng Tung, trảng Ngành Ngạnh, cầu Lộc Ninh, ngã ba suối Đá, lộ 13, lộ 2 Bến Củi, Suối Ông Hùng…”.
Sách trên cũng dẫn lời của các hãng tin tức phương Tây sau 4 ngày mở màn cuộc chiến: “Cuộc hành quân có nhiều hy vọng nhất trong cuộc chiến nhưng kết quả thật đáng buồn, trong 4 ngày qua không thấy dấu vết các nhà lãnh đạo Việt Cộng đâu cả. Đài phát thanh của Mặt trận Giải phóng vẫn tiếp tục hoạt động…”; còn lời Tướng Westmoreland: “Vùng Bắc và Đông tỉnh Tây Ninh chẳng thấy tên du kích nào cả, nhưng chỉ cần ở đó một đêm là bị du kích tiến công… Trong thời gian đánh vào những căn cứ bỏ trống của Việt Cộng, quân lực Mỹ bị thiệt hại đáng kể do súng trường du kích…”.
Ký hoạ của Võ Đồng Minh về trận càn Junction City.
Ngày thứ 5 của cuộc chiến thì: “Chủ lực Quân Giải phóng mới xuất hiện”. Trận đầu đã sử dụng cả vũ khí mới là H12 và DKB tập kích sân bay Suối Đá, phá huỷ 4 máy bay lên thẳng và 1 L19.
Từ đây, những chiến công nối tiếp chiến công. Những tên đất tên làng vang dội. Từ Tà Xia, Bến Ra, trảng A Lân (Tân Biên) hay Đồng Pan, Đồng Rùm, Trảng Ba Vũng, Sóc Con Trăn, Bổ Túc, Lộc Ninh và Suối Ông Hùng (Dương Minh Châu).
Một vài trận tiêu biểu như: “Đồng Pan, đêm 10.3, Trung đoàn 2 Sư 9 và Tiểu đoàn 58 Đoàn 69 tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu 500 quân Mỹ, phá huỷ 50 xe quân sự và 12 khẩu pháo. Đêm 21 và 22.3; Đoàn hậu cần 82 cùng du kích Suối Đá, Trung đoàn 16 Sư 9 đánh cụm Mỹ tại Đồng Rùm, phá hỏng 18 khẩu pháo, bắn cháy 70 xe tăng và xe bọc thép, xe ủi; loại khỏi vòng chiến đấu 1.220 tên lính Mỹ.
Đêm 31.3, Trung đoàn 1 Sư 5 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 16 tập kích quân Mỹ chốt ở trảng Ba Vũng, loại khỏi vòng chiến 800 tên…”. Những trận vừa kể, đều diễn ra trên địa bàn nay thuộc huyện Tân Châu. Đến ngày 15.4.1967, quân Mỹ tuyên bố kết thúc cuộc hành quân. Số liệu thống kê của Ban Tổng kết B2- Bộ Tổng tham mưu cho biết: Quân Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu là 14.235 tên; phá huỷ 992 xe (có 775 tăng, thiết giáp) và 112 pháo, cối. Không quân bị thiệt hại 160 máy bay (gồm 114 trực thăng, 8 phản lực F105, 4 máy bay B57, 2 CB và 11 L19).
Suốt 51 ngày đêm càn quét, cuộc càn Junction City đã biến Bắc Tây Ninh, nay là các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên, Tân Châu thành vùng đất nóng nhất, hầu như bị huỷ diệt dưới mưa bom bão đạn. Ngày nay, nhờ những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã biến đổi vùng đất thành nơi mát lành.
Vùng đất trọng điểm tấn công của Junction City năm xưa, nay hiện diện thênh thang một hồ thuỷ lợi rộng 27.000 ha, cung cấp nước cho không chỉ Tây Ninh mà còn Long An và TP. Hồ Chí Minh. Rồi từ đây, nước chảy vào kênh Tân Hưng sang vùng đất Tân Biên- nơi từng là chiến trường nóng rực. Nhiều con đường mới bê tông nhựa xuyên qua những rừng hay nương rẫy, ruộng, vườn đầy ắp cao su, mãng cầu, lúa.
Điểm nóng Đồng Pan, Đồng Rùm năm nào, nay đã có một thị trấn xinh tươi soi bóng xuống hồ Tha La. Ngay tại ngã tư Đồng Pan, là tượng đài Chiến thắng Junction City vươn cao như một lời nhắc nhở. Rằng, để có được sự mát lành, tươi sáng đó, cần ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh, đánh đổi tuổi thanh xuân cho Tổ quốc yên bình.
Trần Vũ