Ngày 26.6.2023, theo chân đoàn làm phim của Truyền hình Vĩnh Long (THVL) lên quay phim tháp Chót Mạt. Xem tấm bảng giới thiệu ngắn gọn di tích, mới nhớ ra, đã 20 năm kể từ khi tháp được trùng tu (2003). Và cũng là 30 năm tháp được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia (23.7.1993).
Tháp Chót Mạt tháng 6.2003
Cách tháp 200m, xe dừng. Xuống đi bộ vì con đường vào đã sục lên thành bùn sau trận mưa đêm. Đến cái xe máy cày kéo moóc chất đầy củ mì cũng còn phải chờ người tìm gỗ, xà bần lấp mấy cái ổ voi mới có thể vượt qua. Nhưng trước mắt, đã nổi lên cụm rừng cây mới trồng 20 năm ôm trùm bóng tháp. Phải đến con đường rẽ vào cổng chính, mới thấy ngôi tháp sáng màu đất nung lộ diện. Giữa cỏ cây mướt xanh và hoa sứ trắng bên đường.
Ngay cả cái hình ảnh vừa kể cũng đã khác xa với 20 năm trước. Hồi ấy, cả ấp Xóm Tháp này chỉ triền miên những ruộng lúa với rẫy mì. Không một bóng cây cao. Nên từ xa đã thấy tháp nổi lên giữa một không gian trống trải hút xa tầm mắt. Tôi nhớ cái cảm giác do sự trống trải hoang vắng này đem lại. Là tháp cô đơn đến tận cùng. Như một câu thơ của Inrasara viết: “Tháp vẫn đứng miệt mài dưới nắng/ Trong hoang mạc lòng nhân gian lạnh” (Tháp nắng- thơ, Nxb Thanh Niên 1996).
Thời ấy, kinh tế còn khó khăn, xã hội còn chưa kịp quan tâm đến di tích văn hoá - lịch sử. Chứ còn nay, hầu hết các tháp Chăm ở miền Trung, hay tháp hậu Óc-eo ở miền Nam đã được trùng tu tôn tạo. Ngay trên đất Tây Ninh, cả hai ngôi tháp cổ là Bình Thạnh và Chót Mạt đã được tái sinh, như một chồi non bật lên từ lòng đất, thanh thản đứng dưới trời xanh mây trắng. giống như điều nhà thơ Xuân Diệu đã viết về tháp cổ: “Tự trời xanh/ Rơi/ Vài giọt/ Tháp Chàm…”
Trở lại với tháp Chót Mạt, ngày 26.6.2023. Sau 20 năm tháp được trùng tu, giờ là lúc có thể kiểm chứng kết quả của phương pháp “mài chập” được áp dụng cho cả hai tháp: Bình Thạnh (2000) và Chót Mạt. Nôn nóng chạy tới bệ chân tháp, lấy cả 2 tay vừa nắm, vừa lay các viên gạch xây mới trên trụ hai bên cửa chính hay các góc móng tường.
Vẫn không hề thấy lung lay. Dường như tất cả các khối xây mới, hoặc nửa mới nửa cũ, như đã liền vào một khối. Mà các khối ấy mới kỳ diệu làm sao! Bởi các hoạ tiết điêu khắc dày rậm mà tinh tế. Những trụ áp tường hai bên cửa chính với hoạ tiết hoa sen và dây hoa lá. Rồi mảng tường hai bên cửa.
Tất cả đều ửng vàng, tươi nguyên màu gạch mới xây, dù đã từ 20 năm. Hay là những khối tường móng nửa gạch mới và nửa gạch cũ. Dù đôi chỗ đã sạm đi màu cổ tích rêu phong thì cũng không làm nhạt mờ những nét khắc chìm với đủ dạng hình hoa lá cành tinh xảo của người xưa (và cả của người nay). Chỉ hơi ngạc nhiên, là trên những tầng tháp phía trên lại nhiều chỗ đã phủ rêu đen đúa. Mà lẽ ra những nơi ấy, có điều kiện khô, thoáng nhiều hơn thì đáng ra phải giữ được màu gạch mới nhiều hơn.
Giờ xin nói qua về phương pháp “mài chập” trong công việc trùng tu cả 2 tháp cổ Tây Ninh. Đấy là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và nghiên cứu dân gian ở các tỉnh miền Trung trên các khu tháp Chăm.
Thoạt tiên, người ta có nhiều giả thiết về phương pháp xây dựng các tháp với lối kết cấu không mạch vữa. Có giả thuyết cho rằng người xưa đã xếp chồng các viên gạch mộc thành ngọn tháp, rồi nung nguyên cả tháp. Nhưng giả thiết đáng tin cậy nhất là “mài chập”.
Theo đó, các viên gạch đã nung, được mài (mặt dưới) trên mặt viên gạch đã xây trước cho phẳng, rồi tưới nhựa cây ô dước lên, đặt chồng khít lên nhau. Khi ấy, bột gạch được mài thật mịn sẽ hoà với nhựa lá cây tạo thành một lớp keo liên kết, mà không có độ dày mạch vữa. Do vậy mà loại gạch xây cùng phải sản xuất riêng, có độ xốp và mềm nhất định, không thể cứng chắc như các loại gạch xây thông thường được.
Những năm ấy, trên các công trường trùng tu tháp là một không khí náo nhiệt nhưng thầm lặng. Người đi thu gom lá ô dước trên rừng, và cả bên nước bạn; người ngồi cần mẫn mài, trau chuốt từng viên gạch; người lại tỉ mỉ sắp từng viên gạch lên các khối xây đang dần một lên cao. Và kết quả là hôm nay, sau 20 năm, gạch vẫn trơ gan dưới mưa nắng dãi dầu, vàng tươi dưới nắng. Tháp vẫn là tháp nắng, nhưng lòng nhân gian đã ấm áp biết bao!
Đấy là nói về sự quan tâm của toàn xã hội với tháp cổ nói riêng và di tích lịch sử-văn hoá nói chung. Chứ với riêng những cơ quan có trách nhiệm như Sở VH,TT&DL hoặc UBND huyện Tân Biên thì vẫn còn sơ suất. Bằng chứng là chỉ có 200m đường vào mưa lầy, nắng bụi mà suốt 20 năm vẫn không khắc phục.
Trong khi nhiều xã nông thôn mới trong tỉnh đã “cứng hoá” khắp lượt các con đường thôn ấp. Ai đem so sánh còn biết nói sao? Nhưng, đã có một tín hiệu mừng đây, là ngay ở đầu đoạn đường này đã có tấm bảng đề: “Bảng thông tin công trình/ Mở rộng cầu qua kênh N15 và đường dẫn vào tháp Chót Mạt - xã Tân Phong/…Tổng chiều dài tuyến 462,65m… Ngày hoàn thành: 180 ngày từ ngày khởi công”. Bảng không ghi ngày khởi công. Cũng không thấy máy móc, phương tiện hay nhân công đâu cả. Nhưng tấm bảng cho thấy, sắp tới sẽ có đường chạy xe ô tô vào tận tháp. Thế mới thoả lòng người yêu mến đất Tây Ninh.
Sau cùng, cũng nên tóm tắt quá trình tìm thấy và quan tâm trùng tu, nối dài đời sống của ngôi tháp cổ tuổi nghìn năm- một trong 3 ngôi tháp còn đứng trên mặt đất của toàn miền Nam bộ. Theo luận chứng KTKT “tu bổ tôn tạo các đền tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt - tỉnh Tây Ninh” của Trung tâm thiết kế và tu bổ các công trình văn hoá, Bộ VH, TT&DL thì 2 ngôi tháp này đã được phát hiện lại từ năm 1886: “Những khảo cứu bước đầu cho phép xác định một niên đại tương đối của các đền - tháp này là thế kỷ VIII sau công nguyên, tương đương với những đền tháp sớm nhất của nghệ thuật kiến trúc Champa hiện còn… Mặc dù không còn nguyên vẹn, hai nhóm di tích đền - tháp cổ của Tây Ninh đã trở thành cực kỳ hiếm hoi và quý báu trong di sản kiến trúc dân tộc…”.
Phát hiện lại từ 1886, nhưng đến năm 1909, tháp mới được khảo sát kỹ càng bởi các nhà khảo cổ người Pháp như Henri Parmentier- Trưởng Ban Khảo cổ, Trường Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Pháp. Ông mô tả: “Tháp được dựng trên một vùng rừng bằng phẳng, cách Tây Ninh (tỉnh lỵ) 8 giờ xe bò, cách xóm Trà Cóp 5 giờ 30 phút, hay là cách Tây Ninh khoảng 25km”.
Bài viết của ông in trên Tạp chí của Trường Nghiên cứu Viễn Đông (B.E.F.E.O) số 9 năm 1909 đã mô tả rất chi tiết hiện trạng tháp Chót Mạt, cùng các bản ảnh chụp và vẽ ghi hết sức chi tiết. Chính đây là những tham khảo cực kỳ quý giá cho các nhà nghiên cứu để lập luận chứng và thiết kế trùng tu tháp Chót Mạt vào tháng 3 năm 1993.
Đến tháng 7.1993 thì Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) quyết định xếp hạng di tích lịch sử-văn hoá quốc gia. 10 năm sau, công trình được Bộ đầu tư tu bổ và tôn tạo như đã kể. 20 năm tháp vẫn tươi mới tràn đầy sức trẻ.
Trần Vũ