Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan giải trình trước Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong phiên làm việc sáng 27/7, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Năm 2025: Ít nhất 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Chính phủ tập trung nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Ở cấp tỉnh, có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí do cấp tỉnh quy định.
Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 39.632 tỷ đồng.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu bày tỏ ấn tượng với kết quả đạt được sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2020), đồng thời cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, năng động của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, Chương trình đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), Chính phủ phải khắc phục cho được những vấn đề của giai đoạn trước, như: Một số địa phương đã đạt chuẩn nhưng các tiêu chí đạt được còn thiếu tính bền vững, trong đó, môi trường vẫn là tiêu chí khó với nhiều địa phương; sản xuất nông nghiệp còn phân tán, hiệu quả chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường. Đại biểu cho rằng trong giai đoạn tới, Chương trình phải hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống, thu nhập, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân đều phải được nâng lên.
Về nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) băn khoăn khi dự kiến ngân sách Trung ương bố trí cho giai đoạn 2021-2025 chỉ bằng 61% so với giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ nên hỗ trợ các địa phương hiện vẫn còn phải cân đối ngân sách từ Trung ương, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách dự kiến gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19.
Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) trân trọng cảm ơn Chính phủ, sự chung tay của cả nước với chương trình nông thôn mới. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng, công nghệ thông tin, truyền thông bởi hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông ở vùng nông thôn là rất cần thiết để "tri thức hóa" người dân nông thôn. Nhờ công nghệ, người nông dân sẽ nắm được thời tiết, cập nhật diễn biến tình hình, biết trồng cây gì, nuôi con gì...
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng hiện nay, cả nước còn nhiều xã khó khăn, hạ tầng xã hội còn ở mức thấp, vì vậy, những nơi này đang rất cần được thực hiện Chương trình giai đoạn tiếp theo để cải thiện điều kiện kinh tế-xã hội.
Khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả to lớn, toàn diện và mang tính chất lịch sử, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề xuất: “Để chương trình hiệu quả, bảo đảm tính bền vững, thực chất, ngay trước mắt, đề nghị Chính phủ khẩn trương tìm nguồn tiêm vaccine cho người dân, dự báo những tác động của đại dịch COVID-19, nghiên cứu thêm gói hỗ trợ bổ sung cho người lao động bị ảnh hưởng…”.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng Chính phủ cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản phát triển cho giai đoạn tới. Đặc biệt, quan tâm đến việc không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ từ nay đến cuối năm của các địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chính phủ cũng cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ giao vốn đầu tư “dài hơi” 5 năm thay vì một năm bởi nhiều công trình cần kế hoạch dài hơn, nhiều địa phương hiện nay triển khai nguồn vốn không hiệu quả, không giải ngân được, lại phải trả về cho Trung ương.
“Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan xây dựng Chương trình rà soát, tránh trùng lắp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, cần có giải pháp kết nối cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, kết nối cao tốc để tạo sự giao thương các vùng miền”, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) kiến nghị.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) lại cho rằng cần rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm cho bộ tiêu chí đo lường của giai đoạn trước. Thời gian tới, cần nghiên cứu bộ tiêu chí cho phù hợp, tránh quá sức đối với một số địa phương, đưa tiêu chí hài lòng của người dân vào bộ tiêu chí. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng. “Nông dân hiện nay phải là những người lao động chuyên nghiệp, làm nông nghiệp nhưng tư duy theo hướng công nghiệp”, đại biểu Trần Thị Vân nói.
Nguồn chinhphu