Nhằm tổng kết, nghiên cứu và đánh giá những tác động sau hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam, đồng thời nhận diện những tồn tại và bài học rút ra trong việc thực hiện các cam kết trong EVFTA của Việt Nam, sáng 4/8, Viện Nghiên cứu châu Âu phối hợp với Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA: Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”.
Quang cảnh Hội thảo.
Hội thảo diễn ra 2 phiên: Phiên 1- "Bức tranh tổng quan về thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU), quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu"; Phiên 2- "Thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ở cấp độ địa phương, quan hệ kinh tế song phương và những vấn đề xã hội".
Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đã trình bày nhiều tham luận nhằm tổng kết, nghiên cứu và đánh giá những tác động sau hai năm thực hiện EVFTA, nhận diện những tồn tại, từ đó đề xuất những khuyến nghị để thực thi có hiệu quả trong những năm tiếp theo. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung như: quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên; kinh nghiệm thực thi của các ngành, địa phương hay những vấn đề xã hội phát sinh; đề xuất giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một trong số ít hiệp định FTA thế hệ mới Việt Nam ký kết và thực hiện với phạm vi cam kết rộng và tiến độ thực hiện nhanh, cụ thể là tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện.
Sau hai năm thực hiện vừa qua, nhiều cam kết của EVFTA đã được triển khai trên thực tế và những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU. Thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu đầu tư cũng cho thấy sau ký kết xu hướng đầu tư từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%).
Bên cạnh đó, EVFTA được thực thi trong bối cảnh xu hướng kinh tế - thương mại và thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine…, những động thái tích cực trên càng cho thấy rõ hơn những đóng góp của EVFTA trong quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Tuy nhiên, TS Đặng Xuân Thanh cũng chia sẻ một số ý kiến đánh giá cho rằng, việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn còn một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng, như tỷ lệ C/O EVFTA để hưởng thuế quan ưu đãi còn khiêm tốn, xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, cơ chế kết nối giữa các địa phương với các cơ quan bộ ngành, cơ quan ở nước ngoài trong thúc đẩy thương mại, đầu tư chưa được hoàn thiện, việc triển khai nhóm chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, và phát triển bền vững của các cơ quan, địa phương chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đây là nội dung quan trọng trong EVFTA.
“Điều này cho thấy, việc tổng kết, nghiên cứu và đánh giá những tác động sau hai năm thực hiện EVFTA đối với Việt Nam trên các mặt kinh tế-xã hội, nhận diện những tồn tại và bài học rút ra trong việc thực hiện các cam kết trong EVFTA, từ đó đề xuất những khuyến nghị để thực thi có hiệu quả EVFTA trong những năm tiếp theo là hết sức cần thiết, có giá trị khoa học và thực tiễn” – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu khẳng định, cùng với AFTA, WTO, CPTPP, việc ký kết Hiệp định EVFTA là dấu mốc rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hiệp định đã mở ra một thị trường khu vực nhiều tiềm năng nhưng cũng kèm theo nhiều quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, các khía cạnh môi trường, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng cũng chỉ ra rằng, nếu vượt qua được những quy định khắt khe này và chinh phục được thị trường EU, chúng ta sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận các thị trường khác. Điểm quan trọng trong kết quả của thực thi EVFTA không phải chỉ là số lượng mà còn là chất lượng với sự chuyển dịch ban đầu về cơ cấu sản phẩm và thể chế chính sách đi kèm theo hướng xanh, sạch, và phát triển bền vững là những ưu tiên chính sách của EU.
Bên cạnh việc nêu rõ những kết quả tích cực và những thách thức còn tồn tại sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA, PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng tin tưởng rằng, Hội thảo sẽ dịp chúng ta nhìn lại, soi chiếu vào những khía cạnh khác nhau của 2 năm thực thi như bức tranh toàn cảnh về quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU, các vấn đề về quản lý nhà nước, những thuận lợi, thách thức đối với doanh nghiệp; các vấn đề mang tính “vi mô” hơn như quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên EU, kinh nghiệm thực thi của các ngành, địa phương, hay những vấn đề xã hội phát sinh./.
Nguồn dangcongsan