Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Uỷ ban Dân tộc: Cần đổi mới nội dung các báo, tạp chí cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số - Báo Tây Ninh Online

Thứ ba - 15/11/2022 16:59
BTNO - Ngày 15.11, Uỷ ban Dân tộc tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Đề án “Tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023 - 2025” (DTTS&MN, vùng ĐBKK). Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Trần Minh Nay- Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan.

Ông Trần Minh Nay - Phó Giám đốc Sở Nội vụ dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Việc triển khai thực hiện Quyết định số 45/QĐ - TTg ngày 9.1.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng ĐBKK giai đoạn 2019 - 2021 đã cung cấp nội dung tuyên truyền đã bám sát vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và những nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân tộc, chính sách, thông tin đầy đủ, kịp thời về các sự kiện quan trọng của đất nước.

Tin trên các ấn phẩm báo, tạp chí bảo đảm kịp thời, đa dạng phong phú phản ánh các mặt đời sống xã hội đáp ứng tốt nhu cầu cần cung cấp thông tin bạn đọc; thường xuyên phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương; phù hợp với tâm lý, văn hóa, phong tục tập quán bạn đọc; cỡ chữ to, dễ đọc và dễ làm theo; hình ảnh màu sắc đẹp…

Những thông tin mới, về phòng chống dịch bệnh Covid -19 thường xuyên phổ biến rộng rãi đến các thành viên, hội viên, đoàn viên trong các kỳ họp, sinh hoạt, thông tin trên loa phát thanh xã, loa di động đến từng nhà dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được việc thực hiện chính sách vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Cụ thể, việc phổ biến, giới thiệu thông tin trên báo, tạp chí rộng rãi đến các thành viên, hội viên, đoàn viên trong các kỳ họp, sinh hoạt chưa nhiều; tin bài viết về địa phương được đăng trên các báo, tạp chí chưa thường xuyên; nội dung tin, bài giữa các báo, tạp chí trùng nhau, chỉ khác nhau cách viết; kiểu chữ, cỡ chữ chưa rõ, in nhỏ, khó đọc; nhận dồn nhiều báo một lúc; thông tin trên báo, tạp chí phản ánh chậm so với thực tiễn cuộc sống…

Việc thực hiện chính sách tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và nghiên cứu đổi mới hình thức cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS &MN, vùng ĐBKK giai đoạn 2022 - 2025 là hết sức cần thiết.

Vì các ấn phẩm báo, tạp chí với ưu điểm và lợi thế vượt trội sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, định hướng dư luận xã hội, để đưa thông tin đến đúng đối tượng, kịp thời, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&NM.

Về nội dung dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới về nội dung các ấn phẩm báo, tạp chí. Cụ thể, các báo, tạp chí tham gia cung cấp thông tin, truyền thông cho đối tượng hưởng thụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo các quyết định của Thủ tướng chính phủ, căn cứ vào tôn chỉ mục đích của báo mình, sản xuất chuyên đề mang tính chuyên ngành cho đối tượng phục vụ ở cơ sở, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, 19 báo, tạp chí theo Quyết định số 45/QĐ-TTg cần bổ sung nội dung giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật, thắc mắc liên quan đến cuộc sống hàng ngày người dân địa phương; thông tin về phổ biến kiến thức về hạnh phúc gia đình, hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình; thông tin cung cấp đến người cao tuổi (những người không nằm trong danh sách người có uy tín) để phổ biến, lan tỏa tới cộng nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; các nội dung về quy chế dân chủ cơ sở,  công tác tôn giáo, tín ngưỡng, mô hình dân vận khéo, công tác dân vận chính quyền; chuyên mục về kiến thức bổ trợ cho học sinh kỹ năng sống, tổ chức cuộc sống độc lập, tiếp cận xã hội ở các vùng phát triển, kỹ năng tự bảo vệ của học sinh phổ thông trung các trường chuyên biệt.

Đề án sẽ đổi mới hình thức cung cấp thông tin. Theo đó, xây dựng App chuyên trang điện tử DTTS&MN nhằm thu thập thông tin hai chiều hỗ trợ đồng bào phản ánh các vấn đề quan tâm tới cơ quan quản lý giúp Ủy ban Dân tộc tăng cường cập nhật được thông tin đúng, đủ, sàng lọc, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tại địa phương.

Xây dựng nền tảng công nghệ cung cấp giải pháp an toàn an ninh thông tin trên “App chuyên trang điện tử DTTS&MN” nhằm đẩy mạnh hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong phạm vi quản lý; tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định của pháp luật hiện hành về an ninh mạng.

Bên cạnh đó, đa dạng các kênh phát hành báo, tạp chí như báo in, báo điện tử. Đa dạng hóa các kênh phát hành của báo in thông qua các kênh ngoại giao, du lịch, đầu tư, hợp tác trao đổi thông tin dưới dạng điện tử (e-paper), báo điện tử để mở rộng phạm vi phát hành đến những địa bàn xa,  bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm.

Đổi mới trong công tác vận chuyển báo, tạp chí, chuyên đề đến đối tượng hưởng thụ; bổ sung đối tượng hưởng thụ các ấn phẩm báo, tạp chí; lựa chọn bổ sung một số đơn vị báo chí trên các lĩnh vực cần thiết ở vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở một số tiêu chí.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Góp ý cho dự thảo Đề án, các địa phương cho rằng cần bổ sung phụ lục cụ thể về kinh phí thực hiện; xác định vai trò cơ quan chủ quản báo, tạp chí, cơ quan tổ chức triển khai thực hiện, việc phối hợp kiểm tra, đánh giá; bổ sung thêm đối tượng hưởng thụ là các cơ quan cấp tỉnh, huyện, cán bộ làm công tác dân tộc; thay đổi hình thức cung cấp thông tin; tiếp tục khảo sát đề án để đánh giá đúng mục tiêu, chất lượng; làm mới nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ, hình thức truyền tải, gợi mở thông tin tuyên truyền; đổi mới phương pháp cấp phát báo; thường xuyên đánh giá hiệu quả, tác động của các báo, tạp chí đối với đời sống; bổ sung một số loại báo có chuyên mục bằng tiếng DTTS…

Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Thị Hạnh- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao các ý kiến đóng góp của bộ, ban, ngành, địa phương. Ban soạn thảo và Uỷ ban Dân tộc sẽ tiếp thu đầy đủ các đóng góp và hoàn chỉnh Đề án; mong muốn các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục đóng góp ý kiến, giải pháp cho Đề án.

Thiên Di

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp