Ông Phạm Hùng Thái– Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (thứ hai từ trái sang) và bà Nguyễn Thị Xuân Hương (thứ hai từ phải sang) xem sách trưng bày tại Hội báo xuân Tây Ninh Xuân Quý Mão.
Theo đó, việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 được phát động và tổ chức ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh với các hoạt động đa dạng, sinh động, hấp dẫn bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhằm tạo sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc; đồng thời, bảo đảm an toàn, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bám sát thông điệp: với thông điệp “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động của Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của xuất bản điện tử; đưa ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, kết nối các hoạt động của Ngày Sách và Văn hoá đọc từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc đến các địa bàn cơ sở, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, nhằm tạo sự hưởng ứng của xã hội một cách sâu rộng, hiệu quả.
Cũng theo kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; Tỉnh đoàn; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội Văn học Nghệ thuật; Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố… tổ chức “Chợ sách” với các hoạt động giao lưu, toạ đàm giữa các nhà văn, nhà thơ với công chúng; ký tặng sách, hiến tặng sách, tải ứng dụng đọc sách online trên điện thoại di động, hướng dẫn kỹ năng đọc sách... Phát động, nhân rộng mô hình: Tủ sách gia đình; tủ sách dòng họ; tủ sách cơ quan, tủ sách cộng đồng.
Tổ chức các hoạt động quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới và các đối tượng bảo trợ xã hội...; các hoạt động khác gắn với sách, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương;
Thời gian tổ chức từ tháng 3 đến hết năm 2023, trọng tâm từ ngày 15.4 đến ngày 1.5. Cũng trong khoảng thời gian này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc; hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam tại Thư viện tỉnh và hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh với những nội dung như: trưng bày, giới thiệu sách theo chủ đề; tổ chức Thư viện phục vụ lưu động; trao đổi, luân chuyển sách trong hệ thống các thư viện công cộng, ưu tiên các xã, ấp khu vực biên giới…
Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong giáo viên, học sinh, sinh viên về mục đích, ý nghĩa việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam; phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tăng cường các hoạt động của Câu lạc bộ về sách trong nhà trường; phát động, tổ chức các phong trào, chương trình quyên góp, ủng hộ sách cho các trường học thuộc khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tổ chức các mô hình, hoạt động tại mỗi đơn vị nhằm xây dựng văn hoá đọc sách cho học sinh, sinh viên.
Hy Uyên