Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc.
Theo thông tin tại buổi làm việc, trường phổ thông không thể tự chủ tài chính, vì nguồn thu học phí chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn chi thường xuyên.
NGUỒN THU TỪ HỌC PHÍ CHỈ CÓ TÍNH TƯỢNG TRƯNG
Tại buổi làm việc, báo cáo với đoàn giám sát, lãnh đạo Sở GD - ĐT thông tin, mức thu học phí thực hiện theo Quyết định số 73/2016/QĐ-UBND năm 2016 của UBND tỉnh về việc quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ học kỳ II năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh.
Nguồn thu, quản lý, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục công lập và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên từ học kỳ 2 năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021.
Theo tinh thần này, nguồn thu từ học phí được trích 40% để thực hiện chế độ cải cách tiền lương, 60% còn lại được sử dụng chi theo quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị như mua văn phòng phẩm, biên lai, hoá đơn thu học phí, chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp làm công tác thu, chi học phí, các hoạt động chi thường xuyên của đơn vị. Toàn bộ số tiền thu được nộp vào Kho bạc nhà nước quản lý.
Nhà trường đảm bảo công tác kế toán, thống kê học phí theo quy định, thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan tài chính cấp trên và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu cung cấp, các chứng từ thu, chi, miễn giảm từ nguồn học phí được cập nhật đầy đủ, chính xác qua sổ sách kế toán.
Việc thực hiện công khai trong quản lý và sử dụng học phí, lãnh đạo Sở GD - ĐT cho biết, cơ sở giáo dục công khai đúng quy định, thông báo đầy đủ chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh, hướng dẫn rõ các thủ tục để học sinh, cha mẹ học sinh biết và thực hiện hưởng chế độ kịp thời. Học sinh có thể đóng học phí từng tháng hoặc cả năm học (9 tháng/năm học) tùy theo điều kiện của phụ huynh.
Ngoài học phí, cơ sở giáo dục, nhà trường được phép thực hiện một số khoản thu ngoài học phí theo quy định như thu tiền dạy thêm học thêm, các khoản thu thỏa thuận, tiền xã hội hoá... Nội dung thu, chi các trường công khai trong họp hội đồng sư phạm hàng tháng và niêm yết trên bảng tin của nhà trường. Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm báo cáo số liệu thu, chi các khoản thu ngoài học phí; nhà trường báo cáo đầy đủ, chi tiết các nguồn quỹ đến phụ huynh.
Số liệu thống kê cho thấy, mức thu, nguồn thu từ học phí trong hệ thống trường công lập trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ rất nhỏ (2,16%) trên tổng số chi thường xuyên của cơ sở giáo dục. Tổng thu học phí từ năm học 2017 - 2018 đến hết năm học 2020 - 2021 chưa tới 5 tỷ đồng.
NGĂN CHẶN LẠM THU, SAI PHẠM TÀI CHÍNH
Phát biểu ý kiến, ông Dương Thành Nhàn, thành viên Ban VH-XH đặt vấn đề làm thế nào để đảm bảo việc học cho những học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến, nếu để như vậy, số học sinh này bị hụt hẫng kiến thức so với những học sinh khác. Ông Nhàn cũng nêu vấn đề an toàn cho học sinh khi học trực tuyến, vừa qua ở một số địa phương xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm do thiết bị điện tử cháy nổ, điện giật.
Ông Dương Quốc Khánh, thành viên Ban VH - XH đề nghị Sở GD - ĐT làm rõ các khoản thu trong nhà trường để ngăn ngừa chuyện lạm thu trong nhà trường.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó trưởng Ban VH - XH của HĐND tỉnh đề nghị Sở GD - ĐT thông tin tình hình đội ngũ giáo viên và tuyển dụng giáo viên; cần rà roát chính sách miễn giảm học phí, vì một số nơi thực hiện chậm dẫn đến thực thi chính sách cũng chậm.
Đáng chú ý, ông Cường đề nghị ngành giáo dục cho ý kiến về sai phạm tài chính tại một số trường học. Ông Cường cũng cho rằng mức chi cho một số hội thi trong ngành giáo dục không còn phù hợp, do đó cần xem xét sửa đổi; quan tâm đến việc học của trẻ gặp khó khăn, mất cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19.
Bà Trần Thị Ngọc Mai, Phó trưởng Ban VH - XH nêu vấn đề về những khoản thu ngoài học phí, hiện có nhiều khoản thu, mức thu khác nhau giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bà Mai đề nghị Sở GD - ĐT thông tin tình hình thu chi ở các trường học hiện nay; về chuyên môn, đề nghị Sở đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến đối với lớp 1, lớp 2.
Ông Võ Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu, khoản tiền phụ huynh quan tâm nhất là các khoản thu dịch vụ chứ không phải học phí, vì thu dịch vụ lớn hơn nhiều so với học phí.
Bà Huỳnh Vương Hiếu, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh bày tỏ sự băn khoăn vì việc mua sắm trang thiết bị dạy học hiện chỉ mới ở mức “rà soát”, tức chưa trang bị, điều này có chậm không? Về tự chủ tài chính, căn cứ số liệu, tình hình hiện có, bà Hiếu nhận định, việc tự chủ tài chính (theo từng mức độ khác nhau) trong ngành giáo dục chưa thể thực hiện được, vì mức thu học phí không thể vượt quá quy định của Chính phủ. Việc học trực tuyến, bà Hiếu cho rằng cần khẩn trương trang bị phương tiện cho số học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến.
Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nêu suy nghĩ, trên thực tế, mức học phí hiện nay chỉ mang tính tượng trưng, phần lớn ngân sách cấp bù để chi trả lương cùng nhiều hoạt động khác của ngành.
Ngoài học phí, nhà trường còn thu nhiều khoản khác, theo ông Phong, đậy là nguồn thu “nhạy cảm” cần thận trọng, nếu không dễ dẫn đến sai phạm. Việc học trực tuyến, ông Phong đề nghị lãnh đạo Sở GD - ĐT xem xét liệu có tổ chức học trực tiếp cho học sinh ở “vùng xanh” được không, vì học trực tuyến hiệu quả thấp.
Chủ trì buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở GD - ĐT đánh giá xem việc các phòng giáo dục thu nhiều khoản thuộc loại dịch vụ (những khoản thu bên ngoài) có cơ sở vững chắc hay không? Chủ trương chuyển một số trường công lập ra ngoài công lập thực hiện tới đâu, liệu có thực hiện được không?
Giải trình một số vấn đề, ông Bùi Tuấn Hải, Phó giám đốc Sở GD - ĐT giải thích, chế độ thu, miễn, giảm học phí đã được quy định cụ thể trong Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh năm 2016.
Khoản thu ngoài ngân sách, phải thu những khoản này vì có thu mới phục vụ được một số loại dịch vụ cho học sinh. Ví dụ, học sinh mầm non, tiểu học không thể làm vệ sinh trường lớp, khu nhà vệ sinh, sân trường…. do đó phải thuê lao công.
Đối với phí dịch vụ bán trú, ngân sách không đảm bảo khoản này, do đó, phải thu để phục vụ bán trú, Ông Hải cũng nói rõ, việc tăng thu nhập hàng năm không phải trường nào cũng có, đặc biệt trường học ở nông thôn hầu như không có nguồn thu nhập tăng thêm, nếu có, chỉ mấy trăm ngàn mỗi người.
Về tình hình tự chủ tài chính, ông Bùi Tuấn Hải cho biết, mức thu học phí không thể quyết định mức độ tự chủ tài chính trong nhà trường, vì khoản thu này chỉ tương đương hơn 2% trong toàn bộ ngân sách chi cho ngành giáo dục. Mức thu học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, theo dự kiến, hàng năm chỉ tăng khoảng 5% theo giá tiêu dùng.
Việc chuyển một số trường ra ngoài công lập, hiện vấn đề này đang vướng mắc, chưa thực hiện được, vì chưa ai định nghĩa được thế nào là trường chất lượng cao. Tới đây, ngành dự kiến xây dựng kế hoạch, thay vì định nghĩa trường chất lương cao, sẽ thu học phí theo mức kiểm định chất lượng giáo dục.
Trường nào được kiểm định, đạt chất lượng theo từng mức kiểm định từ thấp lên cao thì căn cứ vào đó để thu học phi. Khi đó, những trường này tự chủ tài chính, ngân sách dành đầu tư cho trường khác.
Tình hình dạy học trực tuyến, Giám đốc Sở GD - ĐT Phạm Ngọc Hải nhìn nhận, do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, hoạt động giáo dục đang đối mặt nhiều khó khăn. Bộ GD - ĐT chỉ đạo tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, do đó, ngành giáo dục Tây Ninh triển khai dạy học trực tuyến.
Tỷ lệ học sinh có thiết bị học trực tuyến tăng so với thời điểm cách đây một tháng. Sau thời gian vận động, một số tập đoàn, doanh nghiệp đến Tây Ninh tặng thiết bị học tập cho học sinh học trực tuyến, ngành nhận được hơn 2 tỷ đồng để mua máy tính, điện thoại cho học sinh.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngành đã khuyến cáo phụ huynh giám sát việc học của con em mình, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. Hiện nay, ngành đang lên kế hoạch chuẩn bị cho học sinh trở lại trường.
Kế luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Xuân Hương đề nghị lãnh đạo Sở làm rõ hơn việc sử dụng khoản thu học phí, tinh thần chung là “không thể nào thu học phí cao đối với học sinh”. Do đó, lãnh đạo ngành cần đánh giá rõ hơn việc thực hiện Nghị quyết 45/2016 của HĐND tỉnh liên quan đến chế độ thu, miễn, giảm, quản lý, sử dụng học phí.
Nhằm tránh nạn lạm thu, bà Nguyễn Thị Xuân Hương yêu cầu lãnh đạo Sở GD-ĐT tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể về những khoản thu dịch vụ, không để tình trạng như lâu nay. Đối với việc dạy học trực tuyến, đề nghị lãnh đạo ngành tính toán, nếu sử dụng khoản tiền huy động được để mua thiết bị thì có đủ cho hơn 11.000 học sinh chưa có điều kiện học trực tuyến không?
Việt Đông