Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng Ngày hội.
Ấp Hiệp Phước có hơn 480 hộ, trên 1.800 khẩu, có 1 hộ cận nghèo (1 nhân khẩu), 10 hộ (20 nhân khẩu) có mức sống trung bình (chuẩn nghèo của tỉnh).
Hưởng ứng các phong trào thi đua, Chi Hội CCB xã vận động nhân dân đóng góp xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp tại ấp Hiệp Phước dài 800m mét, chi phí trên 5 triệu đồng. Chi đoàn Thanh niên phối hợp các Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ vận động mạnh thường quân ủng hộ 20 triệu đồng trồng cây xanh trước cổng Trường tiểu học Hòa Thạnh và 2 bên lề đường có chiều dài hơn 1.200 m.
Hiện nay, các tuyến đường trên địa bàn ấp Hiệp Phước được bê tông hóa; tuyến đường liên ấp được nhựa hóa; có 4 điểm trường đạt chuẩn theo tiêu chí NTM (100%), vận động trẻ em trong độ tuổi ra lớp, không có học sinh bỏ học. Có 86% người dân tham gia BHYT.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm tặng hoa chúc mừng Ngày hội.
Ấp vận động chùa Hiệp Phước đăng ký “Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh”; cuối năm bình xét đạt chuẩn “cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh”.
Thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, BQL ấp đến từng hộ dân tuyên truyền về nâng cao ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; vận động người nơi khác về địa phương phải khai báo y tế; vận động người dân tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt khoảng 97%. Ngoài ra, ấp cũng đã vận động, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 34 hộ đồng bào dân tộc Khmer nằm trong khu phong tỏa và những hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 10 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống nhân dân, không chỉ đem lại không khí vui tươi, đầm ấm của tình làng, nghĩa xóm mà còn là dịp để đồng bào các dân tộc trong tỉnh xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, đoàn kết, đồng lòng thực hiện triệt để quan điểm “dân là gốc”. Cấp ủy, chính quyền các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm, thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng; đồng thời, nâng cao cảnh giác với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, địa phương cần phát huy hiệu quả, thực chất các cuộc vận động: "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở", "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhất là Chỉ thị của Ban Bí thư đối với công tác gia đình. Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền, vận động, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, tôn giáo trong phát triển KT - XH trên địa bàn biên giới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm tặng quà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Các địa phương tiếp tục có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chia sẻ, hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình thiệt hại về vật chất tinh thần do dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng quà cho địa phương nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, các địa phương, ban ngành tiếp tục làm tốt công tác đánh giá, biểu dương, tôn vinh những tập thể, hộ gia đình và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng cộng đồng dân cư no ấm, tiến bộ; xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò của già làng, người uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở cơ sở để già làng, người có uy tín thực sự là hạt nhân, chỗ dựa quan trọng trong việc giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra ngay tại cơ sở.
Ngọc Diêu – Trúc Ly