Tổ khảo sát HĐND tỉnh trao đổi với bác sĩ, nhân viên y tế Khoa cấp cứu TTYT huyện Tân Châu. Ảnh: Tâm Giang
Vướng mắc trong thực hiện chính sách về y tế
Tổ khảo sát số 1 do bà Nguyễn Thị Chi- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế hai huyện Châu Thành, Tân Châu.
Tại buổi làm việc, các đơn vị nêu những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 về chính sách thu hút nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ bồi dưỡng chất lượng cao, hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành y tế Tây Ninh; Nghị quyết số 52/2022/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 về việc hỗ trợ một lần cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, ngành Y tế được UBND tỉnh giao 3.868 chỉ tiêu, trong đó, số lượng thực tế hiện có 3.218 chỉ tiêu. Theo các cơ sở y tế, dù HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế, nhưng trên thực tế, nguồn nhân lực Y tế của tỉnh còn thiếu so với quy định.
Trong đó, hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế thiếu bác sĩ, chuyên gia giỏi, nhân viên kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, lực lượng hỗ trợ phục vụ (tài xế, hộ lý...), nhiều nhất là chuyên ngành điều dưỡng với hơn 400 chỉ tiêu, gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, khó đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh thiếu 10 bác sĩ và gần 100 điều dưỡng; Trung tâm Y tế huyện Châu Thành thiếu 49 biên chế (gồm 17 bác sĩ, còn lại là điều dưỡng, hộ sinh, cao đẳng dược... Đơn vị này hiện chỉ có 2/15 trạm y tế có bác sĩ làm việc); Trung tâm Y tế huyện Tân Châu thiếu 68 biên chế.
Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách lương, thưởng, phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm ngành Y còn thấp khiến nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc; tình trạng vượt tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên; giá dịch vụ y tế chưa phù hợp với nhu cầu hiện tại, các đơn vị phải bù lỗ do thu không đủ chi; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tồn đọng, phát sinh nhiều vấn đề liên quan tài chính, nhiều đơn vị chưa thanh toán công nợ thuốc từ năm 2018 đến năm 2021.
Chính sách thu hút nhân viên y tế, đặc biệt là lực lượng điều dưỡng, nhân viên hỗ trợ phục vụ tại các cơ sở y tế công lập chưa được hướng dẫn cụ thể; công tác tuyển dụng còn nhiều bất cập, người lao động chưa thật sự an tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành Y; chưa thu hút đội ngũ trẻ về công tác tại tỉnh nhà. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút, đặc biệt là đội ngũ có kinh nghiệm, tay nghề cao nên phần lớn y, bác sĩ dịch chuyển sang hệ thống y tế tư nhân...
Theo TTYT huyện Tân Châu, dù trong năm 2022, Trung tâm đã có chính sách hỗ trợ hằng tháng đối với viên chức, nhân viên y tế tại đơn vị với tổng mức chi 8,5 tỷ đồng nhưng vẫn đang chờ phê duyệt và bổ sung kinh phí mới chi trả cho người lao động.
Đồng thời, đơn vị đang thực hiện mô hình “Bệnh viện tách đôi”, vừa khám, chữa bệnh vừa điều trị Covid-19 nên nguồn thu không đủ chi. Viên chức thi tuyển không đậu đủ vị trí việc làm khiến tình trạng thiếu hụt nhân lực kéo dài, tạo áp lực công việc cao, nên nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã nghỉ việc.
Trong đó, TTYT chưa có bác sĩ được cử đi đào tạo theo Nghị quyết 47 của HĐND tỉnh. Ngoài ra, TTYT kiến nghị mức hỗ trợ cho các đối tượng phục vụ như: nhân viên vệ sinh, hộ lý, các kỹ thuật viên không nằm trong nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng để bảo đảm công tác phục vụ bệnh nhân.
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh làm việc tại xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Phương Thuý
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 52/2022/NQ-HĐND, ngành Y tế đã tham mưu chi hỗ trợ một lần cho 21.639 người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với tổng kinh phí gần 34 tỷ đồng. Hiện các đơn vị đang hoàn tất thủ tục chi cho các đối tượng tham gia trực tiếp, gián tiếp và người bị nhiễm Covid-19 theo quy định.
Qua buổi khảo sát, bà Nguyễn Thị Chi- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị các đơn vị báo cáo cụ thể, chi tiết từng nội dung, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 52/2022/NQ-HĐND của đơn vị, nắm rõ các vấn đề còn khó khăn, bất cập, những băn khoăn, trăn trở của cán bộ công tác trong ngành Y tế; các quy định, chính sách cần làm rõ và cần có hướng dẫn cụ thể.
Đối với những kiến nghị của đơn vị, tổ khảo sát sẽ tổng hợp đưa ra chất vấn, giải trình đối với các sở, ngành liên quan. Đồng thời tiếp thu, tổng hợp kiến nghị và sẽ làm việc trực tiếp với các cơ quan có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
TP. Tây Ninh: Kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 52/NQ-HĐND
Tổ khảo sát số 2 do ông Võ Quốc Khánh- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm tổ trưởng có buổi làm việc tại phường Ninh Sơn và xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh. Cùng dự có bà Hồ Tuyết Huỳnh Mai- Phó Chủ tịch HĐND Thành phố, bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh và lãnh đạo phường Ninh Sơn, xã Bình Minh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo phường Ninh Sơn và xã Bình Minh báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 1.7.2021 về quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 12.5.2022 về việc đề nghị thông qua nghị quyết hỗ trợ một lần cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 45/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 quy định chuẩn hộ nghèo tỉnh và chính sách hỗ trợ hộ nghèo đa chiều, hộ nghèo theo chuẩn nghèo tỉnh, hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025.
Nhìn chung, các nghị quyết trên của HĐND tỉnh đã được các địa phương tuyên truyền, tổ chức thực hiện đầy đủ. Từ thực tiễn triển khai, lãnh đạo các phường, xã và UBND thành phố Tây Ninh báo cáo tổ giám sát một số khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 12.5.2022. Cụ thể, chi hỗ trợ một lần cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo nghị quyết này gặp khó khăn trong khâu xác lập hồ sơ thủ tục, không bảo đảm nguyên tắc tài chính hiện hành.
Địa phương báo cáo tổ giám sát kiến nghị HĐND tỉnh cho kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 52/NQ-HĐND, Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các phường, xã trên địa bàn rà soát, xác lập hồ sơ thủ tục đầy đủ để chi trả cho các đối tượng theo đúng quy định.
Đối với Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, kiến nghị giải thích rõ khái niệm “khu dân cư hiện hữu” (mục số 6 Điều 4 của Nghị quyết).
Ông Võ Quốc Khánh- tổ trưởng tổ khảo sát số 2 ghi nhận những khó khăn và ý kiến, kiến nghị của phường, xã và lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh về việc thực hiện các nghị quyết HĐND.
Tổ khảo sát đề nghị phường Ninh Sơn tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND tới người dân. Theo Điều 4 của nghị quyết này, toàn bộ phường Ninh Sơn là khu vực không được phép chăn nuôi trang trại, do đó, cần tuyên truyền để những hộ chăn nuôi có kế hoạch di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp trước thời điểm ngày 1.1.2025. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương rà soát số lượng đối tượng con công nhân làm việc trong các khu công nghiệp thuộc diện hỗ trợ của Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND để hướng dẫn người dân làm hồ sơ.
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, tổ khảo sát có buổi làm việc tại xã Long Thuận và thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu để ghi nhận kết quả thực hiện 4 nghị quyết trên của HĐND tỉnh.
Tâm Giang - Phương Thuý