Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy thăm và chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhân kỷ niệm 40 năm thành lập.
Mỗi tôn giáo có những tôn chỉ riêng: Đạo Công giáo có “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo là “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghiã xã hội”; “Nước vinh - Đạo sáng” của đạo Cao Đài, “Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của đạo Tin Lành… nhưng tựu trung vẫn là hướng đến những việc làm thiện nguyện, giúp người, giúp đời, hộ quốc an dân, chung tay xây dựng đất nước.
Lễ sanh Võ Văn Nơ- Cai quản họ đạo liên khu phố Ninh Hoà – Ninh Phúc (phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh) cho biết, cách đây 5 năm, ông được Hội thánh bổ nhiệm về họ đạo này. “Vâng lệnh Hội thánh dạy rằng, các chức sắc đến địa phương thì phải cùng chung với địa phương làm tốt việc an sinh xã hội cũng như quan tâm đến đời sống tín ngưỡng của mọi người. Tất cả cùng chung lo nền đạo, hướng dẫn đồng đạo tu hành thuần tuý, không làm việc vi phạm pháp luật. Đó là phương châm hành đạo của tôi cũng như nhiều chức sắc, chức việc khác”- Lễ sanh Võ Văn Nơ nói.
Từ lời dạy của Hội thánh, mỗi tháng trong các cuộc họp của Ban cai quản, Lễ sanh Võ Văn Nơ luôn truyền đạt những chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước đến các thành viên của Ban cai quản. Sau đó, các thành viên tiếp tục nhắc nhở, vận động bà con có đạo tuân thủ, chấp hành.
Họ đạo liên khu phố Ninh Hoà – Ninh Phúc hiện có hơn 5.000 tín đồ với 88 vị chức việc, 5 tổ nghi lễ. Những năm qua, Ban cai quản cùng chung tay với chính quyền địa phương chăm lo tốt đời sống của bà con nơi đây. Từ việc thăm hỏi, ủng hộ viện phí khi đồng đạo đau bệnh, hay sửa lại căn nhà, tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học… đều được Ban cai quản chung lo.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Tây Ninh ủng hộ quỹ Vaccine phòng, ngừa Covid-19.
"Ở đây, bà con đồng đạo ai cũng có tâm lo cho mọi người, nên chỉ cần chức việc lên tiếng, mọi người đều ủng hộ. Nhất là những ngày qua, dịch bệnh bùng phát, nhiều khu dân cư bị phong toả. Bà con đồng đạo đã tự nguyện người ủng hộ vài ký rau, củ quả, người cho gạo, cho đường, muối. Có lò bánh tráng mang bánh đến cho… Chính sự chung tay của đồng đạo và bà con trong đợt dịch vừa rồi, họ đạo cùng chính quyền địa phương chăm lo cho nhân dân bị ảnh hưởng của Covid-19. Tính ra thành tiền được hơn 500 triệu đồng”- Cai quản họ Đạo Liên khu phố Ninh Hoà – Ninh Phúc cho biết.
Trên địa bàn huyện Châu Thành hiện có 60 cơ sở tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật, Cao Đài, Công giáo và Tin lành. Theo ông Lâm Minh Lâm– Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện, những năm qua, MTTQ huyện có nhiều hoạt động nhằm hướng đến phát huy các giá trị đạo đức của các tôn giáo trên địa bàn. Cụ thể như MTTQ xã Thanh Điền thực hiện mô hình “Cơ sở tín ngưỡng thực hiện nếp sống văn minh và tham gia bảo vệ môi trường”; MTTQ thị trấn Châu Thành tiếp tục thực hiện mô hình điểm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Giáo xứ Phú Ninh, Vinh Sơn. Uỷ ban MTTQ huyện phối hợp với Công an huyện duy trì thực hiện mô hình “Xứ đạo an toàn về ANTT”, tại thị trấn Châu Thành và xã Ninh Điền. Đặc biệt trong năm 2021, Uỷ ban MTTQ huyện đã triển khai mô hình “Nâng cao chất lượng tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật trong tôn giáo” đến 3 xã Hoà Hội, An Bình và xã Biên Giới, vận động tín đồ tôn giáo cùng chấp hành tốt những quy định của pháp luật.
Hòa Thượng Thích Thiện Trí tặng quà cho người dân nghèo ở Châu Thành.
Nhìn chung, những năm qua, các cơ sở tín ngưỡng, các tổ chức tu hành trên địa bàn đều tích cực hỗ trợ chính quyền trong tuyên truyền vận động, góp phần rất lớn trong việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. “Trong các tổ chức tôn giáo, tiếng nói của người đứng đầu rất quan trọng và uy tín với người có đạo. Họ thay mặt chính quyền địa phương phổ biến, đưa thông tin cần thiết đến với tín đồ.
Nhất là trong 2 năm nay, dịch bệnh phức tạp, các vị chức sắc, chức việc đã vận động người dân chấp hành tốt các quy tắc phòng chống dịch. Năm 2021, Châu Thành có 2 nhà tu hành được UBND tặng bằng khen có đóng góp trong công tác phòng, chống dịch là Hoà thượng Thích Thiện Trí (chùa Tứ Phước, xã Thanh Điền) và Thích nữ Diệu Lạc (chùa Hạnh Lâm, xã Thanh Điền)”- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Châu Thành cho biết.
Trên địa bàn tỉnh, Phật giáo thành lập trên 140 cơ sở tự viện có tư cách pháp nhân, phát triển trên 100.000 tín đồ. Các tổ chức giáo hội, các chùa, cơ sở tự viện thường xuyên phối hợp cùng chính quyền, các ngành, các cấp thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động như: xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc…; tham gia công tác từ thiện – xã hội ở địa phương như: xây tặng Trường trung học cơ sở Bà Đen; thành lập Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, đóng góp Quỹ Vì người nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa… với hơn 150 tỷ đồng.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Phật giáo tiếp tục có nhiều đóng góp hỗ trợ tiền mặt cho quỹ phòng, chống dịch, hỗ trợ mua xe cứu thương, hỗ trợ an sinh cho các khu cách ly, phong toả… với số tiền hơn 4 tỷ đồng góp phần cùng với chính quyền, các ngành, các cấp đẩy lùi dịch bệnh Covid– 19.
Theo thống kê từ Uỷ ban MTTQVN tỉnh, trong năm 2021, các tôn giáo đã đóng góp hơn 20 tỷ đồng chung tay cùng địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ban Cai quản các họ Đạo Cao Đài nhận giấy khen của lãnh đạo phường Ninh Thạnh (TP. Tây Ninh).
Từ những giá trị tốt đẹp đó, ngày 5.11.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 3892 tiếp tục thực hiện và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc thực thi chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo gắn với việc xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh; phát huy nguồn lực của các tôn giáo tích cực tham gia đời sống chính trị - xã hội, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.
N.D