Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021 

Thứ bảy - 13/11/2021 06:45
Đánh giá việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh TPHCM. Ảnh: Vân Sơn

Sáng 12/11, báo cáo Quốc hội tại phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

5 kinh nghiệm chống dịch

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn Thủ tướng về chiến lược vắc xin và các giải pháp căn cơ về kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2021. Về việc này, Thủ tướng nhấn mạnh, trong hai tháng cuối năm, phải có chương trình phục hồi kinh tế, coi đây là khâu đột phá và định hướng đầu tiên là phải nâng cao năng lực y tế, gồm y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Bên cạnh định hướng về xây dựng Quỹ phòng chống dịch và Quỹ an sinh xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, phải tập trung cho con người, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội, đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Theo Thủ tướng, qua đại dịch cho thấy, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao cơ bản phục hồi rất nhanh, như ở Bắc Ninh, Bắc Giang... Thế nhưng, cần tính toán để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá thể chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp.

Phiên chất vấn dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ, trách nhiệm cao với tinh thần đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các đại biểu Quốc hội chất vấn ngắn gọn, tăng cường tranh luận để làm rõ vấn đề. Các thành viên Chính phủ trả lời nghiêm túc, không tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) và một số đại biểu khác về kinh nghiệm rút ra từ giai đoạn chống dịch vừa qua, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến 5 bài học kinh nghiệm lớn.

Trước tiên là cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch. Kế đến là huy động tinh thần đại đoàn kết dân tộc và giải pháp ứng phó linh hoạt trước dịch bệnh.

“Khi nhận thấy năng lực y tế yếu, chúng ta ngay lập tức điều quân đội, công an giúp chống dịch”, Thủ tướng nêu ví dụ, và đánh giá đây là kinh nghiệm rất tốt. Tiếp theo là bài học kinh nghiệm từ việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, bởi đây là các chính sách giúp người dân yên tâm tham gia chống dịch. Một bài học khác là việc huy động sự giúp đỡ của quốc tế về vắc xin, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất ở trong nước.

Theo Thủ tướng, “chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch”, trên cơ sở đó, mạnh dạn và tự tin mở cửa. Nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất, lo nhất là nguồn nhân lực. “Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị nhanh và sớm, nhưng đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm”, Thủ tướng nói. Sắp tới cần tập trung đào tạo nhân lực, đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực được đào tạo này xuống cơ sở.

Phát triển hạ tầng

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) chất vấn Thủ tướng về giải pháp phát triển hạ tầng thời gian tới.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh. “Cái gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương phải lo. Cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ phải lo; cái gì vượt thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ đề xuất với các cấp có thẩm quyền và Quốc hội để ban hành đầy đủ và từng bước hoàn thiện thể chế”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý vấn đề đầu tư công, phải phân tích, làm rõ các nguyên nhân. Theo Thủ tướng, nguyên nhân chính là yếu tố con người. “Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng”, Thủ tướng nói.

Nguồn tienphong

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp