Ngày 15-12, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 có chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII” khai mạc tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan trưng bày sách, báo, tạp chí về các hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Ngoại giao theo nguyên tắc kiên định mục tiêu
Nhìn lại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018 đến nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định: Tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, nhiều diễn biến mới vượt khỏi dự báo, đại dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và giao lưu quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ngành ngoại giao đã bám sát các đường lối, chủ trương của Đảng, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu, quật cường của dân tộc... từ đó đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Điều này góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Từ đó tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành ngoại giao tiếp tục quảng bá mạnh mẽ ra thế giới hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, thủy chung, tin cậy và đang quyết tâm đổi mới; đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các diễn đàn quốc tế quan trọng, đặc biệt là hoàn thành tốt vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bên cạnh những kết quả quan trọng thì ngành ngoại giao vẫn còn nhiều việc có thể làm tốt hơn nữa, nhất là về tranh thủ cơ hội, thời cơ, yếu tố quốc tế thuận lợi, các khuôn khổ hợp tác và quan hệ đối tác rộng mở để đóng góp hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Hoạt động đối ngoại và ngoại giao phong phú, sôi động trong thời gian qua đem lại cho ngành ngoại giao nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu, giúp tôi luyện ngành ngoại giao trưởng thành hơn về bản lĩnh và trí tuệ, phát triển vững mạnh hơn về tổ chức và đội ngũ cán bộ” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Ngoại giao đã làm cho thế giới quý mến, tin tưởng Việt Nam
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng hai năm qua, ngoại giao Việt Nam đã đạt được kết quả nổi bật, nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế, làm cho thế giới quý mến, tin tưởng Việt Nam nhiều hơn, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài; lực lượng ngoại giao trưởng thành hơn về mọi mặt.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định có được kết quả trên là do ngành ngoại giao Việt Nam đã bám sát, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối và chương trình đối ngoại của Đảng, Nhà nước; phát huy được truyền thống đoàn kết, thống nhất, linh hoạt trong các hoạt động ngoại giao; nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, ngoại giao nước nhà trong năm qua vẫn còn nhiều trăn trở như nghiên cứu chiến lược; cơ sở dữ liệu ngoại giao; ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững, theo chiều sâu; một số địa bàn có tính chất chiến lược chưa phát huy được tiềm năng; cán bộ ngoại giao làm việc trong các tổ chức quốc tế còn ít; cơ sở vật chất, đời sống của cán bộ ngoại giao chưa được cải thiện nhiều...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngoại giao bám sát tình hình, nhiệm vụ để triển khai các hoạt động như: Tiếp tục triển khai các nội dung về ngoại giao trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện nhiệm vụ được đề ra tại hội nghị đối ngoại toàn quốc vừa qua.
Mọi hoạt động ngoại giao phải hướng tới và vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng cũng nhấn mạnh phương châm “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả và cùng phát triển”; đổi mới tư duy với lợi ích quốc gia là tối thượng; cương quyết, kiên định nhưng mềm mại, linh hoạt, hiệu quả trong ngoại giao.
Thủ tướng cũng lưu ý cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác ngoại giao nhạy bén về chính trị; nhạy cảm về kinh tế; sâu sắc về khoa học, văn hóa, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cơ sở đảng và đảng viên trong toàn hệ thống. Thủ tướng yêu cầu các ngành liên quan tạo điều kiện cùng ngành ngoại giao hiện đại hóa cơ sở vật chất của ngành; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ ngoại giao...•
Ngoại giao “cây tre Việt Nam”
Sáng 14-12, Bộ Chính trị, Ban bí thư đã tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác đối ngoại.
Tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc”.
Trong phát biểu, Tổng bí thư khái quát bốn kết quả nổi bật trong 35 năm qua, các hạn chế, bài học và đặt ra sáu nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó, Tổng bí thư chỉ đạo cần quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”.
Nguồn PLO