Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành cùng chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, Hội doanh nhân trẻ tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả, thậm chí hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh; đồng thời bày tỏ sự cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp luôn luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước vượt qua khó khăn thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, càng khó khăn càng đoàn kết.
Thủ tướng cũng chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp đã biến nguy thành cơ, đoàn kết, thống nhất để tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức vươn lên phát triển, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Các doanh nghiệp cơ bản vẫn giữ được sự phát triển trong khó khăn, vừa phải giải quyết việc tồn đọng kéo dài, vừa giải quyết công việc thường xuyên, vừa thích ứng, đối phó với những thách thức mới.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp sẽ luôn phát triển ngày càng lớn mạnh, đúng hướng, lành mạnh, bền vững, đủ sức chống chọi với những “cú sốc” từ bên ngoài, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế của đất nước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, kinh tế xã hội Việt Nam phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc.
Đến tháng 7.2022, có 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng 13% so với năm 2019. Tính trong 7 tháng có hơn 130.000 doanh nghiệp gia nhập, quay trở lại thị trường, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Vốn đăng ký bổ sung trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường nội địa một số ngành phục hồi 75-85% so với trước dịch. Niềm tin kinh doanh được củng cố, tích cực với 92% doanh nghiệp giữ nguyên quy mô hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý 3.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động còn cao; 98% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ, vừa; thiếu vắng doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu công nghệ lõi, công nghệ tiên phong; tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thấp so với khu vực (đạt 21%); tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn; sự liên kết chưa cao.
Dù gặp phải những khó khăn, thách thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng vẫn có những thời cơ thuận lợi. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định, khả năng phục hồi nhanh hơn; hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực, cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kinh tế số, kinh tế xanh đem đến xu hướng tiêu dùng mới; mô hình kinh doanh mới, chuỗi giá trị mới, cơ hội tham gia vào một cấu trúc và trật tự thương mại mới. “Các doanh nghiệp cần chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, dám đối mặt để vượt qua những thách thức lớn nhất; chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới, to lớn hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Với quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra 4 nhóm giải pháp ngắn hạn và 4 nhóm giải pháp dài hạn. Trong đó, nhóm ngắn hạn, Bộ sẽ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý để giải ngân vốn đầu tư công và nguồn vốn đầu tư khác; tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; hỗ trợ khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động.
Chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Đó là, tiếp tục giữ vững ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, như thị trường vốn, bất động sản, thị trường lao động chất lượng cao.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính mạnh mẽ thông qua chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, bảo đảm an dân, an toàn, an ninh để doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả các loại hình doanh nghiệp, các nguồn vốn; đồng thời có kế hoạch xử lý kịp thời hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội, trong đó có nguồn lực của doanh nghiệp.
Cùng với đó, làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp định hướng, mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đa dạng hóa các loại sản phẩm, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số…hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
C.T