Ngày 30-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phòng chống dịch Covid-19 và phương án triển khai các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV quyết nghị tại kỳ họp thứ nhất, liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đã có tín hiệu tích cực
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin Tổ chức Y tế thế giới cho biết số ca mắc mới đã tăng gấp đôi trên thế giới, trong 2 tháng vừa qua đạt gần mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát và tâm dịch chuyển sang Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi, Brazil.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch bệnh trong nước đang diễn biến phức tạp. Tại TP HCM, số ca mắc phát hiện từ các khu dân cư cộng đồng, khu phong tỏa rất cao, cho thấy việc lây lan mầm bệnh trong cộng đồng còn mạnh. Tuy nhiên, số ca phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế có xu hướng giảm, là tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát lây lan dịch bệnh.
Dự báo trong thời gian tới, số ca nhiễm sẽ có xu hướng "đi ngang", sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, nên cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tại các tỉnh lân cận TP HCM như Bình Dương, Long An đã xuất hiện mô hình lây lan tương tự TP HCM ở giai đoạn đầu.
Về điều trị, giai đoạn 4 có 28.963 người đã khỏi bệnh. Hiện các bệnh viện đang điều trị cho 95.770 người bệnh. Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương đang khẩn trương triển khai kiểm định vắc-xin.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nêu vấn đề kiểm soát người di chuyển từ vùng dịch về các địa phương; lưu thông hàng hóa giữa các địa phương; vấn đề phân bổ, tiêm vắc-xin theo thứ tự ưu tiên...
Các ý kiến cũng thảo luận sâu về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Tiếp tục hỗ trợ người lao động
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, huy động được cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp cùng vào cuộc tích cực, đã thu được những thành quả nhất định trong phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế như: Có lúc, có nơi việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch còn bất cập, kém hiệu quả; có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch bệnh, song cũng có nơi, có lúc mất bình tĩnh, lo sợ, hoảng hốt, thiếu tỉnh táo khi dịch bệnh bùng phát. Việc thực hiện "4 tại chỗ" trong phòng chống dịch có nơi còn yếu nên khi dịch bùng phát, lây lan mạnh thì không đáp ứng kịp; một bộ phận người dân nhận thức về dịch bệnh và biện pháp phòng chống chưa thấu đáo nên ý thức chấp hành chưa nghiêm. Việc quản lý, kiểm tra, giám sát của một số nơi chưa tốt; một số địa phương thực hiện quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 còn "chập chờn"...
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu képẢnh: Như Ý
Thủ tướng khẳng định tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, lấy việc phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho người dân là trước hết, trên hết, song cũng nỗ lực duy trì sản xuất - kinh doanh tại một số nơi an toàn, đủ điều kiện, mục tiêu cuối cùng là đem lại sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Về nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phải thực hiện nghiêm, hiệu quả các kết luận, nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo, lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ... về công tác phòng chống dịch. Khẩn trương thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tình hình và nguyện vọng của người dân.
Đối với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tại các khu vực giãn cách xã hội, các ngành, địa phương tổ chức tốt, hỗ trợ tối đa nhu yếu phẩm cho người dân vùng giãn cách xã hội; đáp ứng mọi yêu cầu về y tế cho người dân mọi lúc, mọi nơi.
Tại các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao thì phải thực hiện phong tỏa, cách ly triệt để, kết hợp với các biện pháp khác để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, chữa trị kịp thời, hiệu quả, giảm tối đa ca tử vong. Khi có diễn biến xấu, cần tăng cường lực lượng, nguồn lực cho hồi sức cấp cứu ở mức cao hơn; tăng cường hơn nữa nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong phòng chống dịch.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19. Thay đổi chính sách ưu tiên tiêm vắc-xin, cùng với ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tình nguyện viên, tổ phòng chống Covid cộng đồng... thì cần ưu tiên cho địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp và địa bàn quan trọng như TP HCM, Hà Nội và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất...
Phân bổ thêm gần 6 triệu liều vắc-xin Covid-19
Ngày 30-7, Bộ Y tế cho biết đã phân bổ hơn 3 triệu liều vắc-xin Covid-19 Moderna và bổ sung 2,9 triệu liều vắc-xin AstraZeneca cho 63 tỉnh, thành và 23 đơn vị. Đây là số vắc-xin chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam thông qua cơ chế COVAX và từ nguồn Việt Nam đặt mua qua VNVC và do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Trong đợt phân bổ này, các tỉnh, thành phía Nam nhận nhiều nhất với hơn 2,3 triệu liều; riêng TP HCM nhận 606.000 liều vắc-xin Covid-19 của Moderna và AstraZeneca.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tổ chức tiếp nhận, tiêm chủng an toàn. Trường hợp không sử dụng hết vắc-xin hoặc có nhu cầu sử dụng thêm thì phối hợp với các dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur TP HCM để chủ động điều phối.
Đến nay, Việt Nam đã nhận được gần 15 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có hơn 9 triệu liều AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna. Tính đến sáng 30-7, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 5,5 triệu mũi vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 546.000 người đã được tiêm đủ 2 liều.
N.Dung
Thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký quyết định về đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng", trong đó thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam và được đặt tại 12 bệnh viện. Bộ Y tế giao chỉ tiêu cho mỗi trung tâm từ 200 đến 3.000 giường hồi sức tích cực. Như vậy, tổng số giường hồi sức tích cực ở các cơ sở này khoảng 8.000 giường.
Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai phụ trách các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương phối hợp chủ động xây dựng mạng lưới, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và chỉ đạo về chuyên môn. Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp. Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ phối hợp.
Bộ Y tế cũng chỉ định hơn 30 bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực vùng. Mỗi bệnh viện thiết lập tối thiểu từ 50 đến 100 giường bệnh và sẵn sàng mở rộng quy mô lên 150, đến 200, 300 giường (tùy theo điều kiện thực tế, diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo của Bộ Y tế).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định hệ thống khám chữa bệnh đang phải đối mặt những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử. Cơ số giường bệnh và năng lực hồi sức tích cực hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh Covid-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị người bệnh nặng. Nhiều bệnh viện có giường bệnh hồi sức tích cực nhưng không có hệ thống ôxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở; thiếu camera, hệ thống theo dõi trung tâm, gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng trong việc theo dõi sát diễn biến của người bệnh Covid-19 nặng. Khoa hồi sức tích cực của nhiều bệnh viện chưa thực hiện được các kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, không xâm nhập, tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu...
N.Dung
Nguồn NLDO