Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Tết trên biển đảo quê hương Kỳ III: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ…” - Báo Tây Ninh Online

Thứ năm - 12/01/2023 22:46
BTN - Lần đầu đến biển đảo cách xa đất liền hàng trăm hải lý, tôi không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của biển đảo và xúc động trước sự hy sinh thầm lặng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Tuần tra trên đảo Trường Sa

Đẹp vô ngần biển đảo của ta

Trước đây, tôi nghĩ biển chỉ có một màu xanh, mãi đến khi có dịp di chuyển bằng phương tiện giao thông đường thuỷ đến quần đảo Trường Sa, tôi mới nhận ra, biển có nhiều màu khác nhau và màu nào cũng đẹp. Ở những vùng biển cạn, gần bờ, nước biển có màu xanh; những vùng biển sâu mặt nước trở nên xanh thẫm.

Gần những hòn đảo, biển đổi màu xanh ngọc. Trên những bãi san hô, đá ngầm, biển trở nên trong vắt. Những buổi bình minh và hoàng hôn, biển nhuộm màu hồng nhạt. Ban đêm, mặt biển chuyển thành màu đen đầy bí ẩn. Những ngày giông gió, biển gầm gừ, đầy sóng trắng. Trời quang mây tạnh, biển phẳng lặng hiền hoà như cô gái chớm yêu.

Ở những nơi biển cạn dễ dàng nhìn thấy từng đàn cá bơi lượn tung tăng, hay những con nhum gai trên nền cát. Khi sóng yên biển lặng, ngư dân ra khơi đánh bắt cá, tôm, câu mực, trên mặt biển từng đàn hải âu sải cánh.

Ngày biển động, ngư dân vào bờ tạm nghỉ, những chú hải âu cũng vào đảo trú chân. Nhìn từ xa, các hòn đảo như hòn ngọc xanh bồng bềnh trên biển. Đến gần mới thấy, trên mỗi đảo đều trồng rất nhiều cây xanh để che nắng gió và làm nơi trú ngụ cho chim muông.

Chị Tạ Thị Thu Huyền- giáo viên Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội)- thành viên Câu lạc bộ (CLB) Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tâm sự, đây là lần đầu được đến quần đảo Trường Sa, chị cũng bất ngờ trước vẻ đẹp của biển đảo và cảm thấy nơi đây thân thương như quê hương của mình.

“Qua những chuyến đi như thế này, em sẽ có thêm nhiều trải nghiệm và kiến thức để truyền dạy cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về những vùng đất cách xa đất liền, nhưng không hề cách xa trong lòng của tất cả người dân Việt Nam”- Huyền thổ lộ.

Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân- Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Vùng 4 Hải quân cho biết, tết là dịp nhiều người về ăn tết với gia đình nhưng bộ đội Hải quân lại vác ba lô ra biển đảo làm nhiệm vụ.

Năm 2022, Vùng 4 Hải quân đã cứu hộ, cứu nạn hơn 100 ngư dân bị bệnh, tai nạn trong quá trình lao động đánh bắt cá trên biển; và đã cứu được 21 tàu cá gặp nạn với hơn 100 ngư dân. Năm 2022, trong điều kiện khó khăn vì dịch Covid- 19, Vùng 4 Hải quân đã tổ chức đưa đón 14 đoàn công tác với hơn 2.000 đại biểu đến thăm quần đảo Trường Sa.

Sau tết cổ truyền, Vùng 4 Hải quân sẽ tiếp tục tổ chức đón một số đoàn đi thăm Trường Sa. Những chuyến đi khẳng định chủ quyền biển đảo của ta. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân cả nước, huy động nguồn lực xã hội, xây dựng Trường Sa đẹp, xanh, sáng hơn, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thắm tình quân-dân nơi biển đảo.

Phát triển Đảng trên quần đảo Trường Sa

Thượng tá Ngô Văn Hưng- Phó Bí thư Đảng uỷ huyện đảo Trường Sa cho biết, đây là một trong những nội dung Đảng uỷ các cấp rất quan tâm. Ngay từ đầu năm Đảng uỷ, các chi bộ có kế hoạch phát triển đảng viên mới, giao chỉ tiêu các đơn vị, chọn những quần chúng có ý chí cống hiến lâu dài trong quân đội, có thái độ trách nhiệm tốt để giới thiệu vào hàng ngũ Đảng. Trong những năm qua, hằng năm, đảo Trường Sa đều phát triển nguồn đảng viên mới theo đúng kế hoạch đề ra.

Đảng viên mới Lê Duy Phương- cán bộ văn hoá xã hội, UBND thị trấn Trường Sa cho biết, trong thời gian công tác ở đảo, Phương được lãnh đạo UBND thị trấn Trường Sa và chỉ huy đảo quan tâm, dìu dắt, giúp đỡ, tạo điều kiện học lớp cảm tỉnh Đảng.

Qua 5 năm phấn đấu, tháng 2.2022, Phương được kết nạp Đảng. Dự kiến đến tháng 2.2023, em được trở thành đảng viên chính thức. “Tôi rất tự hào khi được đứng vào hàng ngũ Đảng và vinh dự hơn nữa là được kết nạp Đảng trên đảo Trường Sa- mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”- Phương tâm sự.

“Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”

Chỉ tính riêng trên đảo Trường Sa, hiện có nhiều công trình được xây dựng với quy mô lớn và ý nghĩa, như Đài liệt sĩ đảo Trường Sa, đền thờ Bác Hồ, nhà khách Thủ đô, trường học, Trung tâm y tế, Đài khí tượng thuỷ văn v.v… Còn nhớ, trong lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam (7.5.1955- 7.5.1988) tại đảo Trường Sa ngày 7.5.1988, Đại tướng Lê Đức Anh- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “…

Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa- một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta…”.

Năm 1961, khi đến thăm “Công binh xưởng” của Trần Hưng Đạo- nơi làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng để chống quân Nguyên, Bác Hồ nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển; bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”.

Chiến sĩ canh gác cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.

Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ giao thương, tuyến phòng thủ đầu tiên của nước ta và là không gian sinh tồn của dân tộc ta. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta cho thấy, phần lớn những cuộc xâm lăng của ngoại bang đều đến từ hướng biển Đông.

Chính vì thế, tầm quan trọng của việc bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển đã được các bậc tiền nhân chỉ ra từ rất sớm. Hơn 500 năm trước, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo về vai trò đặc biệt của biển Đông đối với sự tồn vong của đất nước: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

Đại Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp