Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975), thực tế Tây Ninh mất gần 5 năm không có hoà bình trọn vẹn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân dân Tây Ninh cùng lúc vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; vừa cứu đói dân mình, lại vừa cưu mang gần 3 vạn dân Campuchia tị nạn; vừa khôi phục và phát triển sản xuất nhằm bảo đảm đời sống nhân dân.
Có thể nói, 5 năm đầu sau ngày giải phóng đầy gian khổ, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh thể hiện tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện để hoàn thành 2 nhiệm vụ chiến lược là cải tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Ngay khi giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Pol-Pot gây ra, theo sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ và quân dân Tây Ninh vẫn tiếp tục chi viện sức người sức của, giúp tỉnh Kampong Cham, Campuchia trong 10 năm (1979 - 1989).
Thời kỳ 1975-1985, quân dân Tây Ninh tập trung vào nhiệm vụ chính là cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội IV và V của Đảng đề ra, chủ yếu lấy sản xuất lương thực làm nhiệm vụ trung tâm hàng đầu.
Từ chỗ phải nhận sự chi viện của Trung ương, Tây Ninh phấn đấu không những tự lực được lương thực, mà còn làm nghĩa vụ với Trung ương và từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế - xã hội đi vào quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, tạo ra những vùng chuyên canh lớn: mía, đậu phộng, cao su, lúa. Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng được củng cố kiện toàn, dân chủ được mở rộng, chính trị ổn định, tạo tiền đề cho sự phát triển mới.
Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cơ chế quản lý kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ 1986-1990 đan xen giữa 2 cơ chế, nước ta trong tình trạng trầm trọng nhất của khủng hoảng kinh tế - xã hội, sản xuất đình đốn, lạm phát tăng vọt, đất nước bị bao vây về kinh tế, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, lòng tin giảm sút. Tình hình chung đó đã ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những năm 1991-1995 là thời kỳ đi vào thế ổn định và tăng trưởng, giành được những thắng lợi rất quan trọng trong những năm tiếp theo. Kinh tế có mức tăng trưởng cao. Năm 2005, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân hằng năm 14%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ trước đó.
Năm 2022, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước thực hiện 56.289 tỷ đồng, tăng 9,56%; thu ngân sách đạt 12.181 tỷ đồng, tăng 17,4% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 25,9%, kim ngạch nhập khẩu tăng 26,3% so cùng kỳ. Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt 16.569 tỷ đồng và 687 triệu USD.
Công tác xây dựng nông thôn mới hoàn thành kế hoạch đề ra, toàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai và phát huy hiệu quả, dự kiến có thêm 35 - 40 sản phẩm được công nhận, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh là 1,09% (với 3.499 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 0,32% (1.037 hộ), cận nghèo là 0,77% (2.462 hộ)…
Trải qua chặng đường 48 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2023), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Tây Ninh cùng sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua những bước thăng trầm của mỗi thời kỳ cách mạng để giành lấy thắng lợi.
Thắng lợi đó bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh, nhất là thời kỳ sau giải phóng, tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quốc phòng, an ninh… đều không ngừng phát triển, làm “thay da đổi thịt” mảnh đất vô vàn khó khăn, gian khổ của các cuộc chiến tranh. Đó là hiện thực của cuộc sống mà bất kỳ người dân Tây Ninh nào cũng không được quyền phủ nhận.
Kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng vẻ vang của quê hương Tây Ninh “trung dũng kiên cường”, tại Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ý chí, khát vọng vươn lên, tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, vì cả nước và cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặt niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ nối tiếp xứng đáng sự nghiệp của các thế hệ đi trước trong điều kiện mới, tiến quân vào khoa học và công nghệ, vươn tới những đỉnh cao của trí tuệ loài người, nâng tầm văn hoá trong cuộc sống, năng động sáng tạo trong học tập, lao động, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và các hoạt động văn hoá, xã hội, trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quốc phòng.
An Khang
(theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)