Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên
Từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, của các thế lực thù địch.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, internet và các nền tảng mạng xã hội; các thế lực thù địch có hệ thống, tổ chức vô cùng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm, sử dụng các chiêu thức, thủ đoạn mới để thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, nhất là trên môi trường mạng xã hội hiện nay. Chúng chống phá liên tục trên mọi mặt, lĩnh vực, không chỉ thuần tuý là vấn đề lý luận mà bao gồm tất cả những vấn đề thực tế mới phát sinh.
Xuyên tạc, phủ định chủ trương, chính sách vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng trên không gian mạng của những phần tử chống đối đòi xoá bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động cán bộ, đảng viên và nhân dân “Tự diễn biến, tự chuyển hoá”, từ đó mưu tính lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.
Thực tế 93 năm qua, kể từ ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đến nay, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ bản chất “chống cộng” và đang tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta, mà mũi nhọn là tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng. Vì vậy, đẩy mạnh đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, đảng viên cần nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó có giải pháp phòng, chống hiệu quả. Theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình bền vững, ổn định để phát triển đất nước.
Cùng hướng tới mục tiêu là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; làm thất bại mọi diễn biến, âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới; góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá.
Tăng cường đấu tranh trên mạng xã hội
Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh uỷ, Thị uỷ Trảng Bàng xây dựng kế hoạch và ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo, tổ thư ký, nhóm cộng tác viên, thành lập các trang, nhóm Facebook phục vụ đấu tranh, phản bác qua mạng xã hội, triển khai nhiệm vụ đấu tranh, phản bác... Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội, nhất là Facebook, Zalo cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức sinh động. Trong đó, chú trọng tuyên truyền Luật An ninh mạng; An toàn thông tin mạng và các quy tắc ứng xử văn minh trên môi trường mạng xã hội.
Tập huấn định kỳ và đột xuất cho cán bộ tuyên giáo, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, nhất là lực lượng trực tiếp tham gia Ban Chỉ đạo 35 các cấp; các thành viên tham gia quản trị, biên tập tin, bài của các trang, nhóm trên Facebook, Zalo…; cập nhật tình hình mới về các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng và nâng cao kỹ năng, trình độ quản trị.
Thường xuyên cung cấp bài viết, tài liệu chính thống và thông tin mang tính định hướng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân qua kênh báo cáo viên, tuyên truyền miệng, báo chí, truyền thông, sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội, tăng tính “thường thức”, gần gũi, dễ tiếp cận với đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để tăng tính tương tác, khắc phục tình trạng “chủ yếu nội bộ đảng viên”, hoặc “lực lượng chuyên trách” tương tác với nhau và hướng đến các đối tượng cần được tiếp cận.
Khi xuất hiện các vụ việc, sự kiện “nóng, nhạy cảm” cần tích cực, khẩn trương, chỉ đạo thống nhất, đồng loạt công tác đấu tranh phản bác trên mạng xã hội và trên các công cụ truyền thông.
Kịp thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ giỏi, có năng lực tham gia viết bài đấu tranh, phản bác có hiệu quả cao trên mạng xã hội. Hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về mạng xã hội phù hợp với văn hoá, luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Đình Nhung
(Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh thị xã Trảng bàng)