Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sự thống nhất của dòng sông xuyên biên giới, cũng như sự đa dạng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước, đòi hỏi cần có cơ chế hợp tác giữa các quốc gia - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Đây là chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh yêu cầu cấp bách về tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, các lưu vực sông.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết 60% lượng nước của Việt Nam được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới. Việt Nam cũng tham gia mô hình hợp tác Uỷ hội sông Mekong, được nhiều quốc gia quan tâm. Trên phạm vi thế giới hiện có hơn 40% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các lưu vực sông, hồ xuyên biên giới.
Phó Thủ tướng đã trao đổi với các diễn giả về việc xây dựng khuôn khổ pháp lý gắn với thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Nhu cầu và quan niệm hiện nay coi các dòng sông xuyên biên giới là thực thể thống nhất từ thượng nguồn đến hạ nguồn, bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học. Mỗi lưu vực sông có đặc trưng văn hoá riêng, có tính thống nhất liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, sinh kế của người dân.
Theo Phó Thủ tướng, các lưu vực sông đều có chức năng rất quan trọng về môi trường, phát triển năng lượng, nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, giải trí…
Mỗi lưu vực sông xuyên biên giới cần được nhìn nhận đầy đủ để có cơ chế quản lý tổng hợp. Cùng với đó, sự thống nhất các dòng sông xuyên biên giới, cũng như sự đa dạng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước, đòi hỏi cần có cơ chế hợp tác giữa các quốc gia.
"Nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do vậy, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới, phải có sự kết nối", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phiên đối thoại cấp cao Hợp tác về nước thu hút rất đông sự tham gia của các trưởng đoàn của nhiều quốc gia có các dòng sông xuyên biên giới chảy qua - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng đã chia sẻ một số giải pháp tiếp cận tổng thể, tổng hợp, công bằng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước.
Trước hết, các quốc gia cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chung để quản lý toàn diện, tổng hợp lưu vực sông xuyên biên giới trong tính đa dạng và thống nhất. Từ đó, các quốc gia cùng nhau bảo đảm việc khai thác, sử dụng nước bền vững; chia sẻ các lợi ích từ nước; trao đổi, thảo luận, tham vấn lẫn nhau khi đưa ra những dự án phát triển trên cơ sở đánh giá tác động, môi trường, dòng chảy, lưu vực sông.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng đề cập đến tính cấp thiết phải hình thành hệ thống quan trắc trực tiếp, ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại để đặt ra các bài toán, dự báo về các dòng sông.
"Quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích sử dụng, phân bổ nguồn nước; giải quyết tình trạng thừa nước, thiếu nước, bảo đảm dòng chảy và bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học", Phó Thủ tướng nói
Phân tích về tính phức tạp của các dòng sông xuyên biên giới, Phó Thủ tướng cho rằng cần có các dự án đầu tư, điều tra, đánh giá đầy đủ, đồng thời đưa ra quy hoạch quản lý tổng hợp. Trong đó có quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn các giá trị văn hoá mà dòng sông tạo nên.
Nhấn mạnh sinh kế của người dân luôn gắn với các dòng sông, Phó Thủ tướng cho rằng trong mọi quá trình quản lý phải dựa vào người dân để đưa ra quyết định.
Phó Thủ tướng đề nghị hình thành nên các cơ quan, tổ chức của Liên Hợp Quốc để điều phối, hỗ trợ khoa học, công nghệ, cơ chế tài chính liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các quốc gia có dòng sông xuyên biên giới chảy qua.
Bên cạnh đó, quản lý nguồn nước phải gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; xây dựng khuôn khổ pháp lý đi cùng với thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước.
Nguồn baochinhphu