Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn 

Thứ hai - 27/12/2021 04:45
BTN - Năm 2021, bên cạnh rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, việc kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đã góp phần cải thiện rõ nét chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cắt giảm và đơn giản hoá thủ tục hành chính

Tính đến nay, 1.822 TTHC cung cấp mức độ 3, 4 của tỉnh đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia, trong đó có 1.818 TTHC mức độ 4 và có 1.077 TTHC đã tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến. 

Người dân đăng ký dịch vụ bưu chính công ích của Bưu điện để nhận kết quả giải quyết TTHC tại nhà.

Để đẩy mạnh số hoá và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, trong năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các TTHC. Kết quả, 311 TTHC (trong đó cấp tỉnh 233 thủ tục, cấp huyện 69 thủ tục và cấp xã 9 thủ tục) của tỉnh khó scan vì khổ giấy khác nhau, khó tháo rời thành phần hồ sơ theo cuốn để scan, khối lượng thành phần hồ sơ phải số hoá lớn, đường truyền mạng yếu, thành phần hồ sơ số hoá quá cũ, nát… Tất cả những khó khăn, vướng mắc này đã được Sở Thông tin và Truyền thông xử lý dứt điểm, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện TTHC.

Từ cuối năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát quy định, TTHC, nhóm TTHC liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau đang gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân- nhất là các lĩnh vực công thương, kế hoạch và đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, giao thông… để kiến nghị các phương án đơn giản hoá TTHC, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng và công bố quy trình nội bộ, quy trình điện tử và danh mục TTHC tại 3 cấp chính quyền theo quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC. Kết quả, đến ngày 10.12.2021, UBND tỉnh đã thông qua quyết định đơn giản hoá TTHC của 13/13 ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các TTHC không phát sinh hồ sơ, UBND tỉnh báo cáo Văn phòng Chính phủ 562 TTHC trên địa bàn tỉnh liên tiếp 3 năm gần nhất không phát sinh hồ sơ trên thực tế. Kết quả rà soát này là một trong những cơ sở thực tiễn quan trọng để địa phương kiến nghị với các bộ, ngành trung ương xem xét lại các thủ tục này, nếu không thực sự cần thiết có thể loại bỏ khỏi danh mục Bộ TTHC của địa phương, không công bố dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, không tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các TTHC này nhằm giảm chi phí vận hành, nâng cấp thiết bị hệ thống đối với cổng dịch vụ công về TTHC.

Để triển khai xây dựng Đề án “Phân cấp trong giải quyết TTHC”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh thực hiện rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ; cấp tỉnh, cấp huyện và đề xuất phân cấp ít nhất 20% TTHC, hoàn thành công việc này trước ngày 15.11. Theo đó, tổng số TTHC tỉnh Tây Ninh phải đưa vào rà soát thực tế 2.491 thủ tục. Đến 30.10.2021, toàn bộ các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổng hợp xong các phương án đề xuất phân cấp TTHC của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Nhiều cơ quan, đơn vị địa phương đã đề xuất vượt chỉ tiêu tối thiểu 20% mà Thủ tướng Chính phủ giao, điển hình như thành phố Tây Ninh, huyện Bến Cầu, thị xã Trảng Bàng, các Sở: Xây dựng, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương... Tổng hợp chung toàn tỉnh kiến nghị phân cấp được 632 TTHC/2.491 TTHC tương ứng với tỷ lệ là 25,37% (vượt 5,37% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao) và hoàn thành trước thời hạn.

Tỷ lệ hồ sơ đúng hạn và trước hạn đạt 96,34%

Năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tất cả các hoạt động đời sống, KT-XH, trong đó có giao dịch hành chính trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của bộ phận Một cửa các cấp đều phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn cho công chức, viên chức, người lao động cũng như cho người dân, doanh nghiệp khi đến liên hệ nộp hồ sơ giải quyết TTHC.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các địa phương đều tăng cường tuyên truyền, khuyến khích cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC tỉnh hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nộp hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, hạn chế việc đi lại, giao dịch trực tiếp. Mặt khác, đối với các cá nhân, tổ chức khi đến nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận Một cửa đều phải thực hiện nghiêm biện pháp 5K “khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế” và quét mã QR điểm đến.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, lãnh đạo Trung tâm cho biết, trung bình mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận gần 1.000 lượt người đến nộp hồ sơ, yêu cầu giải quyết TTHC. Tất cả các TTHC đưa vào Trung tâm hiện nay đều được xây dựng trên hệ thống phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh, 100% hồ sơ, TTHC được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý và trả kết quả.

Trung tâm phối hợp Bưu điện tỉnh qua dịch vụ bưu chính công ích trong việc thu hộ phí, lệ phí, nộp thuế. Thời gian qua, thực hiện thí điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, môi trường của thành phố Tây Ninh về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mang lại hiệu quả tích cực. Riêng trong năm 2021, chỉ có 1 hồ sơ giải quyết trễ hẹn.

Thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.863 TTHC, trong đó, cấp tỉnh là 1.465 thủ tục, cấp huyện 252 thủ tục và cấp xã 146 thủ tục. Toàn bộ các TTHC của tỉnh đều do trung ương quy định, tỉnh chỉ thực hiện TTHC cho cá nhân, tổ chức, không quy định thêm TTHC và toàn bộ TTHC đều được cập nhật, công bố công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nét nổi bật khác trong hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là thực hiện “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) đối với thủ tục đăng ký thế chấp và xoá đăng ký thế chấp; đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cập nhật căn cước công dân trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… đã góp phần cắt giảm chi phí, thời gian chờ đợi, giải quyết nhanh chóng, kịp thời TTHC cho cá nhân, tổ chức theo yêu cầu. Trong năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết thực hiện “4 tại chỗ” cho cá nhân, tổ chức với tổng số 8.515 hồ sơ.

Thực hiện quy trình liên thông trong giải quyết TTHC giữa ngành Thuế, Tài nguyên và Môi trường trong khâu tính thuế, xác định nghĩa vụ tài chính và triển khai thanh toán trực tuyến trên cổng DVC quốc gia, cổng DVC tỉnh xác định nghĩa vụ tài chính đất đai tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hơn. Đến ngày 5.12.2021, Tây Ninh đã thực hiện được 2.379 giao dịch với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Anh (phường 1, thành phố Tây Ninh) cho biết, quy trình liên thông mới này giúp ông không phải mất thời gian đi lại nhiều lần giữa các cơ quan Thuế, Tài nguyên và Môi trường khi làm thủ tục về đất đai như trước đây, chỉ cần đến một địa điểm duy nhất là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để nộp hồ sơ, nhận thông báo thuế, nộp phí, lệ phí và nhận kết quả.

Người dân rửa tay sát khuẩn trước khi làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Bên cạnh đó, bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đều đi vào hoạt động ổn định, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn giảm đáng kể. Từ 15.12.2020 đến 14.12.2021, bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 214.184 hồ sơ; số hồ sơ phải giải quyết trong kỳ là 213.677 hồ sơ.

Trong đó, 205.860 hồ sơ được giải quyết trước hạn (chiếm 96,34%), 3.833 hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm 1,79%), số còn lại là hồ sơ đang trong hạn giải quyết. Qua khảo sát, đa số người dân, doanh nghiệp đánh giá hài lòng với thái độ phục vụ của công chức, cho thấy những chuyển biến tích cực trong hoạt động giao dịch hành chính trên địa bàn tỉnh.

Phương Thuý

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp