Sáng 5/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đi kiểm tra hoạt động một số cơ sở phòng, chống dịch tại Bình Phước.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường xác định địa phương chống dịch không chỉ dừng lại ở “một trận đánh” mà là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài nên không được có tâm lý mất cảnh giác, chủ quan, lơ là trong chống dịch.
Ông cho biết sắp tới tỉnh tập trung kiểm soát lây nhiễm từ bên ngoài, thu hẹp lây nhiễm trong cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.
Lập vành đai an toàn quanh khu vực nguy cơ cao
Qua phân tích tình hình dịch bệnh tại Bình Phước và các địa phương lân cận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy (Tổ trưởng Tổ thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo) góp ý tỉnh nên xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người dân thuộc nhóm nguy cơ, tránh xét nghiệm dàn hàng ngang, gây lãng phí.
Nếu phát hiện nhiều ca rải rác ở các nơi khác nhau, lập tức toàn tỉnh chuyển sang nguy cơ cao, có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bình Phước luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn, không để bị động, bất ngờ, lúng túng. Ảnh: VGP.
Đề cập đến việc Thủ tướng yêu cầu 19 tỉnh, thành phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc này nhằm thực hiện đồng loạt các giải pháp để thiết lập vành đai an toàn vững chắc (bao gồm cả Bình Phước, các tỉnh phía nam sông Hậu) xung quanh TP.HCM và một phần của Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Phó thủ tướng lưu ý địa phương luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn, không để bị động, bất ngờ, lúng túng.
Trong những ngày còn lại thực hiện theo Chỉ thị 16, ông yêu cầu Bình Phước dập dứt điểm các ổ dịch còn lại. Khi đã kiểm soát tình hình, tỉnh có thể nới lỏng cục bộ một số biện pháp giãn cách xã hội, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, nhưng trên hết phải bảo đảm an toàn.
“Bình Phước đã là vùng xanh, vùng an toàn vững chắc, nên phải quản lý rất chặt người từ nơi khác đến hoặc đi qua tỉnh”, Phó thủ tướng quán triệt.
Đối với các khu thu dung, quản lý F0 không triệu chứng, ông yêu cầu ngành y tế tỉnh phải mạnh dạn, sáng tạo, trách nhiệm, tiếp tục cải tiến các quy trình dựa trên hướng dẫn chung của Bộ Y tế, nhằm mục tiêu chăm lo đầy đủ cho bà con về sức khỏe thể chất và tinh thần để giảm tỷ lệ chuyển thành có triệu chứng, từ đó giảm bớt áp lực điều trị cho các tuyến trên.
Trong vận tải hàng hoá, Phó thủ tướng chỉ đạo tất cả trường hợp đi vào “luồng xanh” nhưng sử dụng giấy tờ giả, vi phạm các quy định phòng, chống dịch phải xử lý nghiêm. Các lực lượng chức năng của Bình Phước không dừng xe vận tải đang lưu thông trong “luồng xanh”, nhưng phải kiểm soát rất chặt chẽ lái xe tại các điểm giao, nhận hàng hóa giống như người từ vùng dịch về.
Gần 97.000 người sẽ được tiêm vaccine mũi 1
Báo cáo trước đó, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, sau khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 6 vừa qua, toàn tỉnh khẩn trương thực hiện các giải pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm.
Đến ngày 5/8, toàn tỉnh ghi nhận 244 ca mắc Covid-19, đang ở mức độ nguy cơ (màu vàng).
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra mô hình “3 tại chỗ” tại một công ty trên địa bàn tỉnh Bình Phương, nơi có hơn 850 công nhân đang làm việc. Ảnh: VGP.
“Toàn tỉnh đang tập trung nguồn lực, tận dụng triệt để thời gian giãn cách xã hội để chặn đứng nguồn lây, kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép”, bà Hiền nhấn mạnh.
Trên địa bàn tỉnh, có 10 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế đang hoạt động với trên 73.000 lao động. Bình Phước đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đến nay, có 167/174 doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại với trên 25.000 lao động.
Cùng với việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong mọi tình huống dịch bệnh, Bình Phước hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch với kinh phí 22 tỷ đồng; đồng thời chuẩn bị phương án hỗ trợ công dân Bình Phước gặp khó khăn đang ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (dự kiến bắt đầu từ ngày 6/8).
Tỉnh cũng đang triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 5 với 5.850 liều và lập kế hoạch tiêm đợt 6 với 33.600 liều. Dự kiến, sau khi hoàn thành 6 đợt tiêm, có gần 97.000 người được tiêm mũi 1 (chiếm gần 14% dân số cần tiêm) và khoảng 13.000 người được tiêm mũi 2.
Khó khăn được lãnh đạo tỉnh chỉ ra là năng lực điều trị của địa phương còn nhiều hạn chế do chỉ có bác sĩ hồi sức cấp cứu tuyến tỉnh, hiện chỉ có 40 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch.
Nguồn Zing