Người dân lấy số thứ tự tự động trên máy đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
SIPAS (Satisfaction Index of Public Administrative Services) là chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (NDTC) đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Từ năm 2015 đến 2020, chỉ số SIPAS của Tây Ninh có xu hướng tốt lên qua từng năm, tuy nhiên, vẫn đang thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước.
Chỉ số SIPAS được thực hiện đối với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công gồm: tiếp nhận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính Nhà nước; thủ tục hành chính (TTHC); công chức trực tiếp giải quyết công việc; kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công; việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.
Năm 2020, chỉ số SIPAS đánh giá 16 nhóm dịch vụ công thuộc 8 nhóm lĩnh vực ở 3 cấp chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố dựa trên kết quả khảo sát gần 36.000 NDTC trên khắp cả nước. Theo báo cáo chỉ số SIPAS năm 2020, 85,48% NDTC hài lòng về việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Trong đó, có một số chỉ tiêu đáng chú ý để các tỉnh, thành trong cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng chú ý khắc phục hạn chế. Cụ thể như hơn 60% NDTC được hỏi cho biết họ tiếp cận thông tin về quy định TTHC, nơi nộp hồ sơ qua công chức cấp xã và mới chỉ có dưới 10% tiếp cận thông tin qua mạng internet, tình trạng này hầu như không thay đổi kể từ năm 2017 đến nay.
Tuy nhiên, hơn 85% NDTC đánh giá hình thức niêm yết công khai, hướng dẫn quy định TTHC trên mạng internet là phù hợp, điều này cho thấy NDTC khá sẵn sàng sử dụng các hình thức trực tuyến để tiếp cận thông tin và thực hiện dịch vụ công.
Đối với nội dung khảo sát về số lần đi lại để thực hiện dịch vụ công, có 85,4% cho biết họ đi lại từ 1-2 lần, 4,41% đi lại 4 lần, 0,72% đi lại từ 5 lần trở lên và 63/63 tỉnh, thành phố đều xảy ra tình trạng NDTC phải đi lại 4-5 lần để thực hiện dịch vụ công.
Đối với việc thực hiện viết giấy hẹn trả kết quả dịch vụ công - nội dung lần đầu tiên được khảo sát năm 2020, có 4,95% không được nhận giấy hẹn và 63/63 tỉnh, thành trên cả nước đều có tình trạng công chức hẹn miệng thay vì viết giấy hẹn theo quy định.
Theo thống kê chỉ số SIPAS trong giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ NDTC hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tăng dần qua mỗi năm, từ 80,9% lên 85,48%; khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước thu hẹp dần.
Đối với Tây Ninh, chỉ số SIPAS của tỉnh nhìn chung được cải thiện tốt kể từ năm 2017 đến 2020, nhưng mức tăng chậm. Năm 2020, chỉ số SIPAS của tỉnh là 83,94%, đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, song vẫn thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước.
Trong 5 yếu tố cơ bản được khảo sát thì có 4 yếu tố được đánh giá tốt gồm: tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính Nhà nước, TTHC, công chức trực tiếp giải quyết công việc và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công.
Riêng “việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị” chỉ đạt 72,09%. Trong khi đó, chỉ số SIPAS là một trong những thành phần quan trọng để xác định kết quả chỉ số cải cách hành chính (chỉ số PAR Index) hằng năm của tỉnh.
Do vậy, để góp phần cải thiện bảng xếp hạng chỉ số PAR Index, tỉnh cần duy trì, làm tốt hơn nữa 4 nhóm yếu tố có kết quả tốt như đánh giá của chỉ số SIPAS năm 2020 và tập trung khắc phục, cải thiện “việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức”.
Thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm 2021, “việc tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức” của tỉnh được quan tâm nâng cao chất lượng. Triển khai hiệu quả các kênh giao tiếp giữa chính quyền với công dân, như “hỏi - đáp” trực tuyến, hệ thống tiếp nhận phản ánh (tổng đài 1022 Tây Ninh), ứng dụng Tây Ninh Smart.
Rất nhiều nhóm vấn đề được người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh được cơ quan chức năng tiếp nhận, giải đáp, cụ thể như tình hình dịch bệnh (người từ vùng dịch về không khai báo y tế, cách ly y tế tại nhà, tiếp nhận và hỗ trợ người mắc Covid-19, hồ sơ trợ cấp đối với lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19) và rất nhiều phản ánh về các vấn đề dân sinh như hạ tầng, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông…
Giao dịch hành chính tại bộ phận Một cửa UBND xã Tân Lập, Tân Biên.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện sống… khiến nhu cầu cung ứng dịch vụ công của NDTC đối với chính quyền địa phương, cơ quan hành chính Nhà nước ngày càng cao hơn.
Kết quả chỉ số SIPAS năm 2020 cũng cho thấy 3 nội dung mà NDTC mong đợi nhất đó là tiếp tục đơn giản hoá TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC và tăng cường nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đây là những căn cứ quan trọng thúc đẩy chính quyền, cơ quan hành chính các cấp của tỉnh nghiên cứu và thực hiện các chương trình cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, hiện đại hoá nền hành chính để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trên tinh thần lấy NDTC làm trung tâm phục vụ.
Phương Thuý