Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), vào một chiều cuối tháng 4, tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Hùng Phong, nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Với nụ cười hiền hậu, ông trải lòng: Tôi chỉ là một cá nhân trong đội ngũ những người lính bước ra từ cuộc chiến tranh, có ý thức tích cực giữ gìn, phát huy bản chất và truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới...
Đại tá Nguyễn Hùng Phong có nhiều cảm xúc mỗi khi nghĩ về ngày 30/4.
Kỷ niệm đời binh nghiệp
Đầu năm 1964, chàng trai Nguyễn Hùng Phong khi ấy mới 24 tuổi, đang là giáo viên cấp 2 với niềm tin phơi phới khi hướng đời đã mở. Mẹ ông bảo: “Con nhập ngũ đợt này. Nếu có cơ hội, sẽ được mang kiến thức và nghiệp vụ giáo viên của mình vào xây dựng quân đội”.
Khi ông đi B (giữa năm 1964), mẹ ông lại dặn: “Con vào trong đó, có điều kiện thì tìm anh” (anh ruột ông Phong tên Nguyễn Anh Cường).
Dừng lại đôi chút, Đại tá Nguyễn Hùng Phong bùi ngùi: “Nhưng anh em tôi không thể gặp nhau vì anh ấy hy sinh năm 1966 tại chiến trường Tây Nguyên. Về sau, tôi quyết tìm hài cốt anh và được bộ đội, nhân dân huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai giúp đỡ tận tình, nhưng khoảnh đất đơn vị anh bị pháo bầy và B52 quần thảo không còn một dấu tích gì”.
Ông Phong nhớ lại, năm 1970, khi đang là Trợ lý Ban chính trị Trung đoàn, đơn vị hành quân tập kết ở nơi ông cùng anh em tiểu đội đã nắm thực địa, xác định vị trí và báo cáo chỉ huy Trung đoàn. Đúng vào lúc anh em vừa mới “chân ướt, chân ráo” tại địa điểm đã định thì bị địch oanh tạc dữ dội. 27 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại chỗ. Ông kể: “Sự vụ, tất nhiên tạo ra mối nghi ngờ của cơ quan hữu trách về thành phần chính trị của tôi”. Cuộc điều tra xác minh “đến đầu đến đũa” về lai lịch và tình hình tư tưởng của ông tại chiến trường, nhất là trong bối cảnh của sự vụ đã chứng minh, trận chiến ấy là ngẫu nhiên...
Anh em trong tiểu đội trinh sát và một số đồng chí vốn biết rõ về ông, sau vụ đó có ý trách tổ chức vì đã nghi ngờ ông làm “gián điệp” cho địch, tổ chức điều tra gây xáo trộn tư tưởng bộ đội trong đơn vị. Tuy nhiên, ông Phong phải nói với anh em, rất nghiêm túc rằng, việc làm rõ sự vụ là rất cần thiết, để giữ nghiêm kỷ luật chiến trường, để không bị sai trái khi kết luận vấn đề và để bảo vệ cán bộ.
Thật vậy, sau đó ông càng được lãnh đạo Trung đoàn tin tưởng, giao những nhiệm vụ với yêu cầu cao hơn và được đi học tại khóa đào tạo chính ủy-chính trị viên tại Học viện Chính trị Bộ quốc phòng.
Kỷ niệm ấy cùng với nhiều sự việc khác đã tạo nên ấn tượng sâu sắc nhất trong đời binh nghiệp của ông. Đó là tình người, biểu hiện qua mối quan hệ đồng chí đồng đội trong sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Hùng Phong (trái) nhận bàn giao mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ từ kỹ thuật viên pháp y. (Ảnh: NVCC)
“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng!”
Đại tá Nguyễn Hùng Phong có 10 năm chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn (từ tháng 8/1964 đến tháng 8/1974). Trung đoàn 98 của ông đã cùng các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong mở đường xe cơ giới và bảo đảm giao thông bằng những dụng cụ thô sơ. Với sự thông minh, sáng tạo và ý chí mãnh liệt “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tại chiến trường ác liệt và gian khổ, sự hy sinh, “sống trước mặt, chết sau lưng” hằng ngày, hằng giờ diễn ra với chiến sĩ ta. Có những nỗi đau trước sự hy sinh mất mát cứ bám riết lấy người chứng kiến tới tận hôm nay và mai sau.
Ông kể, đó là mùa khô năm 1969, quân và dân huyện Tây Giang (Quảng Nam) tham gia cùng bộ đội mở đường Trường Sơn gần vùng A Lưới (Trị Thiên). Địch đánh phá nơi này rất ác liệt. Một đại đội công binh gồm hơn 40 người đã mất tích sau loạt bom tọa độ do máy bay B52 trút xuống. “Dứt tiếng bom, đồng bào đi tìm các anh, chỉ còn nhặt được vài cánh tay và ít dúm tóc!”, ông chợt nghẹn lời.
Một trận khác, đơn vị ông bị trúng pháo bầy của địch. Ông Phong bồi hồi nhớ lại: “27 chiến sĩ hy sinh, hầu hết thi thể không còn nguyên vẹn. Tôi nén đau, cùng mấy anh em lặng lẽ gom từng phần thân thể của các anh rồi chia thành từng phần, ứng với số người hy sinh để chôn cất thành mộ…”.
"Ông từng nghĩ, nếu sống sót qua chiến tranh, ông sẽ mang hài cốt đồng đội về quê hương và thăm nom giúp đỡ người thân của họ. Vì như ông nói: Tôi nghĩ, khó mấy tôi cũng làm. Bởi còn sống trở về, có cơ hội được đi tìm anh em, đồng đội đã là một điều may mắn”.
Người lính già tâm niệm, không ai muốn có chiến tranh! Vì trong nó có chết chóc đau thương. Song “Kẻ thù buộc ta ôm cây súng!”. Cuộc chiến tranh cách mạng mà chúng ta tiến hành là để đánh bại kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh và góp phần bảo vệ hòa bình trên toàn thế giới.
Đối mặt với kẻ thù hung ác, người ra trận để lại tuổi thanh xuân nơi chiến trường hoặc trở về mang theo thương tích là điều không lạ. Nhưng đó là chứng tích của chiến tranh ác liệt, gian khổ mà người chiến sĩ phải chịu đựng vì nghĩa lớn. Nó nhắc nhở chúng ta, có thể gác lại quá khứ hận thù, nhưng không được quên cuộc chiến đấu, không được quên ơn những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.
Các đơn vị của Trung đoàn 98, trong quá trình nâng cấp đường 14 cũng như bảo đảm giao thông ở các khu vực cửa khẩu trên đường 12, đường 15, đường 20, bị địch đánh phá suốt ngày đêm. Có ngày đêm chúng đánh hơn 60 lần, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ, bảo đảm giao thông thông suốt.
Trong những lúc ấy, ông và đồng đội nghĩ nhiều về sự hy sinh, về chiến thắng! Chiến thắng là mục tiêu, là tất yếu nhưng để có nó, không thể không có những mất mát, hy sinh. Người ngã xuống không phải là vô ích, mà là tăng thêm sức mạnh cho người còn sống xông lên, bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng.
Tuy nhiên, ông trải lòng, không phải không có những phút xao lòng với những câu hỏi dù chỉ là thoảng qua. Chẳng hạn, sau chiến thắng huy hoàng, liệu có ai say sưa với nó mà lãng quên người đã hy sinh? Ai sẽ tìm đưa hài cốt liệt sĩ về quê để an ủi cha mẹ và người thân của họ?
Và đan xen vào những suy nghĩ như thế là sự khẳng định: Dân tộc Việt Nam anh hùng, yêu độc lập tự do, quý trọng nhân phẩm con người, đề cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”. Sự hy sinh ở chiến trường chống Mỹ cũng sẽ được nhớ đến như đối với anh hùng, liệt sĩ Điện Biên năm xưa. Máu của chúng ta không uổng. Sẽ xanh tươi đồng ruộng quê hương. Sẽ rực rỡ những mùa Xuân đất nước…
Ngay những lúc chiến tranh ác liệt ấy, ông đã từng nghĩ, nếu sống sót qua chiến tranh, ông sẽ mang hài cốt đồng đội về quê hương và thăm nom giúp đỡ người thân của họ. Ông sẽ làm những việc thiết thực, khả dĩ bù đắp phần nào sự mất mát của đồng đội. Và như ông nói: “Tôi nghĩ, khó mấy tôi cũng làm. Bởi còn sống trở về, có cơ hội được đi tìm anh em, đồng đội đã là một điều may mắn”.
Ông Nguyễn Hùng Phong phụ trách tổ công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và kỹ thuật viên pháp y lấy mẫu giám định ADN xác định danh tính cho các liệt sĩ. (Ảnh: NVCC)
"Thêm một liệt sĩ được đưa về quê hương, người sống đỡ day dứt"
Cuộc chiến tranh chống Mỹ với những mất mát đau thương tận cùng, đất nước ta mới hoàn toàn giải phóng, dân tộc ta mới độc lập trọn vẹn. Thắng lợi này là thành quả từ sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, là kết quả của tình yêu nước, tinh thần chiến đấu và ý chí thống nhất đất nước của quân và dân ta. Đó là chiến thắng vĩ đại của lòng yêu nước sâu sắc, của khát khao cháy bỏng về hòa bình, độc lập tự do.
Với người lính già, những hệ lụy của chiến tranh sẽ còn day dứt. Nhất là, trong số những người ngã xuống, có những người hy sinh trong mặt trận thầm lặng, không được ai chứng kiến hoặc biết đến.
Hàng trăm nghìn liệt sĩ đến nay vẫn chưa có tên trên bia mộ. Hàng trăm nghìn gia đình hiện vẫn chưa có tin tức về con em mình. Di hại bởi chất độc da cam là gánh nặng dai dẳng cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất cho các gia đình có người bị nhiễm. Nói điều này, để thấy rõ hơn giá trị của hòa bình và cũng để thấy rõ hơn sự vĩ đại của chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.
"Hiện tại, vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300.000 mộ liệt sĩ chưa biết tên. Điều này ám ảnh tôi từng ngày. Thêm một liệt sĩ được đưa về quê hương là phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát của thân nhân, cũng là để những người sống đỡ day dứt".
Để có được hòa bình, chúng ta phải đánh đổi bằng xương máu. Các thế hệ đi trước đã làm tròn sứ mệnh đối với dân tộc, với đất nước. Nhiệm vụ của thế hệ hôm nay và mai sau là xây dựng một Việt Nam “dân cường nước thịnh”.
Bởi vậy, cần coi trọng giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, để họ thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, tri ân công lao, sự hy sinh, cống hiến của cha ông; để họ thêm yêu đất nước và hiểu rõ hơn nữa giá trị của hòa bình, thấy rõ hơn nữa trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc.
Ông Phong tâm niệm, mình là một cá nhân trong đội ngũ những người lính đi ra từ cuộc chiến tranh, có ý thức tích cực giữ gìn, phát huy bản chất và truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới.
Điều khiến ông trăn trở trong thời bình lại được bắt nguồn từ những suy nghĩ giữa chiến trường ác liệt năm xưa. Đó là, khi đất nước thống nhất, phải làm mọi cách giữ vững và phát huy giá trị của thành quả cách mạng để phát triển đất nước, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”.
Trong hai điều ấy, ông trăn trở nhất vẫn là làm thế nào để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ một cách thiết thực nhất. Với tâm niệm ấy, ngay sau khi rời quân ngũ để nghỉ hưu theo chế độ, ông cùng mấy anh em tham gia thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Mười năm công tác ở Hội, cho tới nay dù đã nghỉ việc, ông chưa khi nào thôi trăn trở về những người lính đã hy sinh cho độc lập của Tổ quốc hôm nay. "Họ nằm xuống lòng đất khi tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ mười tám, đôi mươi", ông xúc động nói.
Hiện tại, vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300.000 mộ liệt sĩ chưa biết tên. "Điều này ám ảnh tôi từng ngày. Thêm một liệt sĩ được đưa về quê hương là phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát của thân nhân, cũng là để những người sống đỡ day dứt", Đại tá Nguyễn Hùng Phong trải lòng.
Ông chia sẻ: "Tôi đề nghị, bất cứ ai, khi nào, ở đâu có chút tín hiệu, chút tin tức liệt sĩ, thì cung cấp ngay cho cơ quan Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Khi có đầy đủ thông tin thì tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ ngay, bất kể địa hình, thời tiết ra sao...
Không hiếm khi, nửa đêm vắt tay lên trán, mừng vì Hội cùng với các bên hợp đồng đã và đang không để gia đình liệt sĩ nào phải trả tiền giám định gene hài cốt liệt sĩ nhưng cũng không khỏi băn khoăn… Hội vẫn không có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, phải vận động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm tài trợ...".
Với bản thân Đại tá Nguyễn Hùng Phong, là nhân chứng chiến tranh, bao nhiêu cái đau đã đau trong người rồi. "Bây giờ còn sức khỏe, còn ngày nào làm được thì vẫn sẵn sàng vì đồng đội, vì người thân của mình. Nhưng khi lớp người như mình không còn, liệu hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa biết tên có tìm được đủ tên? Làm sao để tất cả các ngày trong năm đều là ngày tri ân chứ không chỉ đền ơn đáp nghĩa trong ngày 27/7 hay 30/4", ông trăn trở.
Nhớ lại các cuộc đi tìm mộ liệt sĩ nơi rừng sâu núi thẳm, ông Phong chia sẻ: "Có lúc chúng tôi ngủ tạm ở nhà đồng đội dọc đường, nhà xã đội hoặc nhà dân. Nhiều khi không có giường, không đủ mùng màn, chỉ ăn cơm với canh mướp, cá lẹp kho nhưng không có ai nhắc đến hai chữ vất vả…".
Nguồn baoquocte