Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức- Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản.
Cuối tháng 5 vừa qua, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tổ chức tập huấn cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ viết bài, tuyên truyền thông tin đối ngoại, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh. Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức- Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản là báo cáo viên của chương trình. Bên lề hội nghị tập huấn, phóng viên Báo Tây Ninh có cuộc phỏng vấn nhanh Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức về vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và những kinh nghiệm khi viết về các đề tài xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Phóng viên: Thưa Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới?
Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức- Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản:
Từ khi xuất hiện mạng internet thì hệ sinh thái truyền thông thay đổi rất nhiều, bên cạnh những cái tích cực cũng có nhiều bất cập, hạn chế với rất nhiều thông tin xấu, độc, sai trái, thù địch, thông tin mang tính chất kích động, chống phá, tin giả- đặc biệt là trên không gian mạng. Những thông tin kiểu này luôn được các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tận dụng triệt để ưu thế của môi trường mạng, không gian số, mạng xã hội để truyền bá, xuyên tạc, đưa những thông tin sai trái, sai lệch bản chất với mục đích chính chỉ để bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, chống phá, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Trong mớ thông tin không có sự sàng lọc và không dễ nhận diện như vậy thì vai trò của báo chí chính thống rất quan trọng, mang tính chất định hướng dư luận. Báo chí mang đến những thông tin chính xác, kịp thời, giúp người đọc, công chúng nhận biết đâu là thông tin đúng để tiếp nhận, đâu là thông tin xấu độc cần phải xa rời, cần đấu tranh để có môi trường thông tin trên môi trường mạng an toàn, lành mạnh, mang tính chất xây dựng vì sự phát triển.
Phóng viên: Cách nhận diện những thông tin xấu, độc, sai trái, thù địch, thông tin mang tính chất kích động, chống phá như thế nào, thưa ông?
Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức- Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản:
Nhận diện thông tin trên mạng có nhiều cách khác nhau, trước hết xem nguồn phát có đáng tin cậy hay không, có chính thống hay không. Thứ hai, khi đọc cố gắng chú ý nội dung câu chuyện và chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao thông tin này lại xuất hiện ở thời điểm này, một thông tin cấp bách, tác động đến đông đảo công chúng, đời sống xã hội như vậy mà tại sao cơ quan chức năng hay cơ quan báo chí chính thống lại chưa có ý kiến, chưa lên tiếng? Những cái gì mới, gây sốc, tác động nhiều người thì chúng ta cần thận trọng trong tiếp cận thông tin.
Đối với việc nhận diện, sàng lọc thông tin thì theo tôi cần có quá trình thẩm định. Chúng ta cần tìm hiểu nguồn thông tin đó từ đâu? Ai phát tin? Thông tin đưa ra vào thời điểm này có hợp lý hay không? Và từ sự hiểu biết của mình cũng như từ các công cụ tìm kiếm, tra cứu trên mạng internet, chúng ta có thể tra cứu, tìm hiểu kỹ về nguồn phát, tính chất, nội dung thông tin, thời điểm phát tin để nhận biết đó có phải là thông tin đáng tin cậy hay không.
Phóng viên: Để phát huy vai trò của báo chí trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, theo ông, báo chí cần phải làm tốt những việc gì?
Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức- Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản:
Báo chí có nhiều nhiệm vụ phải làm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thứ nhất là tăng cường những bài viết, thông tin chính thống, tích cực, tốt đẹp trong đời sống xã hội; thông tin bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thông tin về những quan điểm, chính sách, thành tựu của đất nước đã đạt được cả ở trong nước cũng như trường thế giới.
Thứ hai là tuyên truyền qua hệ thống các bài viết một cách bài bản, có lớp lang, có chiến dịch về những vấn đề mà người dân, xã hội đang quan tâm; những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ở từng thời điểm, giai đoạn khác nhau trước những sự kiện lớn của đất nước, dân tộc. Từ đó hình thành những thông tin có hệ thống, chiều sâu, thông tin đúng bản chất, lan toả và gần gũi, dễ tiếp cận công chúng, để mọi người có thể đọc, nghe, xem, hiểu, tin và làm theo.
Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức- Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản trả lời phỏng vấn.
Phóng viên: Là một nhà báo đã có nhiều bài, loạt bài chuyên sâu về lĩnh vực xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm của mình khi triển khai các đề tài này?
Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức- Uỷ viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản:
Thật ra, chúng ta thường cho rằng viết về xây dựng Đảng là “khô, khó”. Tuy nhiên, viết về tổ chức, con người có nhiều góc độ tiếp cận, khai thác thông tin, nội dung, hình thức, chiều sâu nhân văn, bày tỏ quan điểm, thái độ, cảm xúc của tác giả trong bài báo thông qua việc sử dụng ngôn ngữ giúp những bài viết về đề tài này không hề “khó, khô”.
Để có những bài viết hay, trước hết là phải tìm được đề tài hay, độc đáo, mới, có sức ảnh hưởng, lan toả; triển khai bài viết không theo lối mòn, không theo mô-típ mà cần có cách tiếp cận, cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề mới mẻ và cố gắng đưa thật nhiều câu chuyện, chi tiết, “hơi thở cuộc sống” vào bài viết để “mềm” hoá.
Khi phát hiện một đề tài hoặc được giao đề tài về xây dựng Đảng, chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng những thông tin cần thiết mà bài báo muốn đề cập. Và bắt buộc phải đọc những bài đã viết về chủ đề, đề tài đó để tránh lặp lại những gì người ta đã viết; cần tập trung những điểm theo hướng đi mới của mình. Kết hợp giữa khâu thu thập tài liệu, lên kịch bản, đề cương để thiết lập hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng sao cho tác phẩm có đầu, có cuối, có điểm mới, có sự phát hiện, có điểm nhấn, sự sáng tạo riêng, không trùng lặp, bắt chước ai cả.
Một lưu ý nhỏ nữa là chú ý kết hợp sử dụng ngôn ngữ, văn phong theo phong cách của người viết thì chúng ta hoàn toàn có thể có những bài xây dựng Đảng tốt, hay, truyền cảm, lan toả và dễ tiếp thu đối với đông đảo công chúng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông !
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nêu rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó, lực lượng Tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQVN và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Phương Thuý thực hiện
(Còn tiếp)