Người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công tỉnh.
Chỉ số chuyển đổi số Tây Ninh xếp thứ 46
Báo cáo DTI năm 2020 được tổng hợp từ 4 nguồn dữ liệu thu thập gồm: Số liệu báo cáo chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2020; số liệu điều tra xã hội của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức; số liệu đánh giá của các chuyên gia về chuyển đổi số, công nghệ thông tin; số liệu đánh giá trên không gian mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông giám sát.
Năm 2020, Bộ TT&TT đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh (108 chỉ số thành phần, 306 tiêu chí); thứ bậc xếp hạng DTI của các địa phương dưới mức trung bình, Tây Ninh vị trí số 46, trong đó, điểm số của 3 trụ cột chính như sau: chính quyền số xếp hạng 32, kinh tế số xếp hạng 57, xã hội số xếp hạng 53.
Theo Sở TT&TT, năm 2020 là năm “Nhận thức” về chuyển đổi số, năm 2021 là năm đánh giá hiệu quả, bằng những “Hành động” cụ thể trong công tác chuyển đổi số của tỉnh. Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo sửa đổi bộ Chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh (dự kiến cuối tháng 11 gửi bộ, ngành và địa phương xin ý kiến, đây là bộ chỉ số ổn định 3 -5 năm tới). Do đó, kết quả đánh giá năm 2020 chỉ mang tính tham khảo do cách tính còn đang hoàn thiện và số liệu tính còn thiếu nhiều, nhất là trụ cột kinh tế số và xã hội số.
Tuy nhiên, kết quả đánh giá DTI năm 2020 cho thấy, việc xây dựng chính quyền số được kế thừa kết quả thực hiện xây dựng chính quyền điện tử trong giai đoạn 2011 – 2020 nên cơ bản tỉnh Tây Ninh đã có nền tảng và vào nhóm 2/4 nhóm các tỉnh/thành. Về kinh tế số và xã hội số, Tây Ninh hầu như đang trắng, chưa có nền tảng nên xếp vào nhóm 4/4 các tỉnh/thành.
Cái yếu nhất trong cả 3 trụ cột của chuyển đổi số là việc số hoá các hoạt động của chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cơ sở dữ liệu các ngành hầu như chưa có nên việc kết nối, chia sẻ, mở cho người dân và doanh nghiệp không nhiều.
Nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Tân Châu thao tác trên phần mềm quản lý đất đai VNPT iLIS.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để cải thiện chỉ số DTI giai đoạn 2021 – 2025, đối với chính quyền số, Sở TT&TT sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ, kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chủ trì xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh của tỉnh; sớm tham mưu chọn, công bố ngày và tổ chức ngày “Chuyển đổi số” hàng năm của địa phương trong tháng 12.2021.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ nhanh chóng hoàn thiện việc nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh theo mô hình điện toán đám mây; hoàn thiện và đưa vào sử dụng có hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh, hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng; Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến, di động vào các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Hoàn thiện hệ thống báo cáo liên thông với hệ thống của Chính phủ và việc nâng cấp, chuẩn hoá hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công của tỉnh.
Sở cũng đề xuất giải pháp nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh, bổ sung các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, tăng tỷ lệ truy cập và tham gia của người dân trên Cổng thông tin điện tử; tích hợp thông tin của Cổng thông tin điện tử của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND trên một cổng chung để người dân tiện truy cập và tham gia tương tác.
Đối với các sở, ngành và các địa phương, cần sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi số. Người đứng đầu phải chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực mình phụ trách; trực tiếp chủ trì xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực giai đoạn 5 năm và hằng năm; đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành để tích hợp, chia sẻ với các cơ quan ở Trung ương, các cơ quan ở địa phương và đặc biệt là tham mưu UBND tỉnh mở dữ liệu ngành cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác, chia sẻ và cập nhật.
Các địa phương như TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và Trảng Bàng nhanh chóng nghiên cứu xây dựng và triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh ở địa phương. Các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền và thực hiện để tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến, tăng tỷ lệ trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu chính công ích.
Đối với trụ cột kinh tế số, trong thời gian tới, về nhiệm vụ, giải pháp, cần tổ chức nhân sự và mạng lưới doanh nghiệp kinh tế số; bố trí ngân sách cho phát triển kinh tế số. Xây dựng, số hóa các hạng mục dữ liệu, nâng cao mức độ thuận tiện, hiệu quả của dữ liệu do cơ quan nhà nước cung cấp; xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án phát triển doanh nghiệp công nghệ số; ban hành các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử.
Mặt khác, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh ưu tiên chuyển đổi số như y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, nông nghiệp… Triển khai các giải pháp an toàn, an ninh mạng hỗ trợ cho các doanh nghiệp; xây dựng giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và kinh doanh số; đào tạo kỹ năng về kinh tế số cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống giám sát an ninh giao thông.
Để phát triển xã hội số, Sở TT&TT kiến nghị, cần xây dựng và triển khai các văn bản định hướng về phát triển xã hội số ở tỉnh và từng địa phương; bố trí ngân sách cho phát triển xã hội số; hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kiến thức về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; kiến thức về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; xây dựng giải pháp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và kinh doanh số; đào tạo kỹ năng về kinh tế số cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Giang Hà