Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Lại chuyện quà tết

Thứ hai - 30/12/2024 07:14
Không có người nhận sẽ không có người biếu, không ai mua thì người bán cũng sẽ tự động giải tán.

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không có người nhận sẽ không có người biếu, không ai mua thì người bán cũng sẽ tự động giải tán.

Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 11.12.2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 có rất nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là nội dung: “Không tổ chức thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc tết cấp uỷ, chính quyền các địa phương; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức”.

Chuyện xưa chép rằng, cụ Bùi Bằng Đoàn- Trưởng Ban Thường trực (tức Chủ tịch Quốc hội) Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khi còn làm Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn đã cho treo tấm biển giữa công đường với dòng chữ: “Không nhận quà biếu”. Trong bối cảnh hiện nay, ta có thể học được gì từ những tấm gương cao khiết ấy của người xưa, “của ta nay”. Xét đến cùng, khi mà chuyện biếu xén diễn ra muôn hình vạn trạng và khó kiểm soát như hiện nay thì lại rất cần sự gương mẫu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vậy thì, ngay chính các cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, các tỉnh, thành uỷ, các bộ, ban, ngành hãy làm gương trước, hãy tuyên bố chấp hành triệt để chỉ thị của Ban Bí thư rằng sẽ không tiếp bất cứ đoàn nào ra Trung ương biếu tết, không nhận bất cứ món quà biếu tết nào…

Người Việt vốn trọng chữ tình với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” nên tạo dựng nên một nét đẹp văn hoá biết ơn, trong nét đẹp ấy, có nét đẹp tặng quà tết để cảm ơn, để tỏ lòng tri ân, kính trọng những người đã giúp đỡ trong suốt một năm. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, nét đẹp văn hoá này đã biến tướng trở nên xấu xí. Bây giờ, người ta biếu quà cho nhau nhiều khi cũng không hẳn là quý mến, nếu không muốn nói là nhiều khi còn vì mục đích khác đằng sau món quà. Người ta không còn biếu nhau những món quà quê dân dã, những món quà nhỏ xinh xinh mang nhiều ý nghĩa trong các dịp lễ tết mà lợi dụng mọi lúc mọi nơi mang danh biếu quà nhưng thực chất là hối lộ. Người ta có thể biếu nhau từ những chiếc bánh trung thu bên trong chứa cả chục cây vàng đến biếu tặng từng vali tiền, không phải tiền Việt mà là đô-la… Người ta lợi dụng các dịp lễ tết để biếu quà nhưng thực chất là để hối lộ lẫn nhau. Kiểu biếu tặng xấu xí này đã được định danh là “biếu xén”, bởi vì đi “biếu” thì phải “xén”, vấn đề là “xén” ở đâu? Đa phần, khi đã “đi đêm” kiểu biếu xén thì thường lấy tiền của tập thể, của cơ quan để tạo mối quan hệ cá nhân cho một vài người có quyền thế. Đây là điều chua xót mà người xưa đã đúc kết: “Bòn nơi khố rách, đãi nơi quần hồng”. Kiểu biếu xén này nhìn cả nhiều phía đều là xấu xí và không nhân văn. Không những vậy, hầu như các quy định của Nhà nước hiện nay đều không có quy định về việc này nên khi biếu xén rồi, người ta phải tìm đủ mọi cách để hợp lý hoá hồ sơ. Biết bao điều gian dối lại tiếp tục được sinh ra từ những “dối gian” ấy. Tất nhiên, không phải ai tặng quà cũng vì ý đồ xấu cả. Rất nhiều doanh nghiệp hằng năm thưởng tết cho nhân viên của mình, trong đó có những nhân viên xuất sắc lên tới hàng tỷ đồng, đó cũng là biếu nhưng là kiểu biếu tri ân công lao đóng góp của những nhân viên thật sự xuất sắc. Tất cả những vụ việc biếu tặng “đình đám” này đều được công luận hoan nghênh. Người ta chỉ lên án kiểu biếu xén được biến tướng một cách loằng ngoằng kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” (lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) để tạo thành những chuỗi cộng sinh lẫn nhau, cùng hô biến tài sản của đất nước, của nhân dân thành tài sản của cá nhân, của “nhóm lợi ích”.

Không phải ai cũng có điều kiện để biếu những món quà đắt giá. Thế nhưng, có một điều không thể chối cãi là nhiều người nếu không biếu cấp trên thì cảm thấy bất an bởi thiên hạ đều như vậy cả, sợ mình lạc loài. Cũng không phải tất cả quan chức đều cổ xuý và khuyến khích cho việc biếu xén này. Trong rất nhiều cuộc có thể chỉ là chuyện đã rồi nên cũng đành tặc lưỡi cho qua và không kể có trường hợp nhắm mắt cho qua. Vấn đề là ai biếu và biếu ai? Quan ông không nhận nhưng quan bà nhận thì sao. Sách Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam từng viết câu chuyện về một vị quan thanh liêm nọ suốt đời không nhận quà biếu của ai, nhưng những kẻ ranh mãnh đã tiếp cận quan bà. Thế rồi khi quan lớn đi làm về và đang đói bụng, thấy mâm cơm ngon dọn lên, ngài không hề nghi ngờ và ngồi ăn cho kỳ hết. Gần hết bữa, ông mới hỏi bà đồ ăn ở đâu ngon quá, quan bà thành thật khai báo của người A, người B tặng và muốn nhờ quan lớn một việc. Nghe vợ nói đến đây, vị quan thanh liêm nọ đã móc họng ói ra cho bằng hết. Bây giờ, đâu phải quan bà nào cũng có phẩm chất thành thật như phu nhân quan lớn trên mà nhiều quan bà còn chủ động gợi ý, thông đồng với cả người biếu quà để tác động với chồng mọi lúc, mọi nơi, thậm chí từ trong giường ngủ. Cũng khó mà mong mỏi các quan đều thanh liêm chính trực như vị quan lớn trên, vừa nghe ăn phải của phi nghĩa đã móc họng, đúng nghĩa đen - nôn ra cho bằng hết.

Đã từ rất lâu, Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) tổ chức hẳn đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh việc này nhưng hầu như cũng chả phát hiện và xử lý được bao nhiêu vụ. Xét đến cùng, người đi biếu và người nhận quà biếu chả dại gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Bây giờ, khi công cuộc chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm thì những việc như thế này đã được diễn ra một cách tinh vi hơn. Chả ai dại gì đậu xe hàng dài trước cửa cấp trên mà nhiều khi các hoạt động sôi động này đã được rút vào “hoạt động bí mật” theo kiểu “áo gấm đi đêm”. Bây giờ, các dự án người ta “cưa đứt, đục suốt”, nếu có biếu tặng cho nhau thì lại tạo ra một “vòng tròn ma quái”, tạo ra những “liên minh ma quỷ” mà tài sản của đất nước, của nhân dân đã được hô biến để chạy vào túi một số quan tham theo kiểu biếu xén.

Không có người nhận sẽ không có người biếu, không ai mua thì người bán cũng sẽ tự động giải tán. Xin đừng để cứ mỗi năm tết đến xuân về Ban Bí thư lại phải ban hành mệnh lệnh nhắc nhở chuyện này, bởi đất nước còn muôn vàn những việc khẩn thiết hơn.

“… Tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; không tổ chức thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không tham gia các hoạt động mê tín; cán bộ lãnh đạo các cấp chỉ được dự lễ chùa, lễ hội khi được phân công (trừ việc tham gia với danh nghĩa cá nhân); không sử dụng ngân sách Nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi... Thực hiện nghiêm quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và những điều đảng viên không được làm, nhất là quy định về không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia”.

Trích Công văn số 1299-CV/TU, ngày 19.12.2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Vũ Trung Kiên

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp