Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Ký ức của những người chiến sĩ năm xưa - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 28/04/2023 18:28
BTN - Sau ngày đất nước hoà bình, thống nhất, những chiến sĩ đi qua bao cuộc chiến trở về với cuộc sống ruộng vườn.

Ông Xạ với Bằng công nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhì .

Ông Nguyễn Văn Xạ: Người con của vùng đất mũi Cà Mau

48 năm trôi qua kể từ ngày Bắc Nam sum họp một nhà, nhưng nhắc đến những ngày máu lửa ấy, ông Nguyễn Văn Xạ, 75 tuổi, như sống lại thời sục sôi tuổi trẻ. Sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, một tỉnh vùng cực Nam Tổ quốc, năm 1963, mới 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Xạ đã theo cha anh tham gia kháng chiến. “Vào cách mạng, tôi được các anh các chú đổi tên thành Nguyễn Ngọc Ẩn. Từ đó đến nay, tôi có 2 tên”- ông Xạ giải thích.

Năm 1964, ông Xạ bị địch bắt, giam trong khám Chí Hoà (Sài Gòn cũ), sau đó chúng đày ông ra Côn Đảo. Đến khi phái đoàn Hạ nghị viện Hoa Kỳ đến điều tra về việc bỏ tù nhân chính trị ở Côn Đảo, ông mới được trả tự do. Theo lời giới thiệu của bạn tù, ông Xạ đến chùa Ấn Quang tìm gặp cán bộ cách mạng hoạt động bí mật và được đưa về Ban Kinh tài huyện Toà Thánh, đóng quân trong những hang động trên núi Bà Đen.

Đầu năm 1975, Ban Kinh tài sáp nhập quân số vào đơn vị chủ lực, hành quân về khu vực xã Ninh Sơn (cũ, nay là phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh) để chuẩn bị giải phóng thị xã Tây Ninh. Tại cầu Vườn Điều có đồn bót của quân địch. Khi được lệnh tấn công, anh em trong đơn vị đồng loạt nổ súng vào đồn.

Ông Xạ thuật lại: “Lúc đó, tôi ôm cây AK, dựa sát vào gốc dừa. Thấy quân địch trong đồn tràn ra, tôi bắn một loạt. Địch rút vô đồn. Ngưng một chút, quân địch lại tràn ra. Hai bên bắn qua bắn lại. Một lúc sau, lính trong đồn giơ cờ trắng đầu hàng”.

Ông Xạ kể tiếp, sau trận đánh, đơn vị của ông tiếp tục hành quân đánh chiếm ngân hàng huyện Toà Thánh. Nhận lệnh như thế, nhưng đơn vị chưa biết ngân hàng ở đâu. Đến sân bóng đá, đơn vị đóng quân chờ thông tin. Sau đó, ông Ba Lan- cán bộ cách mạng ở tỉnh về, đưa đơn vị đến ngân hàng ở gần cửa số 6 chợ Long Hoa (nay là trung tâm thương mại Long Hoa).

Đến nơi, thấy ngân hàng khoá cửa. Anh em qua nhà dân kế bên mượn búa về đập ổ khoá. Bên trong ngân hàng tối om. Lo ngại quân địch phục kích, chỉ huy đơn vị bảo các chiến sĩ kiểm tra cẩn thận. Khi đã xác nhận an toàn, anh em mới tìm cách mở đèn.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Xạ vào công tác ở Phòng Thương nghiệp huyện Hoà Thành (Toà Thánh cũ). Năm 1977, ông giữ chức vụ Trưởng Trạm vật tư tổng hợp của huyện. Đến năm 1992, ông nghỉ hưu. Nhớ chiến trường xưa, nhớ những hang động trên núi Bà Đen, đặc biệt là động Kim Quang- căn cứ kháng chiến của Huyện uỷ Toà Thánh cũ, ông Xạ xin làm nhân viên bảo vệ động Kim Quang.

Thời điểm đó, động Kim Quang chưa có nhà truyền thống. Ông giăng võng ở trong hang động mười mấy năm liền. Hằng ngày, ông Xạ quét dọn hang động, thắp hương cho bàn thờ chiến sĩ và canh gác không để kẻ xấu vào hang động phá hoại.

Những năm gần đây, đôi chân đã yếu, không còn đủ sức đi lại trên sườn núi, cựu chiến binh năm xưa mới xin nghỉ việc, trở về sống an yên bên gia đình ở khu phố 3, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành. Những lúc rảnh rỗi, ông về quê hương Đất Mũi và đi thăm bạn bè đồng đội. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông Xạ đã được phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày; Huy hiệu lực lượng vũ trang, bán vũ trang huyện Toà Thánh. 

Ông Liếu và ông Xạ chụp chung thời kháng chiến.

Ông Nguyễn Minh Liếu: Hơn 10 tuổi theo người cậu tham gia cách mạng

Hầu hết những đồng đội một thời kề vai chiến đấu với ông Nguyễn Văn Xạ đã qua đời vì tuổi cao, sức yếu. Một trong số ít đồng chí của ông còn khoẻ mạnh, minh mẫn là ông Nguyễn Minh Liếu, 73 tuổi, ngụ xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh.

Ông Liếu kể: “Cha mẹ tôi ở phường 1, thị xã Tây Ninh (cũ) nhưng có đất làm rẫy gần chân núi. Trong gia đình có 2 người cậu- em ruột của mẹ- tham gia kháng chiến, đóng quân trong những hang động của núi Bà. Hai người cậu thấy tôi lanh lợi, nhiều lần xin cha mẹ cho tôi theo cách mạng.

Lúc đó, tôi mới hơn 10 tuổi, cha mẹ lo sợ con cái ăn chưa no lo chưa tới, nhưng 2 ông cậu thuyết phục mãi, cuối cùng cha mẹ giao tôi cho 2 cậu”. Năm 1967, ông Liếu được đưa về Ban Kinh tài tỉnh, trú đóng ở nước bạn Campuchia.

Tại đây, ông cùng đoàn viên thanh niên của Tỉnh đoàn Tây Ninh tham gia lao động sản xuất bằng cách trồng rau, trồng đậu hoặc vào phum sóc cõng gạo về nuôi quân. Năm 1969, ông được trở về núi Bà Đen. “Lúc đó, tôi theo một cán bộ cách mạng vượt qua "cánh đồng chó ngáp" ở Campuchia, 3 ngày sau mới về tới cầu Trại Bí (huyện Tân Biên ngày nay). Sau đó về Ban Kinh tài với 2 người cậu ruột”- ông Liếu nhớ lại.

Ông Nguyễn Minh Liếu kể về trận đánh giải phóng bót Trường Đức.

Mặc dù đơn vị đóng quân trong hang núi, nhưng ông Liếu và đồng đội thường xuyên đi công tác nhiều nơi trong tỉnh và tham gia nhiều trận đánh lớn. Một trong những trận ông nhớ nhất là trận đánh vào đồn bót nghĩa quân của nguỵ ở ấp Trường Đức (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành ngày nay) đêm 26.4.1975.

“Lúc đó đơn vị chúng tôi cùng với lực lượng bộ đội, du kích Dân Chính Đảng và nhiều ban, ngành khác, từ rừng 16 mẫu (thuộc căn cứ Năm Trại, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành ngày nay) tiến công vào bót. Trận đánh diễn ra ác liệt cả đêm, đến sáng hôm sau mới giải phóng được đồn bót”- ông Liếu kể.

Sau trận đánh, đơn vị tiếp tục hành quân về hướng chợ Long Hoa và tập trung quân ở Báo Quốc từ (phường Long Hoa ngày nay), họp mặt với các cánh quân khác. Sau đó, tổ chức đánh chiếm trụ sở huyện Toà Thánh cũ (tại ngã tư Ao Hồ ngày nay). Cựu chiến binh này nhớ lại: “Khi đến trụ sở huyện Toà Thánh, quân địch đã đầu hàng, không còn kháng cự. Chúng tôi bảo họ cởi bỏ quân phục, giao nộp vũ khí, lập danh sách, sau đó cho về địa phương”.

Vợ chồng ông Liếu thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày giải phóng, ông Liếu trở về địa phương lập gia đình với bà Phan Thị Mái, y tá của cơ quan Binh-địch vận. Hai vợ chồng làm ruộng làm rẫy kiếm sống. Ông Liếu được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Năm nay, ông đã được 38 năm tuổi Đảng.

Vợ chồng ông Liếu đã có nhiều cháu nội, cháu ngoại, cháu cố. Ông lấy cho chúng tôi xem một số tấm ảnh chụp chung với ông Nguyễn Văn Xạ và vài đồng đội khác. Ông tâm sự: “Hằng năm, vào những dịp lễ, tết, vợ chồng tôi đều trở về thăm căn cứ kháng chiến cũ, gặp gỡ bạn bè, ôn lại thời ăn củ mì, củ nần, ôm súng chiến đấu, bảo vệ quê hương”.

Đại Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp