Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông (Ảnh: Minh Dương)
Kỳ họp thứ 4 HÐND tỉnh khoá X vừa qua ghi nhận nhiều kết quả quan trọng: Hoạt động của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đi sâu vào những vấn đề cử tri quan tâm; làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định những giải pháp cơ bản để khắc phục.
Tại kỳ họp, HÐND tỉnh đã xem xét, thông qua 10 nghị quyết chuyên đề, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà còn cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Ðại biểu chất vấn những vấn đề “nóng”
Thời gian qua, cử tri rất quan tâm đến tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và giống cây trồng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người dân, trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có 10 công ty sản xuất phân bón, thuốc BVTV trong tỉnh và 479 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV với trên 2.800 sản phẩm lưu thông (chủ yếu là sản phẩm của công ty sản xuất ngoài tỉnh với khoảng 2.660 sản phẩm).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp thực hiện 2 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng; lấy 103 mẫu (phân bón, thuốc BVTV, hạt giống) kiểm tra chất lượng.
Kết quả, 9/40 cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh và nhãn hàng hoá; về chất lượng mẫu, có 99 mẫu có kết quả, trong đó 24/99 mẫu vi phạm chất lượng, còn 4 mẫu đang chờ kết quả. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính và tham mưu cấp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 22 trường hợp, với tổng số tiền 419.292.500 đồng.
Tại phiên chất vấn, đại biểu HÐND tỉnh đặt vấn đề về giải pháp giải quyết tình trạng phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng kém chất lượng. Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành đã sử dụng tất cả những “công cụ” hiện có, đồng thời có kiến nghị lên Bộ NN&PTNT quan tâm giải quyết tình trạng phân bón, thuốc BVTV và giống cây trồng kém chất lượng, được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ghi nhận, chỉ đạo.
Theo đó, đối với công ty có 1 nhãn hiệu vi phạm, ngành kiểm tra toàn bộ nhãn hiệu và thực hiện kiểm tra liên tục; công bố tên công ty, kể cả các đại lý bán hàng của công ty để người dân biết.
Giải pháp này bước đầu đã phát huy hiệu quả. Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường thông tin qua website của Sở, qua báo, đài để người dân biết đại lý, nhãn hiệu, công ty nào có uy tín, chưa bị xử phạt và các công ty bị xử phạt.
Việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cũng là nội dung mà cử tri, đại biểu HÐND tỉnh rất quan tâm.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đầu năm 2022, tình hình sốt đất gia tăng, đặc biệt là việc phân lô, tách thửa, bán nền tạo cơn sốt đất ảo thời gian qua trên nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Tây Ninh.
Bên cạnh đó, thông tin tỉnh đang xem xét ban hành văn bản mới quy định về tách thửa, hợp thửa theo hướng kiểm soát chặt hơn làm cho các giao dịch về quyền sử dụng đất của người dân tăng nhanh ở các Chi nhánh Văn phòng Ðăng ký cấp huyện, gây nên tình trạng quá tải khi tiếp nhận một khối lượng công việc tăng đột biến.
Ngành cũng đang thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh, do đó, khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ vừa giải quyết hồ sơ, vừa cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, đưa vào phần mềm Một cửa nên 100% hồ sơ phải scan chuyển sang dữ liệu số, tốn thêm thời gian.
Cụ thể, tình hình tiếp nhận và trả kết quả qua phần mềm một cửa hệ thống Văn phòng Ðăng ký đất đai 6 tháng đầu năm 2022 như sau: tổng số hồ sơ tiếp nhận trong kỳ là 134.528 hồ sơ; số hồ sơ đã xử lý 128.747 hồ sơ, trong đó, đúng hạn 124.012 hồ sơ, quá hạn 4.735 hồ sơ. Số hồ sơ chưa giải quyết 5.781 hồ sơ, trong đó, trong hạn 5.093 hồ sơ, quá hạn 688 hồ sơ.
Ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trong quá trình làm thủ tục cấp giấy vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức: tốc độ tăng thủ tục hành chính đột biến theo sự phát triển và sức nóng của thị trường, vượt xa năng lực xử lý của của hệ thống; giải quyết hồ sơ cho dân còn chậm trễ, đặc biệt là khâu trích đo.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin còn mới mẻ, vừa xây dựng cơ sở dữ liệu, vừa áp dụng số hoá theo phần mềm còn nhiều bất cập; thao tác phối hợp ngành Thuế trong thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng còn vướng mắc.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tăng cường nguồn lực cho hệ thống Văn phòng Ðăng ký đất đai, bảo đảm nhu cầu công việc và khả năng cân đối nguồn tài chính tự chủ toàn phần.
Công tác trả kết quả cho người dân bố trí theo trình tự khoa học, thời gian có kết quả liên hệ dân kịp thời đến nhận kết quả, bổ sung thêm nhân viên trả kết quả (theo khối lượng hồ sơ có kết quả cần trả); thường xuyên kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu gây khó khăn hoặc tiếp tay cho người đầu cơ trục lợi từ đất đai.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công nghệ thông tin, từng bước thực hiện hoàn chỉnh thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai mức độ 3, 4 là tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ và thanh toán nghĩa vụ tài chính qua dịch vụ công và bưu chính công ích, phối hợp với bưu điện thực hiện ký kết một số thoả thuận về nhận kết quả qua tin nhắn của bưu điện, kèm theo thư xin lỗi nếu hồ sơ trễ hạn...
Sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống
Tại kỳ họp, HÐND tỉnh đã xem xét, thông qua 10 nghị quyết gồm: Nghị quyết về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống xử lý nước thải đô thị Hoà Thành - giai đoạn 2;
Nghị quyết quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030; Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Ðiều 2 Nghị quyết số 03/2021/NQ-HÐND ngày 1.7.2021 của HÐND tỉnh về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Nghị quyết về việc sửa đổi và bổ sung một số điều Nghị quyết số 09/2020/NQ-HÐND ngày 31.7.2020 về việc quy định nội dung và mức chi chế độ dinh dưỡng, hỗ trợ khuyến khích đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định mức tiền thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên tỉnh Tây Ninh đạt thành tích tại các giải thi đấu thể thao cấp khu vực, miền, cụm và cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025;
Nghị quyết phê duyệt số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên năm 2022; Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về chương trình giám sát của HÐND tỉnh năm 2023.
Ðối với Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống xử lý nước thải đô thị Hoà Thành - giai đoạn 2, đây là dự án nhóm B, với quy mô đầu tư xây dựng gồm: Trạm xử lý nước thải công suất 6.000m3/ngày đêm; xây dựng 2 trạm bơm (trạm bơm số 1 thuộc phường Long Thành Bắc diện tích khoảng 160m2; trạm bơm số 2 thuộc thuộc phường Long Thành Trung diện tích khoảng 425m2); xây dựng hệ thống tuyến ống chính thu gom nước thải dẫn về trạm xử lý và hệ thống thu gom nước thải từ các hộ dân đến các tuyến ống chính.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến gần 350 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 100%; thời gian thực hiện 2023-2026. Về hiệu quả xã hội, có thể nói sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực.
Một cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn thị xã Hoà Thành. Ảnh minh hoạ
Ở lĩnh vực thuỷ lợi, theo ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, những năm qua, Tây Ninh là một trong các tỉnh làm rất tốt về công tác thuỷ lợi, đáp ứng phần lớn nhu cầu của bà con nông dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cử tri phản ánh một số vấn đề, như việc cắt nước chuyển vụ.
Do xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, một phần diện tích đất lúa đã chuyển sang trồng cây ăn trái và rau màu, do đó, nông dân không có nhu cầu chuyển vụ như trước. Ngành Nông nghiệp đã nghiên cứu để sắp xếp lại lịch duy tu, bảo dưỡng theo mức hạn chế cắt nước chuyển vụ để phục vụ cho bà con.
Hay một số tuyến kênh trước đây thiết kế với lưu lượng phù hợp vào thời điểm đó nhưng hiện nay đô thị hoá, công nghiệp hoá, đường giao thông được xây dựng nhiều làm thay đổi dòng chảy, nên một số chỗ trước đây không ngập bây giờ lại bị ngập...
Ngành Nông nghiệp đang làm công tác quy hoạch, điều tra để có những thay đổi phù hợp. Ngoài ra, còn khoảng 30% kênh nội đồng chưa được bê tông hoá, dẫn đến việc cỏ mọc, bờ bị sạt lở, bồi lắng, hay hiện tượng thẩm thấu nước.
Theo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, Nhà nước sẽ chi 70%, người dân chi 30%, phấn đấu trong vòng 5 năm tới, các kênh mương sẽ được bê tông hoá, vừa tiết kiệm nước vừa tăng hiệu quả tưới cho bà con.
Ông Nguyễn Ðình Xuân cho biết: “Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030 được thông qua sẽ đẩy nhanh quá trình duy tu, bảo dưỡng các kênh mương, đặc biệt là các kênh mương nội đồng. Nếu có sự tham gia của người dân, không những vấn đề duy tu bảo dưỡng, sửa chữa kênh mương mà việc quản lý kênh mương thông qua các tổ thuỷ nông cũng được nâng cao”.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo, nhanh chóng cụ thể hoá, triển khai thực hiện các nghị quyết của HÐND tỉnh, bảo đảm kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Thường trực HÐND, các Ban của HÐND, đại biểu HÐND tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết.
Trúc Ly