Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái cùng ông Tô Văn Ri thắp hương tưởng niệm anh linh những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh tại lễ kỷ niệm 77 năm Hội thề Rừng Rong ngày 28.1.2023. Ảnh: Việt Khánh
27 chiến sĩ, một lời thề son sắt
Đã bước vào tuổi 98, ông Tô Văn Ri vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn và nhớ như in về những ngày thực dân Pháp giày xéo quê hương. Cuối năm 1945, thực dân Pháp dùng nhiều xe quân sự, xe tăng thiết giáp từ Sài Gòn lên Tây Ninh, ông Ri cùng nhiều người khác lập phòng tuyến ở Suối Sâu (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng ngày nay) để chặn đánh địch. Nhưng quân địch quá mạnh, tuyến phòng thủ Suối Sâu đã tan rã. Nhiều chiến sĩ cách mạng khác rút vào nhà dân hoặc vào rừng để bảo toàn lực lượng.
Dạo bước trong Khu di tích Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), cựu cán bộ lão thành cách mạng này kể tiếp: “Thời điểm năm 1945, nơi đây là một cánh rừng có diện khoảng 10 ha. Trong rừng có cây cổ thụ, thân lớn đến nỗi nhiều người vòng tay ôm không giáp. Xung quanh cây cổ thụ có nhiều cây rừng nhỏ tạo thành tán dày, rậm rạp, âm u.
Chúng tôi dùng dao rong nhánh cây rừng cho trống trải để có chỗ hội họp, bàn mưu tính kế đánh đuổi thực dân Pháp. Từ đó, mỗi lần họp mặt, chúng tôi thường nói gặp ở chỗ rừng rong. Cứ như thế, nơi đây trở thành địa danh Rừng Rong”.
Theo lời ông Ri, sau khi tái chiếm Tây Ninh, thực dân Pháp xây dựng lại bộ máy tay sai và tăng cường đàn áp dân lành. Trước tình hình đó, anh em chiến sĩ cách mạng sôi sục căm thù, quyết tâm đánh đuổi bọn giặc ngoại xâm. Sau thời gian bàn bạc, chuẩn bị, ngày 1.2.1946 (30 Tết năm Ất Dậu), trước sự chứng kiến của đông đảo bà con nhân dân An Tịnh, 27 chiến sĩ cách mạng tập trung tại Rừng Rong, tuyên bố thành lập Đội tự vệ chiến đấu huyện Trảng Bàng.
Dưới Quốc kỳ trang nghiêm, các chiến sĩ dõng dạc đọc to 5 lời thề: “Độc lập hay là chết! Xin thề/ Chết tự do hơn sống nô lệ! Xin thề/ Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu! Xin thề/ Dù phải hy sinh đời cha thì con cháu tiếp tục chiến đấu! Xin thề/ Ai phản bội, đầu hàng phải bị xử tử! Xin thề!”. Đêm 30 Tết Ất Dậu, nhằm ngày 1.2.1946, nhóm thanh niên yêu nước An Tịnh gồm 27 người, đã tổ chức cắt máu ăn thề, thành lập tổ chức cách mạng Hội thề Rừng Rong, tham gia kháng chiến chống Pháp.
“Lúc tham gia Hội thề, tôi mới 25 tuổi. Đa số thanh niên trong Hội là người dân Trảng Bàng. Số còn lại là những người từ nơi khác, như ông Nguyễn Bá Đằng là cán bộ cách mạng được Trung ương cử từ miền Bắc vào Nam xây dựng lực lượng cách mạng trong dân.
Có người từ Thủ Dầu Một (tỉnh Sông Bé cũ, nay là Bình Dương) sang Tây Ninh làm ăn”- ông Ri nhớ lại. Sau khi tuyên thệ, ông Ri cùng một số chiến sĩ ở lại căn cứ Rừng Rong hoạt động bán công khai, tổ chức đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và làm công tác binh vận.
19 chiến sĩ khác xung phong gia nhập vào Chi đội 12 (thuộc Đại đội 3, Quân khu 7) tham gia chiến đấu. Những cuộc chiến diễn ra hết sức cam go, khốc liệt. Ngay trong trận đầu tiên ở địa danh Cây Sồi (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh ngày nay), đã có 5-6 chiến sĩ của Hội thề Rừng Rong hy sinh.
Hội thề Rừng Rong là một sự kiện tác động lớn đến ý thức cách mạng của nhiều tầng lớp về sau. Kế tục sự nghiệp vẻ vang của thanh niên Rừng Rong, trong phong trào Đồng Khởi năm 1960, Tiểu đoàn 14 được thành lập tại Bời Lời và trở thành đơn vị chủ lực của tỉnh Tây Ninh. Đầu năm 1965, những thế hệ nối tiếp thanh niên Rừng Rong đã đào địa đạo chiến đấu An Thới, biến khu vực này thành cánh cửa thép bảo vệ căn cứ địa tam giác sắt Trảng Bàng - Bến Cát - Củ Chi. Hội thề của thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại rừng rong trở thành biểu tượng của ý chí cách mạng, của khát vọng độc lập tự do.
Ông Tô Văn Ri kể lại sự kiện lịch sử 77 năm trước.
Tiếp nối truyền thống anh hùng
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4.1975, chỉ còn 7 chiến sĩ Hội thề Rừng Rong trở về quê hương, 20 chiến sĩ khác đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chiếc nôi cách mạng Rừng Rong đã góp phần không nhỏ vào danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng, Nhà nước phong tặng nhân dân Trảng Bàng.
Có chiến sĩ của Hội thề Rừng Rong được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Trung tướng Nguyễn Thới Bưng). Trong những năm qua, đã có thêm 6 chiến sĩ của Hội thề Rừng Rong năm xưa, vì tuổi cao, sức yếu đã rời xa cuộc sống; chỉ còn có ông Tô Văn Ri. Gần tròn 100 tuổi đời và đã 76 tuổi Đảng, ngày ngày, người cựu chiến sĩ của Hội thề Rừng Rong dành thời gian vui thú với hoa lan và sống an nhiên bên con cháu thảo hiền.
Để lưu giữ một sự kiện đặc biệt và giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng, Tây Ninh xây dựng tại cánh rừng năm xưa Khu di tích Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong, với diện tích 15.000m2. 27 chiến sĩ cách mạng tham gia Hội thề Rừng Rong năm xưa được khắc tên vào bia đá ghi công.
Trong khuôn viên khu di tích còn xây dựng các công trình khác, như sân lễ, tượng đài, nhà bia tưởng niệm… Xung quanh khu di tích có cổng, vòng rào kiên cố. Cuối năm 2001, Khu di tích lịch sử Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong được Bộ Văn hoá - Thể thao (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hằng năm, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ cho bao thế hệ trẻ về nguồn, họp mặt truyền thống...
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hiền- Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ phường An Tịnh chia sẻ, Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân phường An Tịnh rất tự hào vì có Khu di tích Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong trên địa bàn. Vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm, phường tổ chức họp mặt truyền thống Hội thề Rừng Rong, thắp hương tưởng nhớ những lớp cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ôn lại một thời đấu tranh hào hùng của quân, dân địa phương và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Đã 77 năm trôi qua, nhưng khí phách hào hùng của Hội thề Rừng Rong vẫn mãi trong trái tim, ký ức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Tây Ninh nói chung, quê hương Trảng Bàng nói riêng. Các chiến sĩ Hội thề Rừng Rong đã góp phần viết nên trang sử vẻ vang của quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường.
Đại Dương