Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, lãnh đạo Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh.
Diễn đàn có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của Bộ Kế hoạch và đầu tư, lãnh đạo các địa phương, cơ quan đại diện ngoại giao các nước thành viên EU tại Việt Nam, trưởng Thương vụ Việt Nam tại các nước châu Âu, các chuyên gia, đại diện các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, lãnh đạo Sở Công Thương và Sở Kế hoạch và đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020, đánh dấu một cột mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng, trong mối quan hệ đối tác toàn diện, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định EVFTA đã khẳng định vai trò của Hiệp định, không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU mà còn là lợi thế ưu việt cho tập đoàn, doanh nghiệp hai bên trong bối cảnh kinh tế và giao thương toàn cầu đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Những con số ấn tượng về trao đổi thương mại và đầu tư ngay cả khi trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát ở EU và Việt Nam đã chứng minh điều này.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 17 và là nước xuất khẩu lớn thứ 11 vào EU. Ở chiều ngược lại, EU là đối tác thương mại đứng thứ 5 và là đối tác xuất khẩu đứng thứ 3 ở Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sau một năm thực thi Hiệp định EVFTA đã đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%. Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4, trong 9 tháng năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2020.
Qua đó, năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU, Việt Nam giờ đã trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khối ASEAN, xếp trong top 10 nước cung ứng hàng hóa vào các nước EU.
“Đây là những kết quả đặc biệt đáng ghi nhận sau một năm thực thi Hiệp định EVFTA, là cơ sở cho chúng ta tin tưởng vào sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU trước bối cảnh bình thường mới với nền tảng vững chắc là Hiệp định EVFTA, không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng phục hồi nền kinh tế thế giới”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ về triển vọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-EU trong bối cảnh mới với vai trò của Hiệp định EVFTA, bảo vệ môi trường và tính minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh,
Các diễn giả đã tập trung thảo luận, đánh giá những chuyển biến kinh tế-thương mại Việt Nam - EU sau khi EVFTA đi vào thực thi, nhận định thực tế hiệu quả tận dụng Hiệp định, đồng thời đưa ra những kịch bản, định hướng khôi phục và phát triển giao thương, đầu tư hai bên trong bối cảnh mới, với đòn bẩy từ EVFTA.
Sự kiện này cũng là một kênh trao đổi thông tin, quan điểm một cách toàn diện, đa chiều dưới nhiều góc nhìn xác thực của các chuyên gia về xu hướng thị trường, triển vọng hợp tác và khuyến nghị các giải pháp thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp để thích nghi và tận dụng những cơ hội thị trường mới.
EU là một thị trường khó tính, đòi hỏi đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây có thể được nhìn nhận như thách thức xen lẫn cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất nội tại, gia tăng sức cạnh tranh, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu và có mặt tại tất cả các nước EU. Trong đó, các đối tác nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian qua tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Pháp, Italia, Áo, Bỉ, Tây Ban Nha, Ba Lan và Thụy Điển.
Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang EU là thủy sản, hạt điều, cà phê, sản phẩm từ chất dẻo, túi xách vali, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
C.T