Trong không khí cả nước đang đón chào Xuân mới Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dành thời gian chia sẻ với báo chí về những kết quả nổi bật trong năm 2021 và định hướng trọng tâm công tác năm 2022 của Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: tcnn.vn)
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, năm 2021 là năm đất nước ta phải đối diện với những khó khăn, thử thách chưa từng có khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tác động nặng nề tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Nhìn lại hoạt động năm 2021 của Bộ Nội vụ, theo Bộ trưởng có những kết quả, dấu ấn nổi bật nào?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Năm 2021 là năm đầu tiên Bộ Nội vụ cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Mặc dù tình hình thế giới có những diễn biến rất phức tạp, nhất là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; trong nước, dịch bệnh COVID-19 đã làm tổn thất lớn đến tính mạng, sức khỏe Nhân dân và ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội; song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự cố gắng, nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đất nước ta đã đạt kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực. Đối với ngành Nội vụ, với phương châm “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ, ngành Nội vụ đã hoàn thành một cách toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2021. Có thể khái quát những kết quả toàn diện và tốt đẹp trong năm 2021 của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ thành 05 nhóm điểm nhấn nổi bật sau đây:
Thứ nhất, tập trung tham mưu về xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tổ chức nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thứ hai, tham mưu và phối hợp chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ ba, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2021.
Thứ tư, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm, chủ động tham mưu đẩy mạnh cải cách nền hành chính nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phóng viên: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng thể chế là khâu đầu tiên trong 03 đột phá chiến lược để phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025. Xin Bộ trưởng thông tin cụ thể hơn cho độc giả về kết quả và ý nghĩa công tác xây dựng thể chế của Bộ Nội vụ trong năm 2021?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Có thể khẳng định công tác xây dựng thể chế của Bộ Nội vụ trong năm 2021 đã quán triệt tốt quan điểm tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về việc xác định hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Công tác xây dựng thể chế, chính sách trong năm 2021 được Bộ Nội vụ xác định cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi ngay từ đầu nhiệm kỳ để tổ chức thực hiện có hiệu quả, ổn định trong thời gian dài; khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, qua đó đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và xu thế quản trị nhà nước hiện đại hướng tới Chính phủ số, chính quyền số theo đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi phối hợp tham mưu tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Nội vụ đã xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV phê chuẩn Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”.
Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng 03 dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 08 Nghị định, 03 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Quyết định, 04 Chỉ thị và 01 Công điện; ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư, 04 văn bản hợp nhất. Trong đó có những văn bản rất quan trọng, như Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, các Nghị định về tổ chức thí điểm chính quyền đô thị thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, về công tác thanh niên, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức...
Phóng viên: Bộ trưởng vừa nhắc đến quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về những kết quả trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước của Bộ Nội vụ năm 2021?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Trong lĩnh vực này, thành công bắt đầu từ việc Bộ, ngành Nội vụ đã phát huy một cách chủ động, tích cực, có hiệu quả cao trong tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia và Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ, nhân sự cấp cao và các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy hành chính 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cũng trong năm 2021, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, khắc phục chồng chéo gắn với xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tích cực hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát, triển khai xây dựng danh mục và bản mô tả khung năng lực vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ Trung ương đến cấp xã; tập trung rà soát, đánh giá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Đối với xây dựng chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; Nghị định số 33/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.Trong năm 2021, Bộ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là sắp xếp lại tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Kết quả đã giảm được 07 sở; 1.140 đơn vị cấp phòng thuộc sở; 208 chi cục; 451 đơn vị cấp phòng thuộc UBND cấp huyện.
Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay cả nước đã giảm được 08 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã, 16.321 thôn, tổ dân phố. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với các địa phương quan tâm phát triển đô thị; theo đó tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 06 thị trấn; hướng dẫn triển khai mô hình “thành phố trong thành phố” (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa ở các địa phương, mà còn hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị “Phấn đấu đến năm 2030 các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong việc tham mưu, chuẩn bị các đề án ở tầm chiến lược, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV phê chuẩn Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; hoàn thành 03 chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, bao gồm: Chuyên đề “Chiến lược cải cách hành chính đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - đây là cơ sở khoa học rất quan trọng để trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đã triển khai Đề án chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021-2026 và định hướng đến năm 2030; triển khai xây dựng Đề án “Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Nội vụ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh: công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, tạo chuyển biến tích cực, đáp ứng tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 trong đó, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy đến cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ số, chính quyền số.
Có thể nói, cải cách hành chính ngày càng có tiến bộ, thông qua kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2020) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020) tiếp tục được khẳng định qua thực tiễn. Trong đó Chỉ số PAR INDEX 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83.72%, cao hơn 2.57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81.15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây. Kết quả của 63 địa phương cho thấy có 38 đơn vị đạt kết quả Chỉ số cao hơn giá trị trung bình của cả nước. Đáng chú ý, năm 2020 có 58 địa phương đạt kết quả Chỉ số PAR INDEX trên 80% (năm 2019 chỉ có 44 đơn vị, năm 2018 chỉ có 09 đơn vị), không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%).Chỉ số PAR INDEX năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ ước đạt 85,5%; Chỉ số PAR INDEX năm 2021 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ước đạt 82%; Chỉ số SIPAS năm 2021 ước đạt 86%.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2021, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt trên 95%; tỷ lệ sẵn sàng họp trực tuyến đến cấp xã tăng từ 40% lên 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 tăng từ 31% lên 96%. Đây là những thành công, kết quả có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến chỉ đạo, điều hành và kết quả của công tác cải cách hành chính, góp phần đạt được những kết quả tích cực, quan trọng vào thực hiện mục tiêu kép vừa tập trung quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước năm 2021.
Từ những kết quả đó, có thể khẳng định trong năm 2021 Bộ Nội vụ đã có đóng góp rất quan trọng vào mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.
Phóng viên: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 03 đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Xin Bộ trưởng chia sẻ thông tin về kết quả và ý nghĩa công tác tham mưu quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - một nội dung rất quan trọng của phát triển nguồn nhân lực ở nước ta?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những điểm nhấn tiến bộ của Bộ Nội vụ trong năm 2021. Bộ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời rà soát xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; hướng dẫn, chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới phương thức dạy và học, khuyến khích hình thức đào tạo trực tuyến, từ xa...; thực hiện phân cấp triệt để trong tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đã cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp (cụ thể là chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 61/64 chứng chỉ ngạch công chức; giảm 89/145 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp). Qua đó, để một mặt vừa giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức; mặt khác đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn. Đây là những đổi mới trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao.
Bộ Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm mạnh số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đến nay, cả nước đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015).
Kết quả đạt được khẳng định công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ trong năm 2021 đã phát huy tốt vị trí, vai trò và chức năng của Bộ, đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc coi phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh 05 điểm nhấn thành công nêu trên thì trong năm 2021, các lĩnh vực công tác khác của Bộ Nội vụ như quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; công tác tôn giáo; quản lý hội và tổ chức phi chính phủ; báo chí và truyền thông… cũng được triển khai rất quyết liệt, đem lại nhiều kết quả tích cực và ý nghĩa tốt đẹp. Kết quả đó cũng bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với Bộ, ngành Nội vụ; thể hiện tinh thần đoàn kết và trí tuệ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ và sự ủng hộ hết sức to lớn của Nhân dân cả nước.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, để phát huy những kết quả đạt được, năm 2022 Bộ Nội vụ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Những kết quả đạt được trong năm 2021 dù rất quan trọng và tự hào, song cũng chỉ là thành công bước đầu của năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta không say sưa, ngủ quên trên chiến thắng, mà phải thẳng thắn nhìn nhận cả những hạn chế và dự báo về thời cơ, thách thức trong nước và quốc tế thời gian tới để kế thừa, phát huy, nhân lên nhiều hơn nữa những kết quả đã đạt được của năm 2021.
Để thực hiện tốt phương châm công tác năm 2022, Bộ Nội vụ cần triển khai thực hiện tốt một số trọng tâm công tác sau đây:
Một là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách lĩnh vực, ngành Nội vụ. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ tập trung rà soát, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hệ thống thể chế, chính sách phù hợp yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị của nền hành chính nhà nước các cấp.
Hai là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị và xây dựng cơ chế liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn với vị trí việc làm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ.
Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Tham mưu, phối hợp hiệu quả về đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Bốn là, thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, tiếp tục tham mưu, phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030. Tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ số, chính quyền số gắn với phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số, góp phần quan trọng xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.
Năm là, đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng, sớm cụ thể hóa Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về công tác tín ngưỡng, tôn giáo, công tác văn thư, lưu trữ; ứng dụng công nghệ số nhằm phát huy giá trị tài nguyên lưu trữ; triển khai hiệu quả chiến lược thanh niên và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và toàn ngành, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh.
Đồng thời, tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, công tác nghiên cứu khoa học góp phần thiết thực nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước; coi trọng và tích cực triển khai hoạt động đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế lĩnh vực ngành, nâng cao vị thế và chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ, tạo chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong quản lý nhà nước của ngành gắn với sắp xếp, tinh gọn đầu mối các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Nhân dịp năm mới 2022, thay mặt Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Nội vụ, tôi gửi tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Nội vụ và bạn đọc cả nước những lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Nguồn dangcongsan