Các đại biểu tham gia thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu Trần Hữu Hậu, về tổng thể đây là chính sách rất cần thiết. Việc sử dụng nguồn lực đầu tư cho các hạ tầng giao thông trọng điểm là phù hợp. Ông cho rằng cần tập trung vốn cho các dự án quan trọng, nguồn vốn lớn như các dự án giao thông Vành đai 3, 4 (thành phố Hồ Chí Minh), đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh). Đây là các dự án mang tính cấp thiết, có sức lan tỏa lớn trong kết nối vùng và tạo động lực quan trọng phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên cần quan tâm ưu tiên đầu tư công trong thời gian này.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đồng tình gói chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xác định tầm quan trọng trong thích ứng phòng, chống dịch, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là làm tốt công tác phòng, chống dịch, trong đó tập trung năng lực vật tư y tế, tiêm vaccine…; thực hiện kiểm soát giá không để lạm phát, kìm chế theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Về việc bội chi ngân sách trong năm 2022 và 2023, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho là phù hợp trong giai đoạn này để có nguồn lực tài chính phục hồi phát triển kinh tế xã hội, có thể vay trong nước và ngoài nước, phát hành trái phiếu nhưng phải tính toán khả năng trả nợ. Đại biểu cũng cho rằng cần định hướng phát triển, bởi thời gian qua khả năng hấp thụ vốn kém, nhiều dự án công trình vốn sử dụng không hiệu quả.
Quan tâm đến nguồn lực y tế cơ sở, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị Chính phủ rà soát lại để hỗ trợ những tuyến y tế cơ sở quá tải, trọng điểm của cả 63 tỉnh, thành. Cụ thể, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, các tỉnh phía Nam bị thiệt hại nặng nề, y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, cần hỗ trợ để có khả năng đối phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét việc hỗ trợ đầu tư trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm. Việc hỗ trợ chủ yếu cho 6 trường nghề của các Bộ và 14 trường nghề các địa phương là chưa thể hiện rõ tính hợp lý.
Đề nghị Chính phủ tính toán để bổ sung hợp lý các tỉnh vệ tinh có nguồn lao động cung ứng cho các trung tâm, thành phố lớn, các khu công nghiệp để hỗ trợ đào tạo nghề, nhất là tạo điều kiện bồi dưỡng, đào tạo tay nghề cung ứng lao động cho các khu, cụm công nghiệp tại địa phương. Đồng thời, cần bổ sung có mục tiêu cho các trường chứ không phải đầu tư cho hoạt động đào tạo thường xuyên của trường, vì đây là gói phục hồi.
Đại biểu Phạm Hùng Thái – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm đến nhóm lao động phi chính thức.
Thống nhất với ý kiến của các đại biểu và báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Hùng Thái kiến nghị, đối với giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chính phủ cần đề ra giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn để giải quyết cơ bản đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ các đơn vị sản xuất nông nghiệp, do sản phẩm làm ra phải bán giá rẻ hoặc không xuất khẩu được, ùn ứ, đổ bỏ… gây lãng phí xã hội.
“Chính phủ cần tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid- 19 giai đoạn 2019-2021 để đề ra các cơ chế, chính sách sát hợp với thực tiễn, hiệu quả cao, có tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục những vấn đề chưa đồng bộ, hiệu quả hạn chế của các chính sách vừa qua.
Đối với giải pháp chính sách hỗ trợ lao động việc làm, cần bổ sung điều chỉnh đối với nhóm lao động phi chính thức như: lao động tự do, lao động trong các hộ sản xuất kinh doanh… chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Việc điều chỉnh nhằm bảo đảm tính công bằng với lao động khu vực chính thức như công nhân các nhà máy, khu công nghiệp”- đại biểu Phạm Hùng Thái nói.
Ngọc Diêu