Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đồng tình với các kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều trong dự án. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn băn khoăn một số nội dung quy định tại khoản 8 Điều 157 sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự bãi bỏ nội dung dẫn chiếu khoản 1 Điều 225 của Bộ luật Hình sự.
Uỷ ban Tư pháp cần cân nhắc vì Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP) không đề cập về chỉ dẫn địa lý. Về hành động pháp lý, không cần khởi kiện chính thức từ người thứ 3 hay chủ thể uỷ quyền đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu.
Như vậy sẽ tăng số vụ án được khởi tố điều tra truy tố, xét xử so với quy định hiện hành, dẫn đến tăng chi phí, tiêu cực khác như: xác định nhãn hiệu nào bị ảnh hưởng? Ảnh hưởng ra sao? Và xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sẽ tranh thủ các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó dẫn đến mất an toàn xã hội.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần cần hướng dẫn, quy định rõ khi nào thụ lý, khi nào điều tra? Về kỹ thuật lập pháp, Luật sửa đổi, bổ sung có 3 điều nên sau khi sửa đổi bổ sung các điều “dấu phẩy, số…” nên viết trở lại là (trích cụ thể điều luật) để thuận tiện trong tra cứu Luật.
Đại biểu Phạm Hùng Thái thống nhất sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Tố tụng Hình sự. Đại biểu thống nhất với Uỷ ban Tư pháp về việc bổ sung thẩm quyền của Công an xã; thống nhất trình dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng Hình sự theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Phạm vi sửa đổi của Dự án Luật thuộc trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và hồ sơ trình đáp ứng đầy đủ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu Huỳnh Thanh Phương đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc kỹ ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trước khi trình Quốc hội thông qua.
Đại biểu Phạm Hùng Thái đề nghị cơ quan trình cần làm rõ một số nội dung trước khi trình thông qua. Việc sửa đổi, bổ sung phụ lục chưa phù hợp với tình hình thực tế; từng mục trong phụ lục liên quan đến từng ngành, do đó đưa ra chỉ số thì cần phải có đánh giá tác động được chỉ số để đại biểu có cơ sở xem xét.
Phương Thuý