Bà Hoàng Thị Thanh Thuý tiếp nhận ý kiến của các đại biểu.
Đến dự có đại diện Uỷ ban MTTQVN tỉnh, lãnh đạo các ban chuyên trách HĐND, các tổ chức chính trị, sở, ngành, Hội Luật gia, đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố…
Tại hội nghị, Đoàn ĐBQH mong muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu xoay quanh các vấn đề về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai; về hạn mức giao đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc thu hồi đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất...
Theo ông Đàm Văn Cường– Phó Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa nêu rõ quyền của tổ chức, cá nhân đối với việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (như Quỹ đầu tư phát triển địa phương). Trong khi, Quỹ đầu tư phát triển địa phương có chức năng nhiệm vụ cho vay theo quy định của Nghị định 147/2020/NĐ-CP. Do đó, đề nghị xem xét điều chỉnh nội dung liên quan đến việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho rằng, Điều 10 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề nghị bổ sung loại đất khu công nghệ cao và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Luật cần xác định làm rõ đất chăn nuôi tập trung là như thế nào (quy mô, diện tích), và đất chăn nuôi không tập trung sẽ thống kê vào loại đất nào.
Về “Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất”, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện rất khó thực hiện, thiếu linh động, nên khoanh vùng và quản lý bằng chỉ tiêu quy hoạch. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện định hướng sử dụng đất thời gian dài (10 năm, tầm nhìn 30 năm), một số công trình dự án phát triển hạ tầng chỉ còn mang tính chất định hướng, rất khó khăn trong việc xác định, thể hiện thông tin đến từng thửa đất; đối với các công trình dạng tuyến, chưa thực hiện khảo sát thực tế, khi triển khai sẽ có sai lệch, ảnh hưởng đến tiến độ do phải rà soát, thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất.
Đại diện Toà án nhân dân tỉnh ccó ý kiến một số vướng mắc từ Luật Đất đai 2013. Một trong những nội dung đó là vấn đề thành quả lao động tại khoản 2, Điều 27. “Có những bản án tuyên một người được hưởng thành quả lao động, nhưng như thế nào là thành quả lao động thì chưa có cơ sở xác định. Công khai phá, công san lấp thì có thể lượng được nhưng mức thanh toán, giải quyết cho người hưởng thành quả lao động lại không có cơ sở để căn cứ, đến nay chưa có hướng dẫn. Có nhiều vụ án phải huỷ nhiều lần cũng vì không có căn cứ giải quyết thành quả lao động”- Thẩm phán Đặng Thị Đồng ý kiến.
Thẩm phán Đặng Thị Đồng góp ý một số vướng mắc trong Luật Đất đai 2013 khi áp dụng vào thực tế.
Liên quan tới việc tách thửa và hợp thửa, đại diện Toà án nhân dân tỉnh cho rằng thực tế xét xử bị vướng rất nhiều. Theo quy định của luật, khi tách thửa phải bảo đảm diện tích yêu cầu. Nếu đã qua xét xử, áp dụng bằng bản án của Toà thì diện tích bao nhiêu cũng được tách, thừa kế 2-3m đất cũng phải chia, kiện là phải xử, phải tách. Nhưng khi người được hưởng phần đất đó muốn thực hiện giao dịch tiếp theo, diện tích đó lại không đủ theo yêu cầu. “Do đó, Luật cũng nên quy định rõ những phần đất được hưởng theo bản án của Toà có bảo đảm được giao dịch tiếp theo hay không”- bà Đặng Thị Đồng nói.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận lần hai tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Dự án Luật sửa đổi lần này được xây dựng với bố cục gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý lần thứ nhất.
Ngọc Diêu