Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước 

Chủ nhật - 27/02/2022 06:00
BTNO - Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm 2021, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh với việc sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin được triển khai như Văn phòng điện tử (egov), Họp không giấy, Một cửa điện tử.... để giải quyết công việc và trao đổi thông tin. Tình hình gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước và việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3, 4 đều tăng so với năm 2020.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai mạnh mẽ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Cụ thể, đơn vị đã triển khai dự án Nâng cấp, bổ sung thiết bị công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh nhằm điều chuyển, bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức, các bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh để sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, thực hiện cải cách hành chính; trang bị cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh 2.096 máy tính (trong đó có 707 máy tính xách tay, 1.389 máy tính để bàn) và 2.096 license phần mềm phòng chống mã độc, trang bị 121 máy quét tốc độ cao phục vụ công tác số hoá tài liệu cho 18 đơn vị cấp tỉnh, 9 UBND cấp huyện, 94 UBND cấp xã.

Bên cạnh đó, đơn vị còn xây dựng hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) của tỉnh bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến bảo đảm sẵn sàng tích hợp, chia sẻ dữ liệu công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh và kết nối với trục tích hợp, chia sẻ quốc gia (NGSP), đã liên thông dữ liệu về lĩnh vực môi trường, đất đai, qua đó phân tích, đưa ra báo cáo phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền tại Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế -xã hội tập trung của tỉnh.

Đơn vị còn tích hợp 1.000/1.818 TTHC mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Năm 2021, Cổng dịch vụ công tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 110.736 hồ sơ TTHC mức độ 3 và 203.532 hồ sơ TTHC mức độ 4.

Hiện tại, tỉnh đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 1.818 TTHC; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả hệ thống “một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông”, bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quá trình giải quyết TTHC, bảo đảm tin học hóa các hoạt động trong quy trình TTHC theo quy định của Chính phủ.

Tỉnh đã triển khai ứng dụng Tây Ninh Smart nhằm tích hợp các hệ thống dùng chung của tỉnh lên ứng dụng di động, tăng cường phương thức giao tiếp thông tin giữa công dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước thông qua ứng dụng di dộng tiện ích. Hiện nay, 100% dịch vụ công mức độ 4 cũng đã được cung cấp trên ứng dụng này.

Các hệ thống phần mềm của tỉnh như một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điều hành, ứng dụng giao việc tức thời, nhắc việc thông minh đều được nâng cấp để tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường khả năng phục vụ cho người dân và trong công tác chuyên môn của cán bộ công chức; nâng cao trình độ quản lý, tạo bước thay đổi đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành; tạo nên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống nhất toàn tỉnh phục vụ sự chỉ đạo, quản lý một cách nhanh chóng, kịp thời.

Việc triển khai và mức độ ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử eGov, thực hiện chữ ký số đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tăng hiệu quả công việc. Hiện nay, hệ thống văn phòng điện tử được triển khai đến 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã, 100% văn bản liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử. Hệ thống Văn phòng điện tử đã được kết nối trên trục liên thông văn bản quốc gia. Năm 2021, có 7.711 văn bản gửi trên trục liên thông văn bản quốc gia và 13.269 văn bản nhận trên trục liên thông này.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh ứng dụng hiệu quả hệ thống Một của điện tử.

Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ được tích hợp lên hệ thống văn phòng điện tử và được triển khai cho 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện giao dịch điện tử.

Đến nay, Sở phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp trên 2.700 chứng thư số cho cá nhân và trên 450 chứng thư số cho đơn vị, trên 90 thiết bị ký số để thực hiện ký số trên hệ thống văn phòng quản lý văn bản và điều hành và thực hiện các giao dịch điện tử theo Nghị định 165/2018/NĐ-CP ngày 24.12.2018 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm 2022, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, với các hoạt động hoàn thiện và mở rộng các hệ thống thông tin, hạ tầng kỹ thuật nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Sử dụng có hiệu quả, đúng quy định các hệ thống thông tin nhằm tăng cường trao đổi văn bản điện tử, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành (Văn phòng điện tử, chữ ký số, họp không giấy, thư điện tử công vụ; các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp (Cổng thông tin điện tử, Một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công, Cổng Hành chính công tỉnh Tây Ninh,...). Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính nhà nước để giúp người dân, tổ chức thực hiện nhanh chóng các TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí.

C.T

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp