Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh tư liệu
“Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
“Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”- trích lời Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
MẶT TRẬN NÀY KHÔNG CÓ “MẶT TRÁI”
Ngày 30.6.2022, phát biểu kết luận tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”.
Có nghĩa, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã trở thành điều bắt buộc, có tính tất yếu, không thể không làm. Tác giả cuốn sách kiến giải đầy đủ, cặn kẽ vì sao phải “mở mặt trận” đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời nêu vấn đề có hay không “mặt trái” của công cuộc chống tham nhũng.
Tác giả viết: “Một số” ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Trong khi thực tế cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”.
Như vậy, không có chuyện đấu tranh chống tham nhũng làm chậm sự phát triển của đất nước, ngược lại, chống tham nhũng hiệu quả chẳng những củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, mà còn làm trong sạch hơn môi trường đầu tư để doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm đầu tư, sản xuất.
Tác giả cuốn sách chỉ rõ, mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu.
Sau 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tất nhiên, như mọi quốc gia khác, quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam đã và đang đối mặt nhiều thách thức, dù thành tựu, tích cực là cơ bản. “Chúng ta vẫn còn không ít những khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những hạn chế, thách thức đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ đại hội trước nhưng đến nay vẫn tồn tại và có mặt còn diễn biến phức tạp hơn, trong đó có tệ tham nhũng, tiêu cực”.
SUY THOÁI ĐI LIỀN VỚI THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Dẫn lại các nghiên cứu, tác giả cuốn sách chỉ rõ, tham ô, nhũng nhiễu là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa. Hiện tượng này thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại, phát triển vững mạnh đều quan tâm và đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng năm 2003 định nghĩa tham nhũng “là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng”. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Tác giả - Tổng Bí thư diễn giải, về bản chất, nói một cách nôm na, dễ hiểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, tham nhũng là hành vi “ăn cắp của công làm của tư”.
So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, do đó, phải xác định phạm vi của tiêu cực là những hành vi có liên quan đến tham nhũng: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưỏng chính trị, đạo đức, lối sống.
Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau. “Nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực.
Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng”- tác giả nêu vấn đề.
Tổng Bí thư phân tích, tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.
Tham nhũng đã được Đảng chỉ ra từ rất lâu, hàng chục năm trước, nhưng tình trạng này trở nên gay gắt, nhức nhối hơn khi nước ta mở cửa, đổi mới. Đảng đã nhiều lần chỉ rõ tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước, đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước”.
Đại hội XII xác định, tham nhũng “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”. Trước đó rất lâu, hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 1.1994), tham nhũng được Đảng nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta” và đến nay, Đại hội XIII đánh giá, tham nhũng “vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ. Từ các dẫn chứng, tác giả khẳng định: “Chúng ta chưa bao giờ chủ quan, trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất”.
BƯỚC TIẾN NHẬN THỨC
Theo tác giả cuốn sách, trước đây, chúng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay chúng ta quan tâm nhiều hơn, nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và sau cùng là mất chế độ như đã từng xảy ra trong thực tiễn lịch sử trên thế giới. Vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Những năm đầu đổi mới, Đảng xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay”. Sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta càng nhận rõ đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Trước đây, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu chỉ tập trung vào các hành vi: tham ô, chiếm đoạt, nhận hối lộ, đưa hối lộ, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Nay không chỉ trong khu vực Nhà nước mà còn mở rộng ra cả khu vực ngoài Nhà nước. Đặc biệt, không chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Bởi nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng.
Việt Đông
(Còn tiếp)