Quang cảnh tại điểm cầu Tây Ninh.
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có sự tham dự của ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan.
Tại cuộc họp, Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế; đồng thời đề nghị các địa phương đánh giá cấp độ dịch cụ thể ở cấp cơ sở (tỉnh/thành phố/huyện/thị) để có kết quả chính xác hơn.
Theo đó, Nghị quyết 128/NQ-CP có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, bao gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Dựa theo các tiêu chí trên, UBND các tỉnh, thành phố quyết định chuyển đổi cấp độ dịch; trường hợp nâng cấp độ dịch phải thống báo trước tối thiểu 48 giờ.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp, để được hoạt động, các đơn vị phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ dịch tại địa phương. Trong đó, cấp độ 1 (màu xanh) được phép hoạt động; cấp độ 2 (màu cam) và cấp độ 3 (màu vàng) hoạt động hạn chế và cấp độ 4 (màu đỏ) phải ngừng hoạt động. Người dân di chuyển từ các vùng có cấp độ dịch khác nhau phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định: xét nghiệm SARS-CoV-2; cách ly; tiêm ngừa vaccine…
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ phân công cho 22 bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, ban hành hướng dẫn thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực và chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch. Tính đến ngày 21.10.2021, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. Trong đó có 30 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch thích ứng; có các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch, sản xuất, giao thông…
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, các tỉnh, thành phố kiến nghị điều chỉnh nhiều tiêu chí, quy định trong Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Trong đó, lãnh đạo tỉnh An Giang đề nghị thống nhất thời gian công bố cấp độ dịch; đồng bộ biện pháp thích ứng trong giao thông giữa các tỉnh.
Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh quy định cách ly tập trung theo tình hình thực tế tại địa phương, nhất là nơi có ca mắc mới cao như TP.Hồ Chí Minh, việc cách ly tập trung là điều khó thực hiện. Đồng thời, TP.Hồ Chí Minh đề nghị điều chỉnh tiêu chí tiêm đủ liều vaccine thì không cần xét nghiệm SARS-CoV-2, thực tế, người tiêm đủ liều vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh.
Tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh một số quy định trong Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế: điều chỉnh thời gian cách ly người nhập cảnh, người về từ địa phương khác; công tác xét nghiệm định kỳ; quy định xét nghiệm trong doanh nghiệp; điều chỉnh hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine; tiếp tục quản lý, kiểm soát người về từ địa phương khác; đề nghị Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine để địa phương triển khai tiêm mũi 2 cho người dân; tiêm vaccine cho trẻ để các em có thể quay lại trường học.
Tỉnh Thanh Hoá đề nghị tiếp tục áp dụng quy định xét nghiệm đối với người tiêm đủ 2 liều vaccine; các cơ sở y tế áp dụng BHYT hỗ trợ chi phí tầm soát, xét nghiệm sàng lọc cho người dân; các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải tổ chức tầm soát, xét nghiệm sàng lọc người lao động định kỳ.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá sự cố gắng, nỗ lực kiểm soát dịch của các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, số ca dương tính vẫn còn tăng ở các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước,… dù tỷ lệ tiêm vaccine đủ liều ở các địa phương này khá cao. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nâng cao ý thức, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Chúng ta phải chấp nhận có ca nhiễm khi quay trở lại trạng thái “bình thường mới” với chủ trương vừa bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch vừa tạo điều kiện hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.
Về công tác thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ sau 10 ngày triển khai, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận xét, các địa phương cơ bản thực hiện theo quy định; tuy nhiên, vẫn còn địa phương gặp khó khăn, hạn chế khi triển khai. Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần xác định cấp độ dịch cụ thể ở các xã, phường/huyện, thị theo các tiêu chí để có biện pháp phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất, kinh tế phù hợp.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các địa phương phải từng bước hoàn thành các tiêu chí theo quy định; tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, hoàn thành tiêu chí bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng; triển khai triệt để tiêu chí cơ sở thu dung, điều trị. Cơ sở điều trị phải lắp đặt hệ thống oxy để sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời, phải có kế hoạch hình thành các trạm y tế lưu động, áp dụng cho các địa phương khi tình hình dịch bệnh phức tạp.
Bên cạnh đó, các địa phương tập trung đào tạo cán bộ y tế, nhất là cán bộ hồi sức tích cực, nâng cao khả năng điều trị bệnh nhân Covid-19; chỉ đạo xét nghiệm sàng lọc theo nhóm nguy cơ (như: người có triệu chứng bệnh) và tầm soát, xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ cho các đối tượng nguy cơ cao (đối tượng làm việc trong ngành dịch vụ, nhân viên giao hàng, công nhân,…), khuyến khích các doanh nghiệp tự triển khai thực hiện công tác này; xét nghiệm sáng lọc SARS-CoV-2 miễn phí cho người trở về từ địa phương khác nếu có triệu chứng bệnh, kể cả người tiêm đủ 2 liều vaccine.
Về công tác xử lý ổ dịch, các địa phương cần tổ chức khoanh vùng theo phương châm “khoanh vùng càng nhỏ, công tác quản lý càng chặt chẽ”. Người từ địa phương khác về, không nhất thiết phải cách ly tập trung mà có thể theo dõi việc cách ly tại nhà bằng các biện pháp phù hợp.
Tính đến ngày 19.10.2021, 82 xã, phường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt cấp độ dịch cấp 1 (tương ứng vùng xanh); 8 xã, phường đạt cấp độ 2 (tương ứng vùng vàng); 3 xã, phường đạt cấp độ 3 (tương ứng vùng cam) và 1 xã, phường đạt cấp độ 4 (tương ứng vùng đỏ).
Ngọc Bích