Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý góp ý thảo luận tại tổ.
Tham gia góp ý tại buổi thảo luận tổ, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất còn gặp nhiều khó khăn và theo đại biểu, hiện nay chính quyền điện tử chưa được xây dựng hoàn chỉnh, hoạt động của bộ máy hành chính chưa được số hoá đầy đủ và đồng bộ, chưa xây dựng được “cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào”, cơ sở dữ liệu thông tin về hồ sơ thiết kế dự án hiện đang “bỏ trống” nên chưa xây dựng được “cơ sở dữ liệu về giá đất” theo “vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn” nên công tác xác định nghĩa vụ tài chính sử dụng đất hiện nay gặp nhiều khó khăn và kéo dài, dẫn đến nguồn lực tài chính thu về cho ngân sách bị giới hạn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, Luật Đất đai hiện hành quy định khung giá đất nên dẫn đến việc định giá đất không sát với giá đất phổ biến trên thị trường nên bảng giá đất chưa phát huy được tác dụng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị ngoài việc xây dựng chính quyền điện tử hoàn chỉnh, số hoá đất đầu vào nhằm thu thập những biến động giá trên thị trường thì cần xây dựng một phương pháp tính thật đơn giản khi tính giá trị quyền sử dụng đất để tránh trường hợp phải phân tích và lựa chọn phương pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Bà Hoàng Thị Thanh Thuý nhấn mạnh, việc đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm của người dân hiện nay rất không hợp lý, khiến người dân gặp nhiều khó khăn, vì theo đại biểu, người dân đã được cấp quyền sử dụng đất thì có toàn quyền với tài sản của mình thì Nhà nước có nhất thiết phải lập kế hoạch sử dụng đất cho người dân hay không. Về vấn đề này, đại biểu kiến nghị nên cho các địa phương được quyền dự ước chỉ tiêu sử dụng đất thay vì phải đưa ra chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất đến từng thửa đất, từng hộ gia đình, cá nhân như hiện nay.
Góp ý cụ thể về nội dung dự án luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý đề nghị ở Điều 113 - Quỹ phát triển đất, điều chỉnh khoản 3 dự thảo luật theo hướng: Giao HĐND cấp tỉnh quyết định mức bổ sung Quỹ phát triển đất căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương và nhu cầu thực tế của địa phương về nguồn vốn ứng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất (không quy định mức tối thiểu 10% như trong dự thảo).
Về Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện quy định tại Điều 67, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định lập Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, đồng thời điều chỉnh thời gian lập Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 3 năm hoặc 5 năm và được phép điều chỉnh, bổ sung hằng năm.
Tố Tuấn