Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) - Sau hơn 20 năm đổi mới trong khuôn khổ của Hiến pháp năm 1992 (năm 2001 đã sửa một số điều), đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử.
Năm 2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh sự đồng tình của đại đa số nhân dân, cũng còn có ý kiến cho rằng, Hiến pháp năm 2013 chưa thể hiện hết nguyện vọng của người dân, chưa đủ bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo chuẩn mực quốc tế. Thực tế thế nào?
Việt Nam xác định bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của Nhà nước (ảnh minh hoạ)
Ưu tiên hàng đầu
Đảng và Nhà nước khẳng định bản chất của chế độ chính trị của nước ta là dân chủ, Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Sau hơn 20 năm đổi mới trong khuôn khổ của Hiến pháp năm 1992 (năm 2001 đã sửa một số điều), đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống của người dân khắp mọi miền Tổ quốc đã có những bước cải thiện rất đáng kể, bước vào ngưỡng của nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Đời sống tinh thần ngày càng được tự do, phát triển. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố trong những năm qua từng bước được cải thiện, có những khía cạnh đạt mức cao hơn trình độ kinh tế của đất nước. Trên cơ sở những thành tựu đó, để tạo khuôn khổ pháp lý cho chặng đường mới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu chủ trương nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị Trung ương 2 khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW “Về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992”. Sau đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 06/2011/QH13 “Về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và thành lập Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992” đều khẳng định: “Sửa đổi Hiến pháp 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”. Với mục tiêu đó, trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, các quy định về quyền con người đã được đặt ở vị trí xứng đáng hơn. Ngay từ bản dự thảo thứ nhất, quyền con người đã được Uỷ ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi chuyển từ chương V lên chương II, sau chương về chế độ chính trị. Đây cũng là sự kế thừa cần thiết đối với Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hiến pháp năm 1946). Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta, từ lý luận và thực tiễn phát triển đất nước những năm qua, Đảng và Nhà nước đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của vấn đề quyền con người và mối quan hệ giữa con người và chính trị, giữa công dân và Nhà nước, giữa tự do cá nhân và pháp luật quốc gia. Trong mối quan hệ đó, phải khẳng định: cá nhân làm nên xã hội. quyền lực nhà nước bắt nguồn từ công dân và bị giới hạn bởi ý chí của người dân. Tự do, nhân phẩm của mỗi cá nhân phải được xã hội, nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Hiến pháp bảo vệ quyền và tự do của cá nhân theo nguyên tắc việc thực hiện quyền tự do đó không làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, trật tự và sức khoẻ của cộng đồng, đạo đức xã hội, quyền và tự do tương tự của cá nhân khác. mình, phù hợp với Công ước và thông lệ quốc tế.
Nguyện vọng chính đáng và cao cả
Hiến pháp năm 2013 được thông qua đã tiếp thu cao nhất các ý kiến đóng góp của nhân dân, phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế về quyền con người. Ở bất cứ đâu, vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân cũng được góp ý sôi nổi nhất. Mọi ý kiến đều mong muốn Hiến pháp thể hiện đầy đủ nhất, toàn diện, sâu sắc nhất những quy định tiên tiến nhất, nhân bản nhất về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Những góp ý bao gồm cả về nội dung, hình thức diễn đạt, về câu chữ, văn phong pháp lý. Mọi người đều mong muốn những quy định này của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thua kém bất kỳ một hiến pháp hiện đại nhất nào trên thế giới. Đó là một nguyện vọng rất chính đáng, rất cao cả.
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của LHQ được thông qua năm 1948 nêu lên thái độ chung, quan điểm chung của các quốc gia thành viên về quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh vừa kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai cướp đi sinh mạng hàng chục triệu con người, hàng trăm triệu người khác bị thương tật, mất người thân, mất nhà cửa, mất việc làm... Năm 1968, LHQ thông qua 2 bản công ước lớn là Công ước về các quyền dân sự và chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội. Điều đáng lưu ý, chính các nước xã hội chủ nghĩa khi đó đã đấu tranh quyết liệt để có được công ước thứ hai này. Hai công ước trên, cùng với các công ước được thông qua trước và sau đó như: Công ước xoá bỏ chế độ nô lệ và các hình thức tương tự chế độ nô lệ, Công ước về quyền trẻ em, Công ước chống mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước chống mọi hình thức nhục hình, tra tấn, Công ước về người lao động và các công ước nhân đạo khác, hình thành nền tảng cơ bản của các quyền con người. Từ năm 1978, Việt Nam ký kết, tham gia Công ước về quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội; năm 1989 đã ký Công ước về quyền trẻ em. Tháng 10.2013, Việt Nam tham gia Công ước về chống mọi hình thức nhục hình, tra tấn. Như vậy, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước về quyền con người.
Nhiều điều khoản quy định quyền con người
Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, có thể thấy một số điểm mới, tiến bộ hơn so với Hiến pháp năm 1992 như sau:
Hiến pháp không chỉ quy định những quyền và nghĩa vụ của công dân, mà còn cam kết bảo vệ những quyền phổ biến của mọi người sống trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả những người không phải công dân nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chương V của Hiến pháp năm 1992 mang tên “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việc đề cập các quyền con người đều thông qua quyền công dân. Nói cách khác, công dân là chủ thể của quyền con người. Điều 50 viết: “Ở nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Hiến pháp năm 1992 sửa đổi đã thể hiện nhận thức rộng rãi hơn là bên cạnh các công dân có các quyền và nghĩa vụ với nhà nước, còn có các cá nhân khác tuy không có các quyền và nghĩa vụ công dân, song có các quyền và nghĩa vụ của con người. Do vậy, tên của chương II đã được viết rõ hơn là: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong Chương này, khoản 1 Điều 14 viết: “Ở nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Khác với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có nhiều điều, khoản nói tới quyền của mọi người sống trên đất nước Việt Nam, không kể đó là công dân hay không phải công dân. Những quyền ấy được coi là các quyền dân sự tối thiểu, phổ biến của mọi cá nhân như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, chỗ ở, thư tín, bí mật cá nhân, tự do tín ngưỡng... Điều 18 viết: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Hiến pháp 2013 quy định rõ hơn về những hạn chế (trong trường hợp thực sự cần thiết và phù hợp với các công ước quốc tế) để bảo đảm thực hiện các quyền con người. Các công ước quốc tế thừa nhận không phải mọi quyền con người đều mang tính tuyệt đối, không chịu sự hạn chế nào, mà có nhiều quyền mang tính tương đối, nghĩa là có thể phải chịu sự hạn chế của pháp luật quốc gia. Song, sự hạn chế không phải là tuỳ tiện mà có điều kiện và phải được thể hiện trong luật và thực hiện phù hợp với luật.
Việt Đông
(còn tiếp)