Đại hội XIII xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sức mạnh của niềm tin
So với Đại hội XII, Đại hội XIII đã có sự phát triển trong tư duy, nhận thức về việc đưa ra mục tiêu phát triển, khi lần lượt bổ sung “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”; bổ sung “hệ thống chính trị”, “toàn diện”, “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”... Sự phát triển trong nhận thức của Đảng còn được thể hiện qua việc xác định “củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” là điều kiện quan trọng để phát huy sự sáng tạo, khát vọng vươn lên, và những nguồn lực to lớn trong xã hội phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Kế thừa giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vai trò, sức mạnh của nhân dân và các biện pháp để phát huy nguồn sức mạnh đó. Ngày 31.7.1955, Báo Nhân dân đăng bài viết có nhan đề “Ý dân là ý trời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả viết, “làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại. Đó là lời nói chí lý của thánh hiền đời xưa”. Trong lần nói chuyện tại một trường đại học, Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Từ khi ra đời, Đảng luôn coi trọng việc phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân. Điều này được chứng minh khi Văn kiện Đại hội XIII, cụm từ “niềm tin” được nhắc đi nhắc lại 34 lần và 18 lần sử dụng cụm từ “niềm tin của nhân dân” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Điều này chứng minh rằng, Đảng luôn xem niềm tin của nhân dân là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Văn kiện đại hội XIII nêu: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân là mục tiêu cần đặc biệt quan tâm. Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng xác định phải thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng... Lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng”.
Lòng tin tưởng, niềm tin của dân không phải cái gì trừu tượng, khó hiểu, ngược lại rất cụ thể. Do vậy, Đảng có cách tiếp cận và có những chỉ dẫn sức rõ ràng về những đối tượng được nhân dân tin tưởng.
Trước tiên, dân đặt niềm tin của mình vào Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời “đã được nhân dân tin tưởng, được nhân dân coi là đội tiên phong giác ngộ của mình... đã biết khơi nguồn lực lượng và sức sáng tạo của nhân dân không bao giờ cam chịu chế độ nô lệ và ách thuộc địa” (Hồ Chí Minh). Ý Đảng hợp lòng dân, vì vậy nhân dân đã dành cho Đảng một tình yêu son sắt, dành dụm từng bát gạo, sẻ chia từng manh áo, che chở, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Trong những tình huống ngặt nghèo, nhiều người dân còn hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ an toàn cho cán bộ, đảng viên. Theo tiếng gọi của Đảng, dân sẵn sàng góp công sức, của cải, tài sản và cả tính mạng để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”...
Trong xây dựng chế độ xã hội mới ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng rất quan tâm đến vai trò làm chủ đất nước của nhân dân, bản chất nhân văn của chủ nghĩa xã hội. Bác nhiều lần khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”. Hồ Chủ tịch đã nói: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Xuất phát từ điều kiện lịch sử đó, nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng vào chế độ xã hội mới mà Đảng và Chính phủ Hồ Chí Minh xây dựng.
Then chốt, sống còn
Trong giai đoạn hiện nay, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tham ô, tham nhũng- một căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ đã được xác định từ hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII (tháng 1.1994). Đến nay, nguy cơ này phần nào đã được đẩy lùi, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ với mức độ chưa từng thấy.
Để củng cố, tăng cường niềm tin của dân với Đảng, với chế độ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định là ưu tiên số một. Đảng nhấn mạnh đến mối liên hệ “máu thịt” với nhân dân, coi “gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Cụ thể, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; tiếp tục nắm vững và xử lý tốt quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (đã in thành sách), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khắc sâu thêm niềm tin của nhân dân vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn. Giải phóng dân tộc cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chỉ có phát huy sức mạnh của toàn dân và có một Đảng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo, cách mạng mới có thể thành công, do đó, “xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bài học then chốt, sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”. Từ Đại hội VIII của Đảng đến nay, mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng đề ra những nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt, cùng với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hoá, biến chất… nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn”. Đây là định hướng quan trọng để cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, quan liêu, lãng phí… trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Việt Đông