Đại biểu Phạm Hùng Thái phát biểu tại buổi thảo luận tổ.
Mở đầu phiên họp, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh trình bày Báo cáo thẩm tra.
Sau phần trình bày của các bộ trưởng và các uỷ ban của Quốc hội, đại biểu tiếp tục thảo luận tổ về các nội dung liên quan.
Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh cơ bản đồng tình với nội dung các tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, kiến nghị bổ sung một số nội dung.
Đối với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ VH-TT&DL phân loại phim theo độ tuổi; xem lại việc đầu tư xây dựng phim trường có cần thiết hay không, vì không nhất thiết tất cả phải do nhà nước đầu tư, mà nên nghiên cứu để liên kết khai thác, hoặc tư nhân hoá.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý kiến nghị cần mở rộng liên kết và tư nhân hoá trong việc làm phim.
Đồng tình với đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh, vấn đề làm phim, lâu nay nhà sản xuất chỉ chú trọng đến ngôn ngữ điện ảnh, nên khi đưa ra thị trường có rất ít người xem. Vì vậy, có thể quy định phim trường để giảm bớt gánh nặng, nhưng cần mở rộng tư nhân hoá, huy động tư nhân làm dưới sự quản lý của nhà nước, nhà nước không bao cấp.
Đại biểu Phạm Hùng Thái, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật điện ảnh (sửa đổi) cần đảm bảo theo nguyên tắc chung, Điện ảnh thuộc phạm trù văn hoá nghệ thuật, thể hiện các yếu tố chân, thiện, mỹ, vì vậy các nội dung cần phải đảm bảo, khi kiểm duyệt cũng phải chú trọng yếu tố này.
“Điện ảnh cần mang tính xã hội hoá cao, tăng cường xã hội hoá trong lĩnh vực, hạn chế thấp nhất việc nhà nước bao cấp. Do đó, trong phạm vi điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, nhà nước cũng cần phải xã hội hoá lĩnh vực này” - đại biểu Phạm Hùng Thái kiến nghị.
Góp ý về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thái cho biết, việc điều chỉnh là cần thiết, ngoài sửa đổi hạn chế còn tạo động lực, để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, các tiêu chuẩn, nội dung và hình thức quy định trong dự án Luật cần phải phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị, dự thảo Luật phải xác định được quan điểm mới mang lại hiệu quả, hiệu lực trong thi đua khen thưởng, vì vậy về hình thức thi đua, khen thưởng phải đúng thực chất, khen đúng người, đúng việc.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý kiến nghị Dự thảo Luật có 98 Điều nhưng có đến 30 điều (chiếm 1/3) dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể, vấn đề này là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị hạn chế thấp nhất xảy ra tình trạng một vấn đề đã được Luật hóa mà còn phải căn cứ thêm quy định khác của Nghị định… Như vậy hiệu lực, hiệu quả của Luật sẽ không cao.
Đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh công tác thi đua, khen thưởng cần đảm bảo thực chất.
Đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh, hiện nay công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn nhiều hình thức, nhất là việc nhận xét, đánh giá công chức cuối năm…Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đánh giá cán bộ hàng tuần, hàng tháng và hàng năm để không mất thời gian; đồng thời lại công khai minh bạch, đánh giá chính xác từ con số…để đánh giá công chức được tốt hơn, phù hợp hơn hiện nay.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị có chế tài xử lý việc chạy thi đua, khen thưởng như chạy huy chương, danh hiệu, bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng phải đúng thực chất.
Tố Tuấn