Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vòng hoa tại biển lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thủ đô London. (Ảnh: TTXVN)
Tiếp tục chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh, sáng 29/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến đặt hoa tại Biển tưởng niệm Bác Hồ tại Tòa nhà New Zealand trên phố Hay Market ở thủ đô London.
Nơi đây, hơn 100 năm trước, Bác Hồ kính yêu đã đến và làm việc tại Khách sạn Carlton.
Để tỏ lòng yêu kính Bác, Hội hữu nghị Anh-Việt và các bạn bè Anh yêu quý Việt Nam đã đặt tấm biển ghi: “Hồ Chí Minh (1890-1969) - Người khai sinh ra nước Việt Nam - đã làm việc tại Khách sạn Carlton, tòa nhà cũ trên nền đất này, năm 1913.”
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thành kính dâng hoa và dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ vị Lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam, Người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Vào ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, đã rời Bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn, trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình tìm đường giải phóng dân tộc.
Theo các tư liệu lịch sử, trong 30 năm tìm đường cứu nước, Bác đã lưu lại Anh quốc 4 năm (từ 1913-1917), quãng thời gian không dài nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình tư tưởng chính trị của Người.
Nằm tại một trong những vùng ngoại ô tươi đẹp của thủ đô London, Drayton Court là một trong những quán rượu lâu đời và lớn nhất ở Ealing, mở cửa vào năm 1894.
Drayton Court còn hấp dẫn du khách bởi đây là khách sạn duy nhất ở London từng có một nhân viên phục vụ sau này trở thành một lãnh tụ tầm vóc thế giới, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với tòa nhà hiện đại New Zealand nằm trên phố Hay Market nhộn nhịp có vị trí ngay giữa trung tâm London, gần Quảng trường Trafalgar và Bảo tàng Quốc gia London, tòa nhà 19 tầng của Cao ủy New Zealand là tòa nhà cao tầng đầu tiên được xây dựng ở trung tâm London, trên nền khách sạn Carlton, một khách sạn hạng sang mở cửa từ năm 1899 đến năm 1940 trước khi bị bom phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh.
Trong thời gian sống ở London, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm phụ bếp tại khách sạn Carlton.
Mặt trước của tòa nhà New Zealand có gắn tấm biển màu xanh hòa bình với dòng chữ “Năm 1913, Hồ Chí Minh (1890-1969) - người sáng lập nước Việt Nam - làm việc tại khách sạn Carlton, tòa nhà từng nằm trên nền đất này.”
Nhiều người cho rằng nơi đây nằm trong số các điểm đến nổi tiếng ở London với du khách Việt từ các nước khi đến đây.
Các phái đoàn làm việc của Việt Nam tới London thường đề nghị Cao ủy New Zealand được ghé thăm tầng hầm bên dưới tòa nhà, nơi trước kia là khu bếp của khách sạn Carlton; cảm nhận trực tiếp và cảm phục lòng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người tìm ra con đường giành độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu đặt vòng hoa tại biển lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thủ đô London. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 5/1913, Bác rời Pháp đến Anh, đế quốc lớn nhất thế giới thời bấy giờ, để học tiếng Anh và tận mắt quan sát quyền lực thống trị của chủ nghĩa đế quốc.
Tại Anh, để trang trải cuộc sống và dành tiền học tiếng Anh, Người đã làm những công việc nặng nhọc như quét tuyết, đốt lò, phụ bếp tại khách sạn Drayton Court và khách sạn Carlton.
Theo các nhà nghiên cứu sử học, 4 năm ở London đã góp phần hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chính tại đây, lần đầu tiên Người đã đọc các tác phẩm của Karl Marx và Friedrich Engels và đã áp dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập cho đất nước.
Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam, làm thay đổi chiều hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, đồng thời ghi dấu ấn trong lịch sử thế giới hiện đại.
Nguồn TTXVN/Vietnam